Nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang chăm sóc vườn cây

Lê Cầm
Lê Cầm
24/08/2024 11:06 GMT+7

Bà L. (75 tuổi, ngụ Trảng Bàng - Tây Ninh) khi đang chăm sóc vườn cây sau nhà, bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào ngón cái tay phải.

Ngay sau khi bị cắn, bà L. cảm thấy sưng đau, kèm theo chảy máu. Sau đó, bà đã tự đắp thuốc ở nhà. Chỉ khi tình trạng sưng và đau nhiều từ ngón tay lan đến cẳng tay, bà mới đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ kiểm tra và xác định bà L. bị rắn lục đuôi đỏ cắn có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân cao. Ngay sau đó, bà L. được chuyển Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (ICU).

Với sự phối hợp nhanh chóng và điều trị kịp thời, tình trạng sưng và đau đã được kiểm soát, ngăn chặn sự lan rộng của nọc độc. Sau một ngày điều trị tích cực, bà L. đã qua cơn nguy kịch và đã được xuất viện.

Tương tự, cách đó vài ngày bà K. (70 tuổi, ngụ Trảng Bàng - Tây Ninh), trong lúc dọn dẹp bãi đất ngoài vườn đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào ngón cái tay trái. Sau khi bị cắn, bà K. cảm thấy choáng váng và ngón tay bị sưng nhanh chóng, sau đó sưng nề lan lên cẳng tay. Người nhà đã ngay lập tức đưa bà K. đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

Tại đây, bà đã được các bác sĩ chẩn đoán và xử lý nhanh chóng. Các bác sĩ đã tiến hành tiêm huyết thanh kháng nọc rắn, đồng thời theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của đội ngũ y bác sĩ, bà đã qua khỏi cơn nguy kịch, được xuất viện sau 5 ngày điều trị.

Nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang chăm sóc vườn cây- Ảnh 1.

Hình ảnh con rắn được người nhà bà K. mang đến bệnh viện

BSCC

Ngày 24.8, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tấn Phát (Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh) cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ cắn, kể cả người lớn và trẻ em.

Rắn lục đuôi đỏ là loài rắn có nọc độc mạnh, dễ gây ra những phản ứng nguy hiểm cho người bị cắn nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Nọc độc của chúng có thể gây ra tổn thương mô, chảy máu nội tạng và thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được xử lý.

Bác sĩ Phát khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi làm việc hoặc sinh sống trong khu vực có sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ. Nếu không may bị rắn cắn, cần sơ cứu ngay tại chỗ bằng cách giữ vết cắn ở vị trí thấp hơn tim, tránh di chuyển nhiều và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không đắp thuốc lên vết cắn hoặc rạch vết cắn để lấy nọc vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy cơ của việc tự đắp thuốc lên vết rắn cắn

Theo bác sĩ Phát, việc tự đắp thuốc lên vết rắn cắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như:

Nhiễm trùng nghiêm trọng: Việc tự ý đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng các phương pháp dân gian không được kiểm chứng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi vết cắn bị nhiễm trùng, tình trạng của bệnh nhân có thể trở nên nguy kịch hơn.

Làm tình trạng nặng hơn: Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ có thể lan nhanh qua cơ thể, gây tổn thương mô và cơ quan nội tạng. Các biện pháp không đúng cách như đắp lá cây hoặc bôi thuốc không đúng có thể làm cho nọc độc lan nhanh hơn và làm tình trạng tồi tệ hơn.

Trì hoãn điều trị: Việc tự điều trị tại nhà có thể khiến người bị cắn trì hoãn đến bệnh viện, dẫn đến việc mất thời gian quý báu để điều trị hiệu quả. Điều này có thể khiến nọc độc có cơ hội gây ra những tổn thương không thể phục hồi.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.