Khi sinh viên đam mê... trữ nước
T.H.N, sinh viên Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) là người quay rất nhiều đoạn clip hứng nước tại trường rồi đăng lên mạng xã hội. Nữ sinh cho biết mỗi ngày khi có tiết học ở trường, cô bạn đều tranh thủ mang theo bình để lấy nước trữ lại mang về uống.
Hỏi lý do, N. bộc bạch nước tại trường luôn đảm bảo chất lượng nên nữ sinh rất tin tưởng. Vì thế, N. thường xuyên mang bình để lấy nước ở trường.
"Không chỉ yên tâm hơn khi sử dụng nước tại trường, mình còn thấy vui vì đã tiết kiệm được một khoản kha khá tiền sinh hoạt phí nhờ việc làm nho nhỏ này. Không chỉ có mình mà nhiều bạn khác cũng tranh thủ mang theo bình lớn, thùng nhựa… đến trường và rót nước mang về nhà dùng dần", N. chia sẻ.
N. cho rằng việc sinh viên hứng nước ở trường để đem về nhà sử dụng là điều bình thường, vì họ đã đóng đầy đủ học phí. Vì vậy, N. ủng hộ việc mọi người mang bình cá nhân đến trường.
"Mình nghĩ, đây là một cách tiết kiệm thông minh và hợp lý, đặc biệt là với những sinh viên có ngân sách eo hẹp như mình. Thay vì chi tiền mua nước ngọt, trà sữa mỗi ngày không tốt cho sức khỏe, tụi mình tận dụng nguồn nước sạch và miễn phí từ trường học", N. nói.
Đồng quan điểm với T.H.N, Đa Thị Thu Thảo, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết việc hứng nước trữ lại để mang về nhà diễn ra khá phổ biến ở trường.
"Mỗi lần ra chơi hay chuẩn bị về, mình thấy các bạn xếp hàng chờ lấy nước khá đông. Mình thường trữ khoảng 2-3 lít nước đem về nhà để dùng dần. Tuy nhiên, có một điều khiến mình hơi lo lắng rằng với số lượng lớn sinh viên lấy nước như vậy thì liệu lõi lọc của máy có đáp ứng đủ nhu cầu hay không", Thảo đắn đo chia sẻ.
Các đoạn clip sinh viên mang chai lớn, thùng nhựa đến trường để hứng nước trữ lại mang về nhà sử dụng được đăng tải trên mạng xã hội gây nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ, nhưng cũng không ít người lại tỏ ra chê trách, cho rằng việc này khá mất công vì phải xách nặng. Có người còn đặt ra câu hỏi: "Đi học hay đi hứng nước dự trữ?", "Trữ nước để bù lại học phí hay gì?"… khiến dân mạng bật cười.
Phạm Khắc Hiếu, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bày tỏ: "Việc trữ nước không giúp tiết kiệm bao nhiêu mà còn tốn nhiều công sức. Mình không dám mang bình theo để trữ nước tại trường, một phần vì khá bất tiện, phần là do sợ bị người khác soi mói và phán xét".
Thầy cô nói gì?
Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng truyền thông, Trường ĐH Văn Lang, cho biết rất nhiều lần nhìn thấy cảnh sinh viên lấy bình 2 lít, 5 lít, hộp lớn… đến trường hứng nước.
"Tôi tò mò hỏi: "Mang bình gì to dữ vậy?", các em trả lời: "Tụi em mang về nhà uống đó thầy". Trường chúng tôi rất đầu tư về chuyện nước uống. Có hệ thống nước hiện đại ở các dãy hành lang, lõi lọc xịn xò, đạt tiêu chuẩn quốc tế… Đầu năm học mới, cô hiệu trưởng tự hào khi khoe điều này với toàn sinh viên. Vì vậy, các bạn rất tin tưởng khi uống nước tại trường, và cũng có trường hợp mang về nhà dùng dần", thạc sĩ Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, thạc sĩ Tú cho rằng các bạn nên tiết kiệm, sử dụng nước vừa đủ cho nhu cầu bản thân. "Lõi lọc có giới hạn, nếu sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến những người khác. Chúng ta nên dùng vừa đủ, đừng quá lạm dụng tràn lan", thạc sĩ Tú nói.
Anh Nguyễn Trung Khang, chuyên viên phụ trách công tác sinh viên và truyền thông Khoa Xã hội học – Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết hiện tượng sinh viên lấy nước ở trường mang về dùng đã có từ thời… của anh học, chứ không phải mới đây.
"Trước đây, sinh viên chúng tôi thường mang theo bình lớn đến trường hứng nước dùng để tiết kiệm một khoản chi phí. Nhà trường không có công văn hay phát ngôn về chuyện trữ nước. Thầy cô không cấm, thậm chí còn khuyến khích sinh viên lấy nước uống về dùng để đỡ phần chi phí. Học phí không có khoản nước nên các bạn cứ lấy thoải mái", anh Khang nói.
Theo anh Khang, các buổi sinh hoạt, thầy cô có chia sẻ về văn hóa ứng xử trong trường học. Chẳng hạn như việc lấy nước, đi thang máy, thang bộ… sinh viên cần có ý thức. Các bạn nên lấy nước vừa đủ trong ngày, để dành cho người sau. Lỡ trường bị cúp nước hay máy có vấn đề gì thì bạn đến sau sẽ không có sử dụng.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang, cho biết hiện tượng sinh viên lấy nước tại trường về nhà dùng đã có từ rất lâu. "Đối với nhà trường đây là chuyện bình thường, trường không cấm chuyện này. Có rất nhiều em ở các tỉnh lên học và đa phần sống ở ký túc xá, thuê nhà trọ… nên lấy nước ở trường uống rất vệ sinh, sạch sẽ, đảm bảo cho sức khoẻ, bên cạnh đó thì phần nào cũng tiết kiệm được chi phí ”, tiến sĩ Tuấn nói.
Tuy nhiên, tiến sĩ Tuấn khuyên các bạn nên lấy vừa đủ uống, uống hết thì lấy tiếp.
Trữ nước lâu ngày có an toàn?
Theo thạc sĩ, bác sĩ CK2 Châu Tố Uyên (Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1), nên tiêu thụ nước trong chai nhựa trong thời gian ngắn (từ vài ngày cho đến một tuần), nếu nước được bảo quản trong điều kiện mát mẻ.
Không nên tái sử dụng chai nhựa PET (chai làm từ nhựa Polyethylene Terephthalate, rất phổ biến trong ngành công nghiệp bao bì thực phẩm và đồ uống) để đựng nước, nhất là khi chai đã cũ, bị trầy xước hoặc phơi dưới nắng.
Nếu cần bảo quản nước lâu dài, hãy chọn các loại chai làm từ chất liệu an toàn hơn như thủy tinh, thép không gỉ hoặc nhựa an toàn không chứa BPA (Bisphenol A). Những vật liệu này ít có khả năng giải phóng hóa chất độc hại khi tiếp xúc với nước hoặc trong điều kiện nhiệt độ cao.
"Sau một thời gian dài, nước trong chai nhựa có thể bị thay đổi hương vị do sự phân hủy của nhựa hoặc sự phát triển của vi khuẩn nếu chai không được vệ sinh sạch sẽ. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy nước không còn an toàn để uống. Người lớn cần đảm bảo tối thiểu 8 ly nước trong một ngày, tương đương 2 lít nước. Vì vậy, bạn cần chọn những dụng cụ đựng nước an toàn và tiện lợi để đáp ứng vừa đủ nhu cầu hằng ngày", bác sĩ Uyên nói.
Bình luận (0)