Nhiều trung tâm học tập cộng đồng kêu khó!

27/10/2015 08:12 GMT+7

Thiếu trụ sở, các phương tiện và kinh phí để hoạt động, đội ngũ quản lý phải kiêm nhiệm nên thường bị quá tải... là những nguyên nhân chính khiến nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức.

Thiếu trụ sở, các phương tiện và kinh phí để hoạt động, đội ngũ quản lý phải kiêm nhiệm nên thường bị quá tải... là những nguyên nhân chính khiến nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức.

Dù có trụ sở ổn định nhưng theo phản ánh của người dân địa phương thì Trung tâm học tập cộng đồng P.Tân Phú, Q.7 còn có ít hoạt độngDù có trụ sở ổn định nhưng theo phản ánh của người dân địa phương thì Trung tâm học tập cộng đồng P.Tân Phú, Q.7 còn có ít hoạt động
“Điểm sáng” cũng tâm tư
Mặc dù nằm ở vùng giáp ranh ngoại thành TP.HCM nhưng cho đến nay, Trung tâm học tập cộng đồng P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM vẫn chưa có trụ sở riêng. Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó chủ tịch UBND P.Trung Mỹ Tây, Q.12 kiêm Giám đốc trung tâm này xác nhận rằng từ nhiều năm nay, trung tâm phải “ở ké” tại một trường THCS. Theo bà Vân, do không có cơ sở vật chất gì cả nên trung tâm chủ yếu chỉ duy trì các lớp phổ cập văn hóa, còn các lớp dạy nghề (kể cả ngắn hạn) thì không mở được.
Trong khi đó, Trung tâm học tập cộng đồng P.Bình Thuận, Q.7 có đến hai trụ sở hoạt động. Bà Trần Thị Thanh Dung, Phó chủ tịch UBND P.Bình Thuận, Q.7 kiêm Giám đốc trung tâm thẳng thắn: “Lần nào phường này cũng được quận khen thưởng, cho báo cáo điển hình. Dù được đánh giá rất cao nhưng chúng tôi vẫn trăn trở là chưa phát huy hết khả năng của trung tâm”.
Bà Dung giải thích: “Không chỉ kiêm giám đốc trung tâm học tập cộng đồng, bản thân tôi còn kiêm thêm nhiều chức danh khác, nếu liệt kê phải đến 2 trang giấy. Công việc quá nhiều nên chúng tôi không thể có thời gian để đầu tư cho công tác giáo dục. Lẽ ra, mỗi trung tâm phải có một chuyên trách về công tác học tập cộng đồng thì sẽ hoạt động hiệu quả hơn”.
Trung tâm học tập cộng đồng P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1 khá nổi tiếng với nhiều mô hình sáng tạo. Nơi đây đã thành lập CLB “Sống trách nhiệm” hỗ trợ những người sau cai nghiện tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, trung tâm còn duy trì tổ kết cườm giúp xóa đói giảm nghèo đồng thời chú trọng mở các lớp phổ cập, xóa mù, quan tâm nâng đỡ những trẻ chưa ngoan...
Được biết, ngoài nghị quyết khuyến học, khuyến tài, Đảng ủy P.Nguyễn Cư Trinh có một nghị quyết đặc biệt yêu cầu các ban ngành đoàn thể ở phường, kể cả khu phố vào cuộc quyết liệt để chăm lo cho trẻ em khó khăn có nguy cơ bỏ học.
Dẫu vậy, bà Lương Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Khuyến học kiêm Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng P.Nguyễn Cư Trinh không khỏi tâm tư: “Thực ra, trụ sở trung tâm chỉ là một điểm sinh hoạt văn hóa chung, không đủ điều kiện để tổ chức những hoạt động lớn. Bàn ghế thì góp nhặt, xin từ chỗ này chỗ kia. Chẳng hạn bây giờ, chúng tôi muốn mở một lớp tập huấn cho khoảng 200 - 300 người thì thua. Nói chung, chúng tôi phải tự thân vận động và vượt qua các khó khăn để hoạt động”.
 
Lớp học phổ cập tại Trung tâm học tập cộng đồng P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Lịch
Để hoạt động hiệu quả hơn
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Hồ Quốc Ánh, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Đến nay, toàn TP.HCM có 320 trung tâm học tập cộng đồng được phủ khắp các xã, phường, thị trấn. Theo ông Ánh, đây là mô hình còn rất mới, thời gian hoạt động chưa nhiều so với các loại hình chính quy khác (mô hình này được thử nghiệm tại VN vào năm 1998, còn tại TP.HCM bắt đầu áp dụng vào năm 2001).
Chính vì vậy, ông Ánh nhìn nhận các trung tâm hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, cơ chế phối hợp giữa chính quyền, ban - ngành, đoàn thể chưa đồng bộ nên chưa huy động đúng mức các nguồn lực và người dân tham gia. Mặt khác, giám đốc (phó chủ tịch phụ trách văn xã) thay đổi theo nhiệm kỳ, thiếu tính ổn định, các phó giám đốc còn lại đều kiêm nhiệm nên ít thời gian dành cho trung tâm. Ông Ánh cũng chỉ ra rằng, đội ngũ báo cáo viên còn ít, khả năng báo cáo chưa thu hút, chưa được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Trong khi đó, nguồn tài liệu chưa phong phú. Không những vậy, trụ sở làm việc của các trung tâm chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu các trang thiết bị, phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động còn dựa vào ngân sách của địa phương.
Mặt khác, ý thức của người dân về tự học và học tập suốt đời để nâng cao chất lượng cuộc sống còn nhiều hạn chế. Việc khảo sát, điều tra, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân trong cộng đồng chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác... Ông Ánh cho rằng trong năm 2014, có 1.381.940 lượt người được huy động ra học tại các trung tâm trên, tương đương trên 10% dân số TP.HCM. “Tỷ lệ như vậy là còn thấp”, ông Ánh khẳng định.
Để nâng chất hoạt động của các trung tâm, ông Ánh cho hay trong thời gian tới, Sở GD - ĐT TP.HCM sẽ tăng cường một số giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn nghiệp vụ và chia sẻ kinh nghiệm quản lý trung tâm, bổ sung tài liệu học tập cho người dân, huy động hơn các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn báo cáo viên...
Ông Nguyễn Đình Nam, Phó chủ tịch UBND P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1 (tác giả luận văn thạc sĩ “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng Q.1, TP.HCM”) nhận xét: “Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng chưa được phát huy hiệu quả. Có những nơi còn bộc lộ tính hình thức trong tổ chức học tập, chất lượng và hiệu quả còn hạn chế. Trong khi đó nhu cầu học tập của nhân dân, đặc biệt là nông dân là rất lớn và đa dạng”. Theo ông Nam, những gì mà trường lớp chính quy không dạy được thì trung tâm học tập cộng đồng phải dạy. Bởi lẽ đây chính là trường học của nhân dân, nên người dân cần gì thì trung tâm phải đáp ứng những nhu cầu chính đáng đó.
Ý kiến:
Đã biết cộng trừ để bán vé số
Ba mẹ con làm thợ hồ không có tiền cho mấy anh em con ăn học. Hằng ngày con phải đi bán vé số. May có người bạn bán vé số ở gần khu ở trọ cho hay, con mới được học phổ cập ở Trung tâm học tập cộng đồng P.19, Q.Bình Thạnh. Nhờ vậy mà giờ con đã biết đọc chữ và biết cộng trừ để bán vé số.
Trương Bảo Huy (quê An Giang, 10 tuổi, tại trú tại P.22, Q.Bình Thạnh)
Nhờ tổ dân phố giới thiệu
Vợ chồng tôi có một đứa con nhưng không lo nổi cho cháu theo học trường chính quy. Trước đây, cháu đã phải nghỉ học ở nhà suốt 3 năm. Nhờ tổ dân phố giới thiệu có lớp học phổ cập miễn phí, tôi đã xin cho cháu vào học. Nhưng không biết đến khi cháu học xong lớp 5 rồi thì sẽ xin vào đâu nữa!
Nguyễn Thị Lan (quê Đồng Tháp, ở trọ tại P.22, Q.Bình Thạnh)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.