Nhiều vướng mắc khi đóng cửa bãi rác Phước Hiệp

Nhiều vướng mắc khi đóng cửa bãi rác Phước Hiệp

10/06/2014 17:55 GMT+7

(TNO) Mặc dù gặp nhiều vướng mắc khi đóng cửa bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), nhưng UBND TP.HCM vẫn quyết tâm thực hiện nhằm mục đích đảm bảo môi trường.

(TNO) Mặc dù gặp nhiều vướng mắc khi đóng cửa bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), nhưng UBND TP.HCM vẫn quyết tâm thực hiện nhằm mục đích đảm bảo môi trường.


Bãi rác Phước Hiệp sẽ được đưa vào dự phòng xử lý rác khi cần - Ảnh: Đình Phú

Gánh nặng ngân sách

Bãi rác Phước Hiệp do Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng, quy mô chôn lấp hiện nay khoảng 2.000 tấn/ngày. Cho đến thời điểm này, tổng chi phí thực hiện dự án đã hơn 604 tỉ đồng. Đơn vị trực tiếp quản lý là Xí nghiệp Xử lý chất thải rắn (thuộc CITENCO) với quy mô 300 lao động.

Tại cuộc họp của UBND TP.HCM vào ngày 10.6 với các sở ngành liên quan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết chủ trương của thành phố là quyết định đóng cửa bãi rác này. Lượng rác thải hằng ngày sẽ được chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO cho rằng, trong trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án, bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là 300 lao động Xí nghiệp Xử lý chất thải rắn, bởi vì họ sẽ mất việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Công việc xử lý rác đối với họ đa phần là nghề “cha truyền con nối” qua nhiều thế hệ, khi bị mất việc làm thì họ khó có khả năng tìm được việc làm khác để ổn định cuộc sống, có nguy cơ nghèo đói.

Cùng chung hoàn cảnh với 300 lao động này, có khoảng 1.500 cán bộ, công nhân viên CITENCO sẽ bị giảm thu nhập từ mức 8 triệu đồng/tháng xuống chỉ còn 4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, chấm dứt hoạt động của dự án còn ảnh hưởng đến 2 doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Một thành viên Cựu chiến binh TP.HCM và Công ty cổ phần Thanh Long. Hai doanh nghiệp này đã đầu tư 150 tỉ đồng để trang bị phương tiện, thiết bị thực hiện công đoạn trung chuyển rác và xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ rác.

Theo phân tích của CITENCO, không khai thác công năng của bãi rác sẽ gây ra một sự lãng phí lớn khi thành phố phải chi một lần ít nhất hơn 856 tỉ đồng (bù cho chủ đầu tư) và hằng năm phải tiếp tục chi thêm hơn 20 tỉ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng…

Theo phân tích của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt, chi phí xử lý rác hiện nay của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là 19,579 USD/tấn, còn xử lý tại bãi rác Phước Hiệp là 17,14 USD/tấn, chênh lệch 2,43 USD/tấn (dự kiến còn tăng lên hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI). Như vậy, chi phí ngân sách sẽ tăng khoảng 40 tỉ đồng/năm nếu giao thêm 2.000 tấn rác/ngày cho Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Tính hết chu kỳ dự án này (dự kiến 2029 - 2030), thì ngân sách phải chi thêm ít nhất 600 - 640 tỉ đồng.

Lo ngại ùn tắc giao thông

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay mỗi ngày có khoảng 260 - 280 chuyến xe vận chuyển rác (3.000 tấn/ngày) về Đa Phước và đã có hiện tượng ùn tắc giao thông từ quốc lộ 50 vào khu liên hợp. Với kịch bản chuyển thêm 2.000 tấn rác/ngày thì số xe vận chuyển tăng lên khoảng 460 - 490 xe/ngày.

Như vậy, với mật độ xe vận chuyển tăng như thế thì ùn tắc giao thông từ quốc lộ 50 vào khu liên hợp là khó tránh khỏi. Điều này dẫn đến ùn ứ rác, ô nhiễm môi trường thứ cấp từ mùi rác do quá trình phân hủy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của khu dân cư quanh quốc lộ 50.

Bên cạnh đó, vận chuyển thêm rác về Đa Phước cần phải chuẩn bị thực hiện rất nhiều nội dung về mặt thủ tục pháp lý và kỹ thuật như điều chỉnh thời gian thu gom, quy trình vận chuyển rác, phân luồng giao thông và xem xét mở rộng quốc lộ 50 hoặc mở thêm tuyến đường mới về Đa Phước…

Chốt lại vấn đề, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, chủ trương của thành phố vẫn là phải đóng cửa bãi rác Phước Hiệp nhằm mục đích đảm bảo môi trường. Ông Tín giao CITENCO lập đề án chuyển đổi lao động và một số vấn đề khác có liên quan. Trong thời gian xử lý dứt điểm, tạm thời cho bãi rác tồn tại và tiếp tục thực hiện hoàn thành các hạng mục còn lại đang dở dang để đưa vào dự phòng xử lý rác của thành phố khi cần (ước tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng).

Ông Tín yêu cầu Sở Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức phân luồng giao thông, nghiên cứu khả năng tận dung giao thông thủy để vận chuyển rác về Đa Phước, chứ không phải duy nhất chỉ là đường bộ. 

Đình Phú

>> Hàng ngàn công nhân vệ sinh hết bị ‘treo’ lương
>> Vụ hàng ngàn công nhân vệ sinh bị 'treo' lương: 'Chúng tôi hết sức rồi
>> Hàng ngàn công nhân vệ sinh bị 'treo' lương
>> Hà Nội lập đồ án thu gom và xử lý chất thải rắn
>> Tìm cách xử lý 600.000 tấn chất thải rắn mỗi năm
>> Chúc tết công nhân Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước
>> Bãi rác lộ thiên ô nhiễm môi trường
>> Bùng phát dịch ruồi ở bãi rác Phước Hiệp
>> Người dân tham quan Khu liên hợp Đa Phước
>> Giáo viên và học sinh tham quan Khu xử lý rác Đa Phước
>> Đoàn nghiên cứu sinh VEF đến khu xử lý rác Đa Phước
>> Học tập thực tế tại Khu xử lý rác Đa Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.