Trước khi cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên diễn ra, PV Thanh Niên ghi nhận các ý kiến, nguyện vọng của bạn trẻ nói lên tâm huyết và mối quan tâm của mình về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thanh niên.
TăNG CƯỜNG BỒI DƯỠNG SÁNG TẠO
Trong thời đại công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như hiện nay, chúng em có rất nhiều cơ hội tiếp cận, mở mang thêm sự hiểu biết ngoài những kiến thức thầy cô truyền đạt và từ sách vở. Dù chỉ là học sinh nhưng chúng em có thể sáng chế những thiết bị, máy móc có tính ứng dụng cao vào đời sống.
Bên cạnh mặt tích cực, song vẫn có mặt hạn chế trong việc áp dụng công nghệ. Trong quá trình học tập, học sinh tiếp xúc với màn hình, thiết bị công nghệ khiến vấn đề cận thị, loạn thị ngày càng phổ biến. Đây cũng là điều không chỉ bản thân em mà các bạn học sinh, các bậc cha mẹ cũng đang còn khá quan ngại. Ngoài ra, em mong muốn giáo dục nước ta cần có những lớp bồi dưỡng cho các học sinh thật sự có đam mê sáng tạo, vì thực tế có khá nhiều học sinh muốn được tiếp cận, sáng chế nhưng lại không được bồi dưỡng để nâng cao hiểu biết. Nếu khắc phục được điểm này, em nghĩ sự sáng tạo sẽ ngày được nâng cao, góp phần cho khoa học - công nghệ nước nhà ngày một phát triển.
Vương Minh Nguyệt (Học sinh lớp 12D1, Trường THPT Đồng Xoài, Bình Phước)
LÀM SAO ĐỂ THU NHẬP ỔN ĐỊNH NHƯ TRƯỚC
Tôi quê Đắk Lắk xuống TP.Biên Hòa (Đồng Nai) làm công nhân được 9 năm, mức thu nhập cũng chỉ vừa đủ sống chứ không dư dả nhiều. Hai vợ chồng vẫn ở trọ, con cái thì gửi về quê nhờ ông bà giữ nhằm bớt gánh nặng, chứ để học hành ở TP.Biên Hòa thì khó mà xoay xở.
Thời gian gần đây tình hình biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của tôi, chỉ làm từ thứ hai đến thứ sáu, ít tăng ca. Thu nhập trước đây bình quân 12 triệu đồng/tháng, bây giờ chỉ còn hơn 6 triệu đồng/tháng. Giờ tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách gì để nền kinh tế không còn bấp bênh, công ty có hàng hóa trôi chảy để anh em công nhân có đơn hàng làm việc như trước, thu nhập ổn định. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn được tiếp cận mua nhà ở xã hội hoặc được thuê nhà ở với mức vừa phải, chứ hiện nay phải ở trọ chật chội, nhiều hạn chế.
Lý Thị Quý (Công nhân Công ty Seorim, KCN Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
TƯ VẤN VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI TRẺ
Qua thực tiễn triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên VN giai đoạn 2021 - 2030 và quá trình làm việc trực tiếp với thanh niên công nhân (TNCN) ở Bình Dương, tôi đề nghị Thủ tướng, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hơn nữa các vấn đề về cơ chế cho TNCN. Cụ thể, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thực hành xã hội nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tác phong công nghiệp của TNCN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan tâm hơn nữa trong việc tạo các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho TNCN tham gia.
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần cho TNCN; định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm; chăm sóc sức khỏe; tư vấn và trợ giúp pháp lý cho thanh niên…
Mai Văn Tiến (Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên
công nhân và lao động trẻ Bình Dương)
MONG CÓ NHÀ Ở XÃ HỘI ĐỂ ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG
Theo tôi, hiện nay có 2 vấn đề người lao động rất cần và mong đợi. Trước hết là chuyện nhà ở tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung đông công nhân, vì hiện nay hầu hết họ đều là dân nhập cư, đời sống khó khăn, chủ yếu ở nhà trọ chật hẹp. Người lao động mong sao Chính phủ quan tâm hơn nữa việc xây dựng nhà ở xã hội hoặc khu nhà ở giá rẻ để mọi người có cơ hội tiếp cận, an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Thứ 2 là câu chuyện các nơi vui chơi, thể dục thể thao. Tôi thấy các nơi đông người lao động đều thiếu, có nơi hầu như không có. Nếu có thì của tư nhân cho thuê, muốn vào chơi phải tốn tiền. Vì vậy, tôi nghĩ nếu chính quyền, nhà nước quy hoạch quỹ đất xây dựng các khu vui chơi cho người lao động như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… thì rất tốt. Người lao động có nơi vui chơi sau những giờ làm việc mệt mỏi, vừa rèn luyện thân thể vui chơi giải trí vừa hạn chế những tệ nạn xã hội.
Nguyễn Gia Thái (Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Taekwang Vina,
KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
CÔNG NHÂN mong TIẾP CẬN CÁC NGUỒN VỐN vay chính sách
Công ty chúng tôi chuyên sản xuất giày thể thao có hơn 6.000 cán bộ, công nhân viên cùng với các chuyên gia Đài Loan. Trong thời gian qua các cấp, ngành đã quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần cho TNCN trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát ở mức cao, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng quá nhiều, trong khi lương của công nhân không tăng; doanh nghiệp ít hàng hóa dẫn đến công nhân cũng ít được làm thêm giờ... ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập.
Ngoài ra, đời sống của công nhân hiện nay cũng gặp không ít khó khăn do khó tiếp cận các nguồn vốn vay theo chính sách của Nhà nước. Thậm chí, công nhân phải đi vay tín dụng đen lãi suất rất cao. Đặc biệt, giá đất, giá nhà ở tăng cao khiến công nhân khó có cơ hội mua được đất hoặc nhà tại Bình Dương. Các nhà ở xã hội có số lượng ít và giá cũng quá cao so với mức thu nhập. Các chương trình phúc lợi hỗ trợ công nhân xa quê rất là ít. Nếu có thì thủ tục quá rắc rối, số lượng cũng quá ít so với số lượng công nhân có nhu cầu; công nhân khó đạt được tiêu chuẩn để hưởng các chính sách phúc lợi đó.
Một vấn đề hiện nay cũng đề nghị Thủ tướng và Chính phủ quan tâm hơn nữa là việc hỗ trợ giáo dục cho con em công nhân. Các trường tiểu học, trung học cơ sở trong khu vực không đáp ứng được số lượng học sinh. Nhiều phụ huynh không xin được cho con học ở các trường gần nhà trọ mà phải đi xin cho con học ở các trường cách nhà trọ từ 10 - 15 km. Việc đưa rước con đi học cũng rất phức tạp.
Về lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính cho công nhân, hiện nay các cơ quan Nhà nước thường làm từ 8 giờ đến 16 giờ và từ thứ hai đến thứ sáu. Trong khi đó, công nhân đi làm từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Do vậy nếu công nhân cần giải quyết một thủ tục hành chính nào đó thì phải nghỉ làm việc, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của họ. Nhân đây tôi cũng đề nghị cần cải cách mạnh hơn việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính như: Cho nộp hồ sơ trực tuyến và gửi kết quả về bằng đường bưu điện, hoặc cơ quan nhà nước có thể làm thêm ngày chủ nhật để hỗ trợ công nhân.
Trịnh Quốc Chương (Quản lý nhân sự Công ty TNHH Daimond VN, KCN Mỹ Phước 1,
TX.Bến Cát, Bình Dương)
Minh bạch những đầu mối đưa lao động đi xuất khẩu
Vừa tốt nghiệp THPT, do phân vân giữa việc đi làm hay đi học tiếp nên vừa rồi tôi xin làm công nhân thời vụ để trang trải cuộc sống tạm thời. Công việc là lắp ráp linh kiện điện tử, không nặng nhọc cho lắm, tôi thấy thời gian mình bỏ ra nhiều nhưng tiền lương chẳng được bao nhiêu (trên 200.000 đồng/8 giờ/ngày hoặc hơn 300.000 đồng/12 giờ/ngày). Tôi thấy nhiều người đi xuất khẩu lao động với mức lương khá tốt nên bây giờ cũng muốn đi theo nhưng chưa biết liên hệ ai, công ty nào uy tín. Sợ gặp phải công ty lừa đảo, vừa bị gạt tiền lại không có việc làm như hứa hẹn, tốn thời gian. Hôm rồi, tôi có đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai tìm kiếm nhưng không có. Tôi mong cơ quan chức năng thông tin cho tôi cũng như những thanh niên khác có nguyện vọng đi xuất khẩu được biết và tiếp cận với những công ty, đơn vị uy tín trong lĩnh vực này.
Trương Diệp Hải Đông (20 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Bình luận (0)