Sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) được nâng cấp thành dự án Cảng hàng không Phan Thiết, từ cấp 4C lên 4E với đường băng 2.400 m lên 3.050 m; quy mô từ 500.000 hành khách lên 2 triệu hành khách/năm. Nhà ga hành khách từ 5.000 m2 tăng lên đến 19.000 m2. Tuy nhiên, kể từ khi khởi công đến nay (18.1.2015), sân bay Phan Thiết gặp nhiều trở ngại trong thủ tục đầu tư, xây dựng, dù Bình Thuận đã giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Đấu thầu lại nhà đầu tư BOT sân bay Phan Thiết
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bình Thuận, với sự tham dự của nhiều bộ ngành vào ngày 31.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê bình tỉnh Bình Thuận và các bộ trong việc chậm trễ thi công các hạng mục của sân bay Phan Thiết.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phối hợp với Bình Thuận tháo gỡ các khó khăn, trong đó đấu thầu lại phần danh mục BOT (dân dụng) để triển khai dự án nhanh hơn.
Phối cảnh cảng hàng không Phan Thiết cấp 4E |
SỞ GTVT BÌNH THUẬN |
Ngoài ra, thông báo số 298/VPCP truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, yêu cầu Bình Thuận rà soát lại quy trình, lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực đầu tư để thay thế và làm lễ khởi công lại (phần BOT) vào đầu năm 2023 để hoàn thành đồng bộ với đường cất cánh, hạ cánh do Bộ Quốc phòng thực hiện. Phải hoàn thành công trình Cảng hàng không Phan Thiết vào cuối năm 2023.
Thực hiện thông báo nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở GTVT, Sở KH-ĐT khẩn trương thực hiện điều chỉnh hồ sơ, về chủ trương đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư (mới) Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục dân dụng theo hình thức BOT.
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh Bình Thuận kiểm tra tiến độ xây dựng dự án sân bay Phan Thiết vào năm 2020 |
QUẾ HÀ |
Vào ngày 12.10, Sở KH-ĐT Bình Thuận đã có báo cáo với UBND tỉnh, cho biết: "Do quy mô, tổng mức đầu tư dự án tại thời điểm này tăng quá lớn so với dự án được duyệt trước đây. Mặt khác, theo hợp đồng với nhà đầu tư trước đây (ký ngày 20.9.2016) thì nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án về hàng không, do vậy không đảm bảo về điều kiện để tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng".
Sở KH-ĐT Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở GTVT hoàn chỉnh việc điều chỉnh hồ sơ về chủ trương đầu tư.
Bên cạnh việc hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh (phần BOT) để trình Hội đồng thẩm định liên ngành, Sở KH-ĐT Bình Thuận đề nghị rà soát lại toàn bộ hợp đồng BOT đã ký trước đây (với Công ty CP Rạng Đông) để giải quyết các tồn tại nhằm thanh lý hợp đồng cũ, sau đó mới tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư mới.
Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không Phan Thiết đội vốn gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu |
QUẾ HÀ |
Mức đầu tư BOT tăng quá cao
Theo điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E đã được Bộ GTVT phê duyệt, tổng mức đầu tư dự án hạng mục dân dụng (BOT) tăng từ 1.693,7 tỉ đồng lên 4.812,7 tỉ đồng.
Theo Sở KH-ĐT Bình Thuận, do mức đầu tư BOT tăng quá cao, cho nên bản hợp đồng do UBND tỉnh Bình Thuận ký với nhà đầu tư trước đây không còn phù hợp.
Về thủ tục đất đai, cũng theo Sở KH-ĐT Bình Thuận, dự án sân bay Phan Thiết được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất cho Công ty CP Rạng Đông (quyết định 189/QĐ ngày 19.1.2017) hình thức là nhà nước tạm giao đất, không thu tiền sử dụng đất với diện tích 144,6 ha.
Sở KH-ĐT nhận định, việc giao đất cho nhà đầu tư với hình thức trên là chưa phù hợp với các quy định của luật Đất đai hiện hành.
Lễ khởi công sân bay Phan Thiết (ngày 18.1.2015) |
DIỆP ĐỨC MINH |
Về việc ký kết hợp đồng giữa UBND tỉnh Bình Thuận với nhà đầu tư trước đây, tại hợp đồng số 2714/HĐ.BOT ngày 20.9.2016, theo hợp đồng này thì thời gian nhà đầu tư BOT thu phí sân bay Phan Thiết là 73 năm 8 tháng 25 ngày. Sở KH-ĐT Bình Thuận cho rằng, thời gian thu hồi vốn tối đa 70 năm là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 3, Điều 126 luật Đất đai và chưa phù hợp với luật Đầu tư.
Cũng theo hợp đồng trên thì thời gian thi công hoàn thành trước quý 4/2018, sau đó UBND tỉnh có chủ trương cho gia hạn thời gian thi công dự án đến ngày 31.12.2021. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa triển khai thi công như hợp đồng đã ký kết.
“Như vậy, hợp đồng đã hết hiệu lực về thời gian thi công, mà nhà đầu tư cũng chưa được cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thi công, nhà đầu tư cũng chưa thực hiện gia hạn bảo lãnh hợp đồng là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 3, Điều 72 của luật Đấu thầu”, văn bản của Sở KH-ĐT Bình Thuận nêu.
Ngày 6.10, Quân chủng Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận liên quan tiến độ triển khai dự án sân bay Phan Thiết (phần quân sự do Bộ Quốc phòng thực hiện). Theo Sở GTVT Bình Thuận, tỉnh đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 542 ha, bàn giao cho Bộ Quốc phòng 150 ha khu quân sự, 2,56 ha khu đài dẫn bay. Đối với khu nhà quân sự 10 ha, hiện nay đã thực hiện được 6,28 ha. Còn khu bay quân sự hiện đã thi công đạt gần 70% khối lượng. Quân chủng Phòng không - không quân kiến nghị Bình Thuận sớm hoàn thành việc đền bù giải tỏa để bàn giao đất cho đơn vị thi công, tháo gỡ khó khăn liên quan đến vật liệu xây dựng sân bay.
Bình luận (0)