Nhiều tài sản công ở TP.HCM chưa được khai thác hiệu quả

20/08/2022 07:08 GMT+7

Đối với công tác quản lý tài sản công, trong giai đoạn 2016 - 2021, TP.HCM đã thu hồi 68 địa chỉ nhà đất với diện tích đất hơn 350.000 m2 của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngày 19.8, UBND TP.HCM tiếp tục gửi báo cáo bổ sung việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tới đoàn giám sát của Quốc hội.

Đối với công tác quản lý tài sản công, trong giai đoạn 2016 - 2021, TP.HCM đã thu hồi 68 địa chỉ nhà đất với diện tích đất hơn 350.000 m2 của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, có 23 địa chỉ thuộc diện thu hồi để bán đấu giá nhà, đến nay đã bán xong 4 địa chỉ, còn lại 19 địa chỉ đang hoàn tất thủ tục để bán.

Trong 68 địa chỉ nêu trên, còn 14 địa chỉ chưa thu hồi vì hiện trạng trên đất có các trạm điện, thủy đài, giếng ngầm chưa được tháo dỡ, di dời, san lấp; không đủ điều kiện để chuyển giao về địa phương quản lý; nhà đất đang xác định ranh mốc, diện tích chính xác để bàn giao.

Riêng 144 địa chỉ nhà, đất thuộc diện bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, TP.HCM cũng mới bán được 8 địa chỉ; 136 nhà, đất còn lại chưa thực hiện được do vướng các quy định, chờ hướng dẫn thống nhất.

Liên quan đến việc cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công, UBND TP.HCM cho rằng, yêu cầu phải lập đề án với từng cơ sở tốn nhiều thời gian và gây áp lực lên Sở Tài chính và UBND TP.HCM. Bởi theo quy trình, đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu lập đề án báo cáo cơ quan quản lý cấp trên cho ý kiến, sau đó gửi Sở Tài chính thẩm định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Tài chính, đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện đề án, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để trình Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt từng đề án cụ thể.

Riêng đối với đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, UBND TP.HCM phải lấy ý kiến Thường trực HĐND TP.HCM trước khi phê duyệt. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tại thời điểm ngày 31.12.2017, toàn TP có 537 đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Còn hiện nay, TP.HCM có 1.888 đơn vị sự nghiệp công lập, phần lớn các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê để phục vụ cho các hoạt động theo chức năng cũng như hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp như căn tin, bãi giữ xe…

Một bất cập khác là các trường hợp sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, liên kết thì khu đất đó phải đủ điều kiện, tức là trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, đa phần các đơn vị sự nghiệp công lập không có khả năng tài chính để nộp tiền đất một lần, nếu chỉ góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thì giá trị không lớn, làm tỷ lệ vốn góp rất thấp, dẫn đến lợi nhuận được chia cũng rất thấp.

Để tháo gỡ vướng mắc này, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.