Cuốn sách Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo của tác giả Trần Viết Ngạc, vừa được NXB Hồng Đức cho ra mắt bạn đọc.
Một nhân vật danh giá
Bùi Huy Tín thường được nhắc đến với tư cách một trong những doanh nhân giàu có nhất ở Bắc kỳ, một nhân vật danh giá của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX: "Nhất Bưởi, nhì Phu, tam Thu, tứ Tín" (Bạch Thái Bưởi, Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín).
Doanh nhân Bùi Huy Tín qua đời đến nay tròn 60 năm nhưng hiểu biết của hậu thế về nhân vật lịch sử này còn sơ sài, trống nhiều về tư liệu...
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, Bùi Huy Tín là "cha đẻ" của hai tờ báo kinh tế tiếng tăm ở Hà Nội và Huế trước năm 1945. Đó là Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo. Hai tờ báo là cơ quan ngôn luận chấn hưng thực nghiệp, khai mở kinh tế cho người dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Doanh nhân Bùi Huy Tín cũng chính là người mở đầu cho ngành xuất bản ở miền Trung khi khai sinh ra nhà in đầu tiên ở Huế với cổ phần 28.000/50.000 đồng Đông Dương vốn huy động ban đầu. Đó là nhà in Đắc Lập ra đời ngày 10.12.1919.
Sau năm 1945, việc kinh doanh sa sút, tài sản do ông đầu tư xây dựng lần lượt bị bán lại cho người khác. Từ năm 1954, Bùi Huy Tín lui về hoạt động Phật sự ở chùa Tập Thiện (Huế) cho đến khi qua đời và được an táng tại đây.
Nguồn tư liệu phong phú
Sách Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo có kết cấu 6 chương và 2 phần Phụ lục - Cảm nghĩ (gồm hồi ức của con gái Bùi Huy Tín, những bài viết của các nhà nghiên cứu về ông và bài báo – tuyên ngôn của Bùi Huy Tín trên Tràng An báo).
Chương I, với 10 trang chữ và 2 trang ảnh tiểu sử, tác giả giới thiệu thân thế và sự nghiệp Bùi Huy Tín.
Doanh nhân Bùi Huy Tín (1875-1963) quê gốc ở Thái Bình nhưng ra đời tại Hà Nội. Năm 3 tuổi, thất lạc gia đình, cậu bé được một viên đại úy người Pháp nhận nuôi và chu cấp ăn học. Nhờ sớm thông thạo tiếng Pháp từ khi còn bé, năm 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường thông ngôn, Bùi Huy Tín bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với nghề thầu khoán.
Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, lại biết tận dụng các mối quan hệ, đến những năm đầu thập niên 1930 Bùi Huy Tín tham gia lãnh thầu cung cấp vật liệu cho một số hạng mục cầu đường của Pháp như tuyến đường sắt từ Việt Trì - Lào Cai, tuyến Sài Gòn - Khánh Hòa - Lang Biang, tuyến Vinh - Đông Hà; và góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy nước khoáng Vĩnh Hảo. Đây là nhà máy nước khoáng chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Từ đó, Vĩnh Hảo vươn ra các nước Đông Dương, xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Canada, Đài Loan…
Năm 1919, vua Khải Định trao chức Hàn lâm viện trước tác cho Bùi Huy Tín để biểu dương những đóng góp của ông trong công cuộc mở mang kinh tế nước nhà, rồi thăng hàm Thị giảng, hàm Hồng lô tự khanh, Bắc đẩu bội tinh Ngũ hạng.
Doanh nhân Bùi Huy Tín còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội ở Bắc kỳ và Trung kỳ, trở thành hội viên Hội Khai trí Tiến Đức, hội viên Hội Y học Trung kỳ, thành viên trong ban tổ chức Hội đồng Tổ chức Hội chợ Huế (1936)...
4 chương tiếp theo, tác giả dành khoảng 130 trang giới thiệu về tờ báo Thực nghiệp dân báo và khoảng 30 trang dành cho tờ Tràng An báo cùng phiên bản tiếng Pháp La Gazette de Hué.
Phần lớn số trang trong 4 chương này dành cung cấp cho bạn đọc tư liệu các bài viết trên báo về những sự kiện lớn xảy ra ở Việt Nam như Vụ án Phan Bội Châu (1925), Lễ tang Phan Châu Trinh (1926), Khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng (1930)...
Đáng tiếc là nhiều nội dung trong sách Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo còn sai sót. Ví dụ, tiểu sử Bùi Huy Tín trang 7 ghi ông mất năm 1963 thì đến trang 11 viết ông mất năm 1961; tên vợ ông trang 13 viết là Ngô Thị Sửu thì trang 22 lại viết Ngô Thị Sữu. Lỗi về dấu câu theo phát âm tiếng miền Trung diễn ra ở nhiều trang viết cả về nhân vật và địa danh… Thêm vào đó, một số chú thích không đúng như chú thích trang 239 cho rằng Cao Xuân Huy là con trai Cao Xuân Dục. Thực tế, Cao Xuân Dục là ông nội Cao Xuân Huy.
Đặc biệt, bài Cảm nghĩ của PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam từ trang 276 đến trang 281, trang nào cũng nhan nhản lỗi.
Tác giả cuốn Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo - Trần Viết Ngạc sinh năm 1939, quê tại Quảng Trị. Trong nhiều năm ông là giảng viên khoa Lịch sử trường ĐHSP TP.HCM.
"Bùi Huy Tín đã tuyên bố công khai rằng 'quan điểm của tờ báo cũng là của chính tôi'. Do vậy, Bùi Huy Tín không chỉ là một nhà giàu trong làm ăn kinh tế thời thuộc địa mà ông còn là một nhân cách chính trị trước những vấn đề của lịch sử đương đại cũng chính là vận mệnh của quốc gia".
Dương Trung Quốc - Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam
Bình luận