Trao đổi với báo chí trong quá trình chấm thi, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ chấm bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi tỉnh Thanh Hóa, cho biết trước khi chấm thi, có các lỗi bắt buộc phải sửa như: sai số báo danh, sai/trùng mã đề thi, không nhận dạng được bài thi (trong đó chủ yếu là số báo danh và mã đề thi). Những lỗi này bắt buộc phải sửa, nếu không sửa, phần mềm sẽ không chấm được.
Tuy nhiên, theo ông Tớp, trong bản hướng dẫn chấm thi trắc nghiệm, có công việc kiểm sửa lỗi bài làm. Khi xử lý ảnh bài làm của TS cần kiểm tra có đúng không, hay TS bỏ sót hoặc tô đúp câu trả lời mà phần mềm không nhận dạng được. Phần này gọi là kiểm sửa lỗi bài làm. Trong quá trình chấm thi, để đảm bảo quyền lợi của TS, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như: tô mờ, tô đúp... số lượng bài thi này ở Thanh Hóa lên tới 11.900 bài (chiếm tỷ lệ 11,56%). Ban chấm thi trắc nghiệm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô đúp. Công việc này mất 1 ngày rưỡi. Có những TS thay đổi đáp án, tẩy đáp án cũ không hết hoặc tẩy xong vẫn còn mờ thì phần mềm cảnh báo phải mở bài thi ra xem có việc 1 đáp án tô đậm và 1 đáp án có sự tẩy đi nhưng vẫn để lại dấu vết ? Nếu không sửa thì câu hỏi đó bị coi là chọn 2 phương án và TS sẽ bị mất điểm...
Ông Tớp cũng giải thích thêm phần mềm năm nay được thiết kế khi mở ra phần bài làm của TS thì thông tin về TS bị che đi. Còn khi sửa phần số báo danh hoặc mã đề thi thì phần bài làm lại bị che đi. Giống như việc rọc phách. Do đó, chỉ nhìn thấy và sửa những phần thực sự có lỗi.
Theo tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, để có kết quả chấm thi trắc nghiệm chính xác, những người chấm thi phải soát xét thật kỹ những hình ảnh mà phần mềm cảnh báo. Ví dụ có thể do giấy thi mà một số tỉnh chuẩn bị cho kỳ thi không đúng chuẩn nên khi scan hình ảnh sẽ bị lệch một chút. Đến khâu rà soát, phần mềm sẽ báo ngay là có những hình ảnh lỗi. Khi đó nhiệm vụ của cán bộ chấm thi là phải xem lại hình ảnh cụ thể của từng bài thi mà phần mềm cảnh báo có lỗi. Hoặc có những hình ảnh bài thi mà trong đó TS tô đúp, tô mờ, phần mềm cũng sẽ báo. Cán bộ chấm thi sẽ lấy hình ảnh đó ra xem lại để soát xét xem đó là lỗi gì, hoặc xác định thực chất TS đã biểu đạt gì. Tất cả những động thái này là để đảm bảo quyền lợi cho TS. Vì thế đòi hỏi cán bộ chấm thi phải rất có trách nhiệm, không bỏ qua bất kỳ một cảnh báo nào của phần mềm trong khâu rà soát. Phải xác định lỗi và sửa lỗi của tất cả các bài được phần mềm báo lỗi xong rồi mới chuyển sang khâu chấm.
Về việc “chỉnh sửa”, ông Thạch cho biết bao gồm các thao tác: xác định số báo danh; tô sai mã đề; tô đúp, tô mờ. Liên quan tới lỗi tô đúp, tô mờ, ông Thạch nói: “Các cán bộ chấm thi sẽ phải căn cứ vào hình ảnh bài làm để xác định, rồi thống nhất với nhau là có cho điểm với câu tô đúp, tô mờ đó không. Nếu TS tô 2 phương án mà độ đậm nhạt của cả 2 phương án tương đương nhau thì sẽ không cho điểm. Hoăc TS tô mờ quá cũng không cho điểm được. Nhưng tổ trưởng tổ chấm thi sẽ là người phải chịu trách nhiệm với quyết định cuối cùng”.
Bình luận (0)