Chiêu trò cũ nhưng "cá vẫn mắc câu"
Trong những ngày đầu tháng 4, khi chúng tôi tiếp cận Fanpage "Việc làm online tại nhà", tài khoản có tên Hy Cuti lập tức hướng dẫn thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng.
Ban đầu, chúng tôi nhận được đường link sản phẩm trên sàn thương mại điện tử có giao diện giống sàn giao dịch thương mại Tiki, có giá trị từ vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng.
Tại các đơn hàng đầu tiên, số tiền phải nạp vào để thực hiện nhiệm vụ là 68.000 đồng và thực hiện xong chúng tôi nhận được 90.000 đồng, bao gồm tiền gốc và tiền "hoa hồng" vào tài khoản ngân hàng như đã hứa.
Với yêu cầu nạp thêm 779.000 đồng vào tài khoản để thực hiện tiếp nhiệm vụ, do không còn khả năng chuyển tiền nữa, chúng tôi yêu cầu hoàn lại số tiền đã nạp thực hiện nhiệm vụ trước đó là 260.000 đồng. Lúc này, phía công ty từ chối với lý do phải hoàn thành nhiệm vụ mới rút được tiền và yêu cầu chúng tôi thực hiện tiếp các nhiệm vụ tiếp theo.
Chúng tôi quyết định dừng không làm nữa thì được "động viên": "Mượn tạm ai rồi hoàn thành đơn này và đơn nữa thì chị hỗ trợ làm để rút tiền về"… kèm ảnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Không nhận được phản hồi, Hy Cuti lập tức cảnh báo: "21 giờ hệ thống ngưng hoạt động không ai giải quyết".
"Sập bẫy" với chiêu thức này, chị P.Q.T (trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chỉ vì tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt trên mạng xã hội mà chị đã bị lừa gần 3 triệu đồng. "Cứ nghĩ rằng chốt đơn hàng trên ứng dụng Tiki sẽ được hưởng phần trăm "hoa hồng" cao, tôi đã nạp tiền vào tài khoản rất nhiều lần. Đến khi số tiền lớn, gần 3 triệu đồng, tôi muốn chuyển số tiền đã nạp cùng số tiền hoa hồng trên vào tài khoản ngân hàng cá nhân thì phát hiện mình bị lừa, mọi giao dịch không thực hiện được nữa", chị T. nhớ lại.
Biến tướng
Chị T.V (trú tại Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ theo hướng dẫn của các đối tượng, chị đã tải ứng dụng Telegram, đăng ký tài khoản và nhận nhiệm vụ từ các đối tượng qua các ứng dụng này. Và chị V. đã mất 44 triệu đồng khi nghe lời mời gọi, dụ dỗ của các "chuyên gia đọc lệnh".
Trước đó, chị V. được chủ tài khoản Facebook có tên Võ Lê Bảo Yến giới thiệu công việc là tương tác theo chuyên viên hướng dẫn để tăng lượng tương tác cho khách hàng mua sản phẩm bên công ty thời trang Khanh Anh.
Sau khi đồng ý làm việc, chị V. được giới thiệu vào nhóm TX_GROUP_KT trên ứng dụng Telegram. Tại đây, nhóm làm việc gồm 6 người, Vũ Thị Hà, tự xưng là nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng và Huy Đăng, được giới thiệu là người sẽ đọc lệnh giúp nhóm kiếm tiền cùng 3 người chơi khác.
Mức đầu tiên, người chơi phải bỏ vốn 100.000 đồng, chuyển vào tài khoản của công ty, lợi nhuận là 50% và số tiền vốn tiếp tục tăng lên đồng nghĩa lợi nhuận cũng tăng theo. Khi hoàn thành nhiệm vụ, số tiền vốn cùng tiền hoa hồng được trả về tài khoản của người chơi như đã hứa.
Sau 1 - 2 lần đầu với số vốn chỉ vài trăm nghìn, lợi nhuận 50%, đến khi chiếm được lòng tin, từ các nhiệm vụ sau, Đăng tính phí dịch vụ 200.000 đồng/lượt với số vốn 1 triệu đồng người chơi bỏ ra; đồng thời, cũng đề xuất các gói vốn tăng dần với các mức 3 triệu, 5 triệu và 8 triệu đồng. Tuy nhiên, khuyến khích người chơi nạp tiền bằng cách áp dụng khuyến mãi lên đến hơn 65% với các gói vốn đã nêu.
Thống nhất với gói vốn 3 triệu đồng (thực chất là chỉ 999.000 đồng, áp dụng khuyến mãi - PV) 4 người chơi tiếp tục nộp vào tài khoản công ty và cũng giống như trước, số tiền vốn và hoa hồng được trả đủ cho người chơi.
Bất ngờ, tài khoản của chị V. xuất hiện 1 thông báo trúng thưởng tuy nhiên phải kích hoạt mã để nhận thưởng. "Vì có thông báo trúng thưởng nên tôi không được lấy tiền vốn và hoa hồng ở nhiệm vụ trước đó như người chơi khác. Bắt buộc tôi phải nộp vào 44 triệu đồng để kích hoạt mã nhận thưởng. Sau đó, nếu kích hoạt thành công, tôi sẽ nhận về 88 triệu đồng (gồm 44 triệu đồng tiền nộp vào, tiền thưởng và tiền làm nhiệm vụ trước đó – PV)", chị V. cho biết.
Khi các đối tượng nhận thấy chị V. còn chần chừ, một người chơi khác trấn an chị bằng cách thông báo đã nhận được trúng thưởng lên tới 48 triệu đồng và thúc giục chị nộp tiền vào.
Tuy nhiên, khi chị V. kích hoạt theo đúng mẫu thì web lại báo nhập sai yêu cầu, mất trắng tiền làm nhiệm vụ trước đó và 44 triệu đồng nạp vào để lấy mã nhận thưởng. Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng liên tục gạ gẫm, thôi thúc chị nộp tiếp lần thứ 2 để kích hoạt và giới hạn mã kích hoạt chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Khi chị V. nói không còn tiền thì Hà, Đăng cũng biến mất trên Telegram và nhóm kiếm tiền này cũng im bặt, không còn hoạt động kể từ đó.
Trước những hành vi lừa đảo online trên, mới đây Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an đã khuyến nghị người dùng tuyệt đối không tham gia mua bán đơn hàng ảo trên trang thương mại điện tử dưới hình thức cộng tác viên, nhân viên online…; không nhập thông tin vào các đường link lạ gửi qua SMS, Zalo, Facebook. Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin số thẻ, mã CVC2, mã OTP cho bất cứ đối tượng hoặc đường link nào, kể cả người xưng danh là nhân viên ngân hàng, công an...
Bình luận (0)