(TN Xuân) “Cái miệng hại cái thân” không chỉ được hiểu theo nghĩa bóng. Đối với những trường hợp “phá tướng” và tổn hại sức khỏe do ăn uống không điều độ, câu này còn đúng với nghĩa đen.
|
Cứ tưởng tượng một ngày nào đó, khi thực đơn buổi sáng hôm qua của bạn còn phủ phê dinh dưỡng, ê hề đường đạm; bỗng hôm nay bạn chỉ ngồi đối diện vỏn vẹn một ly sữa không đường. Bạn đã gần 70 kg rồi, trong khi chiều cao chưa tới 1 m 60. Cho nên việc ám ảnh nhất đối với bạn lúc này là triệt để cắt giảm khẩu phần ăn, tiến tới nhịn hẳn một số bữa trong ngày.
Chẳng cần phải nói vòng vo. Trong quá khứ cái miệng đã làm hại cái thân bởi ngày này qua tháng nọ, từ miệng đưa vào cơ thể nhiều dinh dưỡng đến mức dư thừa. Rồi trong hiện tại và cả tương lai, cái miệng tiếp tục hại cái thân khi thoạt đầu nó miễn cưỡng ngậm chặt, không tiếp nhận dù chỉ là một ít thức ăn căn bản; đến khi bạn không còn chịu nổi với một dạ dày cồn cào làm nhức đầu hoa mắt, cái miệng bắt đầu há ra và nhai nuốt liên tục không kịp cho bao tử biết no. Hậu quả, cân nặng không hề tiêu bớt, có khi còn mau chóng tăng lên, kèm theo chứng rối loạn tiêu hóa hoặc suy giảm khả năng nhận thức nếu bạn hụt dinh dưỡng dài ngày.
Bỏ đói bản thân là một cái tội, dù với bất cứ lý do gì.
Có một cô gái cao 1 m 60, vào cái ngày cô quyết định vận động thường xuyên, cô cân nặng 61,5 kg. Bác sĩ cho rằng đối với một nghệ sĩ thường ra sân khấu biểu diễn, chiều cao đó “gánh” cỡ 45 - 47 kg là vừa. Còn đối với người bình thường, nên giữ chừng 50 - 52 kg, nhìn dáng dấp cân đối lại đảm bảo sức khỏe. Bác sĩ nhấn mạnh, chủ yếu là sức khỏe. Có thể mỗi người quan niệm mập ốm - đẹp xấu theo những cách khác nhau, nhưng thừa cân lại hay đi liền với nhiều bệnh tật khó chữa trị. Nếu không cải thiện tình hình, lâu ngày bệnh thành mãn tính, làm suy giảm chất lượng sống và thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Người béo giảm cân là chuyện cần làm ngay. Nhưng chỉ trông chờ vào nhịn đói để ốm bớt đi thì không phải là phương pháp tốt.
Cô gái kể trên vẫn ăn uống như thường ngày, chỉ có một thay đổi nhỏ là trước 18 giờ, bữa tối phải kết thúc. Bên cạnh đó, cô bắt đầu đi bộ, từ chậm chuyển sang nhanh, từ đi chuyển sang chạy, từ 20 - 30 phút kéo dài lên 60 - 70 phút, kiên nhẫn từng ngày. Sau tháng đầu tiên, cô giảm chừng 400 gr. Những tháng tiếp theo khi nhiều khi ít, có khi không giảm, cô vẫn vui do cảm thấy sức khỏe tốt hơn, mọi cử động linh hoạt hơn, cơ thể bớt nặng nề. Sau 2 năm, cô đã sụt gần 5 kg. Đây không phải là một mức giảm điển hình nếu như bạn tham khảo những con số đưa ra từ các chuyên gia sức khỏe. Với mức vận động đó, bác sĩ sẽ đánh giá bạn giảm được từ 1,5 - 2 kg trong vòng 1 tháng, hoặc hơn. Nhưng cách đánh giá phải tùy theo trường hợp cụ thể. Vì sao? Nó còn phụ thuộc vào cơ địa cũng như lượng dinh dưỡng mỗi ngày.
Không ai có thể bỏ bớt cữ ăn, cũng như gạt bỏ cơm ra khỏi khẩu phần ăn chỉ vì cơm chứa quá nhiều tinh bột. Ở trong độ tuổi lao động, trong vai trò người chăm sóc gia đình, chỉ cần bạn ăn không đủ bữa, hoặc bỏ cơm, hậu quả về lâu dài là không đo lường được. Thay vì nhịn ăn, vốn chỉ là cách đối đế, bạc đãi bản thân, bạn nên giữ một mức dinh dưỡng đủ nuôi sống cơ thể và dứt khoát đứng lên vận động theo cách của mình.
Không có thời gian, giờ giấc công việc không ổn định, không tìm được chỗ tập thích hợp, không nghĩ ra được cách vận động hiệu quả, đã tập luyện lâu rồi nhưng không thấy khá..., đây chỉ là những lý do để bạn cố tình trì hoãn. Bạn cần phải trung thực với chính mình: với 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ngoài thời gian làm việc, bạn đã dành mấy tiếng để mua sắm, đi dạo, “tám” chuyện, ăn uống, ngủ nghỉ? Liệu có phải bạn đã ngủ luôn cả khoảng thời gian mà lẽ ra nên thể dục giảm cân? Bạn kiên quyết đứng chờ thang máy trong khi chỉ cần đi bộ lên 1 - 2 tầng lầu? Bạn không thích những chỗ vận động bình dân, cố tình kén chọn các trung tâm thể dục sang trọng, chỉ vì dây dưa không muốn tập? Bạn hoạt động tay chân với khoảng thời gian rất ít, bữa có bữa không, nhưng luôn than phiền không hiệu quả?... Hãy nghĩ về tất cả những điều này, chỉ có câu trả lời sòng phẳng mới giúp bạn loại bớt đi lượng mỡ thừa đáng ghét.
Về mặt sức khỏe, ta chỉ cần đối diện với bản thân, vốn khó khăn hơn rất nhiều do ta không thể “biểu diễn” như trước mặt bất kỳ ai khác. Những lý thuyết suông đối với sức khỏe đều không có giá trị, mà hiệu quả nhất định phải được cảm thấy thông qua những thay đổi tích cực trên cơ thể.
Kích thích uống nước Khoảng 2 lít chất lỏng (nước lọc, nước trái cây, canh rau củ quả) được khuyên dùng mỗi ngày cho một cơ thể bình thường, đảm bảo để quả thận mạnh khỏe, giúp cơ xương khớp vận hành trơn tru; góp phần cho da, tóc, móng... đẹp đẽ mượt mà. Điều này đối với người siêng vận động là rất dễ. Thực tế chứng minh sau khi đi bộ nhanh (khoảng 45 - 60 phút), một người có thể uống liền 350 ml nước lọc. Trong vòng 1 - 2 tiếng đồng hồ sau đó, họ uống lai rai khoảng 500 ml nữa. Thời gian còn lại trong ngày, có thể là nước trái cây, các món canh, và thêm một lượng nước lọc. Như vậy đã đảm bảo mỗi ngày nạp vào cơ thể ít lắm cũng được 1,5 lít chất lỏng. Còn đối với người “ngồi đâu ngồi một chỗ”, thể dục không có mà đi tới đi lui cũng lười, không cảm thấy khát mà uống nước chủ yếu cho thấm giọng thì mỗi ngày được 1 lít đã gọi là quá khó.
Đ.K |
Kiên nhẫn là chìa khóa Trả lời câu hỏi: “Một người trưởng thành cao 1 m 54, cân nặng 67 kg, sẽ cần chế độ dinh dưỡng và vận động như thế nào để được cân đối và khỏe mạnh? Nếu kiên trì theo chế độ đưa ra thì sẽ đạt hiệu quả trong thời gian bao lâu?”, bác sĩ Trần Thị Hương Lan, Trưởng phòng khám Thừa cân béo phì (thuộc Khoa Khám bệnh của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM), cho biết với chiều cao và cân nặng như nói trên thì tính ra chỉ số BMI cao hơn 28,2; đây được chẩn đoán là béo phì độ 1 ở người châu Á. Trường hợp này nên duy trì khẩu phần ăn từ 1.200 - 1.500 Kcalo/ngày. Việc luyện tập đơn giản nhất là đi bộ từ 45 - 60 phút liên tục mỗi ngày. Thời gian giảm cân nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào từng người thực hiện. Khó khăn nhất trong điều trị béo phì là người ta không chịu khó, không kiên trì tuân thủ chế độ ăn và tập luyện đã đặt ra. Hiệu quả sẽ đến sớm, rất rõ rệt, chỉ cần có lòng kiên nhẫn. Cách tính chỉ số BMI (Body mass index) như sau: BMI = trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Nếu BMI dưới 18,5 xem là thiếu cân; BMI từ 18,5 - 24 xem là cân nặng bình thường; BMI từ 25 - 30 xem là thừa cân; BMI cao hơn 30 là béo phì. Thanh Tùng |
Đăng Khôi
>> Cười - liệu pháp tốt để trị béo phì
>> Bài thuốc trị béo phì
>> Trị béo phì từ trà
>> Rong biển giúp trị béo phì
Bình luận (0)