Đề phòng nhiều loại sâu bệnh trên lúa, sầu riêng, cà phê và hồ tiêu
Từ 2.9, rãnh thấp đi ngang qua bắc miền Trung sẽ mạnh lên do áp thấp nhiệt đới từ phía đông Philippines vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên, di chuyển về phía đảo Hải Nam, khả năng vào vịnh Bắc bộ gây mưa to đến 4.9 ở các tỉnh bắc miền Trung, sau đó mưa giảm dần.
Các tỉnh ven biển phía nam đèo Hải Vân cuối tuần thời tiết có xu hướng tốt lên, giảm mưa có nắng. Qua tuần sau mưa quay trở lại trên hơn nửa diện tích khu vực, nhưng hầu hết mưa nhỏ hoặc có nơi mưa vừa. Nhìn chung, miền Trung đang chuyển dần sang mùa mưa, thời kỳ đầu mưa chưa đều, càng xuống phía nam vẫn có nơi mưa còn quá ít nên tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục khá gay gắt trong nửa đầu tháng 9.
Đối với miền Bắc thời tiết đang chuyển mùa, riêng vùng ven biển phía đông như Móng Cái, vịnh Hạ Long cũng như một số nơi ở vùng núi do ảnh hưởng rãnh áp thấp nối với áp thấp nhiệt đới (hoặc bão) nên có nơi mưa to và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm luôn tiềm ẩn như lốc và gió giật mạnh. Từ giữa đến cuối tuần mưa sẽ giảm đáng kể.
Gió tây nam sẽ suy yếu dần sau khi bão số 4 tan, Tây nguyên và Nam bộ mưa cũng giảm vào cuối tuần. Từ chiều tối và đêm chủ nhật (1.9) đến nửa đầu tuần sau, do ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể còn mạnh lên, đồng thời lại xuất hiện thêm 1 cơn bão khác ở gần đảo Luzon (di chuyển về phía Đài Loan) nên gió tây nam sẽ mạnh lên trở lại, kéo dài đến hết tuần. Thời tiết Nam bộ sẽ chuyển mưa nhiều hơn, tập trung vào chiều và tối. Một số nơi ở bắc miền Đông tại Bình Phước, Đồng Nai và vùng dọc theo biên giới tây nam, vùng ven biển Kiên Giang đề phòng có lúc mưa vừa mưa to và giông lốc, gió giật. TP.HCM có thể mưa trùng với lúc triều cường, một số nơi bị ngập cục bộ vào chiều tối trong hai ngày cuối tuần.
Theo dự báo, do triều cường và mưa từ thượng, trung nguồn đổ về nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh, có thể đạt mức 2,5 m tại Tân Châu vào ngày 3.9. Như vậy, từ nay đến giữa tháng 10 là thời kỳ hoạt động của dải hội tụ, các cơn bão hoặc áp thấp gây những đợt mưa trên lưu vực sông Mê Kông nên mực nước còn tiếp tục lên.
Trong tuần đầu tháng 9.2019, mưa ẩm có xu hướng tăng nên tình hình dịch bệnh gây hại cần chú ý trên các diện tích lúa mùa ở phía bắc là sâu cuốn lá nhỏ và rầy lưng trắng, đạo ôn lá, cổ bông. Đối với Nam bộ, do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, cần lưu ý bệnh bạc lá, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông trên trà lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông.
Bên cạnh đó, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian tới, số giờ nắng thiếu hụt ở nhiều nơi thuộc Tây nguyên và miền Đông ảnh hưởng đến năng suất sau thu hoạch và sâu bệnh gây hại, đáng chú ý là trên cây ăn trái như sầu riêng, thanh long và điều, cà phê, hồ tiêu trong tháng 9.2019.
Bình luận (0)