Nhiều phương án cải cách lương

18/05/2012 03:21 GMT+7

Nhiều phương án, đề xuất đã được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo thực trạng chính sách tiền lương và các giải pháp cải cách do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) tổ chức ngày 17.5.

Với quan điểm, tiếp tục coi tiền lương là giá cả sức lao động, được xác định theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của nhà nước, trong đề án cải cách tiền lương được Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Nội vụ xây dựng, ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, mức tiền lương trả cho người lao động (NLĐ) sẽ căn cứ vào năng suất, kết quả lao động và mức đóng góp của NLĐ, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa NLĐ, DN và nhà nước.

Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), trong cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức giai đoạn 2012-2020, mức lương tối thiểu cần phải không thấp hơn NLĐ trong DN trên cùng địa bàn. Mức lương tối thiểu cần được xác định để điều chỉnh từng bước theo lộ trình gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công và phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Đối với cán bộ công chức giữ chức danh lãnh đạo, dự kiến thiết kế bảng lương theo 2 phương án. Phương án 1, thiết kế bảng lương chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo từ bộ trưởng và tương đương trở lên và cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo. Các chức danh cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo còn lại xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ công với phụ cấp lãnh đạo (như hiện nay). Phương án 2, thiết kế bảng lương chức vụ áp dụng chung cho tất cả các chức danh cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo từ T.Ư đến cấp xã. Mỗi chức danh thiết kế 1 mức lương chức vụ. Đối với công chức chuyên môn, nghiệp vụ, kế thừa nguyên tắc thiết kế tiền lương của chế độ hiện hành. Dự kiến 2 phương án: giữ nguyên tắc thiết kế bảng lương như chế độ lương hiện hành (mỗi ngạch có một số bậc lương thâm niên) nhưng hoàn thiện theo hướng thu gọn các nhóm. Phương án 2, thiết kế bảng lương mới theo nguyên tắc mỗi ngạch công chức chỉ có một mức lương. Trên cơ sở đó, bãi bỏ chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung.

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới xác định tiền lương là một trong những công cụ quan trọng của nhà nước để điều chỉnh các quan hệ LĐ. Bà Mai nhấn mạnh: “Trong các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực DN làm cơ sở để người sử dụng LĐ và NLĐ thỏa thuận tiền lương. Còn đối với khu vực nhà nước thì xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức. Đồng bộ với tiền lương phải là vấn đề năng suất, hiệu quả công việc. Đối với bộ máy Nhà nước, đó là việc sắp xếp lại theo mô hình vị trí việc làm, đổi mới cơ chế tự chủ trong khu vực dịch vụ công và tạo nguồn để đảm bảo chi trả lương phù hợp với chất lượng và hiệu quả công việc”.

Thu Hằng

>> Lương tối thiểu không đủ sống ở mức tối thiểu
>> Nâng mức giảm trừ gia cảnh, bỏ thuế suất 35%

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.