Nhiều tên tuổi lừng lẫy văn đàn từ 'chiếc nôi' Trường ĐH Sư phạm Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
08/05/2023 07:11 GMT+7

Cuốn sách Nặng hơn cầm phấn vừa ra mắt tại TP.Huế đã giới thiệu về 23 tác giả của văn học VN trước và sau năm 1975, đặc biệt họ đều từ "chiếc nôi" Ban Việt văn - Việt Hán, Trường ĐH Sư phạm Huế.

Sáng 6.5, tại Trường ĐH Sư phạm, Đại học Huế (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) diễn ra buổi tọa đàm ra mắt tập sách Nặng hơn cầm phấn do PGS-TS Bửu Nam, TS Nguyễn Thị Tịnh Thy (đồng chủ biên) cùng các tác giả Trần Hoài Anh, Nguyễn Thùy Trang, Nguyễn Hữu Minh.

Nặng hơn cầm phấn là tập phê bình văn học giới thiệu 23 tác giả văn học từng học Ban Việt văn - Việt Hán Trường ĐH Sư phạm Huế từ ngày mới thành lập (năm 1957) và tiếp nối là Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế sau này. Đó là những tên tuổi lớn như Ngô Kha, Trần Quang Long, Tường Phong Nguyễn Đình Niên, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Nhược Thủy, Tôn Nữ Thu Thủy, Nguyễn Công Thắng, Trần Văn Hội, Trần Hoàng Phố, Hoàng Văn Trương, Hồ Sĩ Bình, Trần Xuân An, Túy Hồng, Trần Duy Phiên, Nguyễn Mộng Giác, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Văn Dũng, Vĩnh Quyền, Quế Hương, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Duyên Sanh…

Nhiều tên tuổi lừng lẫy văn đàn từ 'chiếc nôi' Trường ĐH Sư phạm Huế - Ảnh 1.

Bìa sách

Bùi Ngọc Long

Giới thiệu về cuốn sách mới, PGS-TS Bửu Nam và TS Tịnh Thy cho biết: "Khi đọc tiểu sử các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Ngô Kha, Túy Hồng, Nguyễn Mộng Giác, Trần Quang Long, Trần Thùy Mai... chúng tôi tình cờ có một phát hiện thú vị, tất cả họ đều xuất thân từ Ban Việt văn - Việt Hán của Trường ĐH Sư phạm Huế. Lần theo phát hiện này, chúng tôi tìm thấy một loạt tác giả khác như: Tâm Hằng (bút danh của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân), Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Trần Thức... Kể cũng lạ, một khoa văn Trường ĐH Sư phạm Huế thuở đó, mỗi năm chỉ có chừng hơn mươi người tốt nghiệp, sao có thể sản sinh ra nhiều nhà văn như thế, chẳng khác gì một trường viết văn?".

"Chúng tôi đặt nhan đề Nặng hơn cầm phấn bởi vì các nhà văn trong tập sách này đều được đào tạo để trở thành những người thầy. Tuy nhiên, do tài hoa và tình yêu văn chương mà họ vừa cầm phấn vừa cầm bút, hoặc cầm bút sau khi cầm phấn. Ví von như thế không phải để chỉ sự hơn kém của nghề này, nghề kia mà để thấy trách nhiệm cầm bút và trân quý tâm huyết của các nhà văn đối với văn chương", PGS-TS Bửu Nam cho biết.

Nhóm tác giả cũng hy vọng cuốn sách là bước khởi đầu cho những cuốn tiếp theo để hình thành nên bộ sách "tùng thư" về các nhà văn của Trường ĐH Sư phạm Huế.

Sách Nặng hơn cầm phấn dày hơn 500 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản tháng 4.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.