Cuối ngày thứ 17 phiên tòa của TAND TP.HCM xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát (ngày 28.3), đã kết thúc phần bào chữa của các luật sư đối với 86 bị cáo trong vụ án, cũng như phần bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, người liên quan.
Theo đó, ngày mai (1.4), phần tranh luận sẽ tiếp tục với nội dung Viện KSND TP.HCM đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư, tự bào chữa bổ sung của bị cáo, và quan điểm bảo vệ quyền lợi.
Luận tội, Viện kiểm sát đã đề nghị án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan; 3 án chung thân đối với cựu lãnh đạo SCB Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn. 81 đồng phạm còn lại giúp sức Trương Mỹ Lan rút tiền SCB, bị Viện kiểm sát đề nghị từ 3 năm tù treo đến 24 năm tù.
Qua 2 tuần bào chữa, đa số các bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trong vụ án đều đưa thêm các tình tiết giảm nhẹ, cho rằng chỉ đóng vai trò yếu thế, làm công ăn lương, tin tưởng tuyệt đối vào Trương Mỹ Lan, cấp trên; không hưởng lợi, nên đề nghị có mức án nhẹ hơn Viện kiểm sát đề nghị.
Xem nhanh 20h ngày 1.4: Trương Mỹ Lan xin miễn hình phạt cho chồng và cháu
Riêng, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận cáo buộc thao túng SCB, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khoảng 498.000 tỉ đồng, trong đó bao gồm tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng tiền gốc, lãi trên dư nợ gốc hơn 129.000 tỉ đồng; vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng.
Bào chữa cho Trương Mỹ Lan, các luật sư cho rằng về tội danh tham ô tài sản, chủ thể của tội này phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản tại SCB, trong khi đó bị cáo không hội tụ các điều kiện này.
Hơn nữa, về bản chất và hành vi của Trương Mỹ Lan được xác định là cùng phương thức, thủ đoạn phạm tội (nếu có) xuyên suốt trong 10 năm, nên tách ra 2 tội danh ở 2 thời điểm là chưa phù hợp.
Trương Mỹ Lan sẽ phải thực hiện những trách nhiệm dân sự nào?
Đối với tội đưa hối lộ của bị cáo Lan, theo các luật sư, hiện chỉ có Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) khai đưa 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước); bị cáo Nhàn thừa nhận hành vi nhận 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn; còn lại không có chứng cứ khác chứng minh bị cáo Lan đã chỉ đạo Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Vì vậy, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc thân chủ tội đưa hối lộ.
Các vấn đề dân sự còn tranh cãi
Đối với phần bảo vệ quyền lợi của người bị hại là SCB, ngân hàng đề nghị HĐXX xác định thiệt hại của SCB tính đến ngày xét xử sơ thẩm (5.3.2024) là 761.802 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là gần 484.000 tỉ đồng, nợ lãi/phí tạm tính là hơn 277.800 tỉ đồng. Xác định bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải có trách nhiệm liên đới khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Xem xét giao cho SCB toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý… 1.166 tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án; cho SCB nhận lại toàn bộ tài sản và các quyền tài sản mà cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thu hồi, kê biên, phong tỏa trong vụ án.
Đối với khoản tiền nhận hối lộ 5,2 triệu USD của bị cáo Đỗ Thị Nhàn, SCB cũng đề nghị thu hồi lại trả cho SCB bởi tiền đưa nhận hối lộ này có nguồn gốc từ SCB.
Đối với thiệt hại vụ án, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét cách xác định lại thiệt hại của vụ án. Bởi, Viện kiểm sát xác định thiệt hại dựa trên nguyên tắc lấy dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, song lại loại trừ một số tài sản đảm bảo khiến bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm với số thiệt hại cao hơn rất nhiều so với sai phạm bị cáo buộc.
Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm, Viện kiểm sát đề xác định thiệt hại là 677.286 tỉ đồng và số lãi phát sinh của hậu quả thiệt hại này theo quy định pháp luật. Tuy nhiên để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, buộc các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở dư nợ các khoản vay trừ đi tổng giá trị tài sản đảm bảo được phân bổ cho các khoản vay, là khoảng 498.000 tỉ đồng.
SCB yêu cầu được toàn quyền quản lý, sử dụng tài sản của Trương Mỹ Lan
Ngoài ra, Viện kiểm sát chỉ buộc Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB toàn bộ thiệt hại là 677.286 tỉ đồng và lãi phát sinh của hậu quả thiệt hại này theo quy định pháp luật.
Về đề nghị của bị cáo Trương Mỹ Lan, bán tòa nhà Capital Palace (29 Liễu Giai, Hà Nội) để bổ sung khắc phục hậu quả, thì tại tòa, đại diện 2 trong 4 ngân hàng HSBC (Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải), và Ngân hàng OCBC Bank Singapore không đồng ý, và đề nghị HĐXX xem xét bảo đảm quyền lợi của ngân hàng.
Theo 4 ngân hàng, tòa nhà Capital Place đang được Công ty cổ phần Twin-Peaks thế chấp để đảm bảo khoản vay 200 triệu USD, thời điểm đáo hạn trả nợ là ngày 30.4.2024.
Tòa nhà Capital Place được Trương Mỹ Lan thông tin đến tòa là có thể bán với giá 1 tỉ USD, song con gái bà Trương Mỹ Lan trình bày đang có người trả 360 triệu USD, nhưng tòa nhà này đang thế chấp vay. Sau khi bán xong, trả nợ cho 4 ngân hàng, số tiền còn lại sẽ dùng khắc phục hậu quả trong vụ án.
Về yêu cầu của Trương Mỹ Lan đề nghị SCB trả tiền thuê tòa nhà 19 Nguyễn Huệ, SCB trình bày tài sản này đang bị kê biên, nên hiện SCB chưa thanh toán tiếp nhưng số tiền nợ thấp hơn rất nhiều so với tiền mà SCB đặt cọc.
Trong 86 bị cáo trong vụ án, riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) là người duy nhất không phải là đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB; và không liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hay SCB.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc, tìm cách chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng, sau khi bị cáo này bị bắt.
Luận tội, Viện kiểm sát đã áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đề nghị từ 10 - 11 năm tù. Tự bào chữa, bị cáo cho rằng mức án đề nghị này là quá cao, trong khi bị cáo tích cực khắc phục hậu quả tuyệt đối.
Bình luận (0)