• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Thời trang nghề & nghiệp

Nhìn cuộc sống nhẹ nhàng đi sẽ dễ hơn …

19/06/2020 10:00 GMT+7

Luôn đem lại nhiều năng lượng tích cực bằng phong cách dí dỏm, hài hước, đam mê công việc hết mình nhưng cũng rất biết cách sống hài hòa và biết tận hưởng, nhà thiết kế thời trang Audrey Nghi Nguyễn là một hình mẫu của một thế hệ nhà thiết kế trẻ đầy năng động và sáng tạo.

Sau khi về nước lập nghiệp với mong muốn tạo dựng một dòng thời trang mới mẻ, đậm chất riêng, tới nay cô có hài lòng với những gì mình đạt được và có mong muốn điều gì hơn thế nữa?

Đúng là từ sau khi du học Mỹ về nước năm 2014 nhưng phải đến giữa năm 2016, tôi mới bắt đầu thử sức với thương hiệu thời trang riêng. Hiện tại tôi thấy mình đã đạt nhiều dấu ấn riêng đậm nét.

Đã có nhiều hoa hậu, á hậu, khách hàng... nhận xét chỉ cần nhìn vào trang phục đã có thể nhận ra ngay cái nào do tôi thiết kế. Đó là sự động viên lớn lao, và cũng là niềm tự hào của tôi.

Điều tôi mong muốn là có thể đưa thời trang của mình đến với nhiều khách hàng hơn nữa, phổ cập rộng rãi và thân thiện hơn. Hiện giờ, tôi vẫn thiết kế theo đam mê riêng nên trang phục thiết kế vẫn hơi hạn chế đối tượng người sử dụng, khó mặc và không quá thân thiện cho đại đa số người tiêu dùng.

Một số mẫu thiết kế của Audrey Nghi Nguyễn

 

TỪNG BỊ CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

Khi bắt đầu một mẫu thiết kế, suy nghĩ đầu tiên của cô sẽ là “Làm một thứ mới mẻ”, “Làm một thứ mà mình thích, độc lạ, bất kể nó điên ra sao”, hay là “Làm một thứ mà cô chắc chắn sẽ có nhiều người thích”. Và tại sao cô chọn điều đó?

Khi bắt đầu một mẫu thiết kế, trước hết nó phải là thứ mà tôi thích đã. Vì khi vẽ ra bản nháp sơ sài theo ý tưởng, người thiết kế phải thích thì mới có thể hướng tới những bước tiếp theo, để thật sự nghĩ tới cách thực hiện và hoàn thiện sản phẩm. Tôi theo đuổi nghề thiết kế trước hết vì đam mê, nên khó tránh khỏi việc thiết kế để thỏa mãn cái tôi của mình trước.

 

Có bao giờ cô thiết kế một trang phục mà chính cô rất tâm đắc nhưng phần lớn mọi người lại không thích? Lúc đó cô xử lý ra sao? Cố gắng thuyết phục người mẫu mặc? Tặng bạn hoặc người thân? Vứt đi? Hoặc cất kỹ mẫu thiết kế đó?

Trong bộ sưu tập mang tới New York Fashion Week (năm 2018), tôi có thiết kế một trang phục bằng chất liệu gấm cao cấp với nhiều thứ đính kết bên trên. Và dù mẫu trang phục này được đánh giá cao và được nhiều khách hàng tại Mỹ đặt hàng nhưng khách hàng tại Việt Nam lại có vẻ không thích vì nó không giống phong cách đính kết mà họ quen dùng ở trong nước. Phần lớn mẫu trang phục do tôi thiết kế là đồ diễn, chỉ chụp hình để cho khách đặt may nên tôi luôn cất cẩn thận trong kho và cứ sau một thời gian lại bày bộ sưu tập mới. Tuy nhiên cũng có lúc tôi bày lại bộ sưu tập cũ thì vẫn được khách hàng yêu thích và đặt hàng nhưng lúc đó lại hết vải và không đặt mua được. Có thể do tôi du học ở Mỹ nên thẩm mỹ của mình cũng phần nào hơi khác so với mọi người ở đây.

Một số mẫu thiết kế của Audrey Nghi Nguyễn

Nhiều người cho rằng để sống được với nghề, cần phải thỏa mãn được nhu cầu của đám đông. Cô có nhất trí về điều này? Nếu cứ phải thỏa hiệp với đám đông, liệu cái tôi riêng, cái chất riêng của nhà thiết kế có bị mai một dần?

Thời trang là kinh doanh, kinh doanh thì nên đi theo thị hiếu khách hàng. Tôi cho rằng một nhà thiết kế giỏi là một nhà thiết kế vừa có thể kinh doanh mà vẫn đưa được cái tôi vào trong thiết kế của mình, ví dụ như các nhà thiết kế Công Trí, Hoàng Hải... Tôi hiện không đặt nặng về vấn đề kinh doanh nên vẫn chưa biết cách hòa đồng giữa cái mình thích và cái mà phần đông khách hàng sẽ thích.

Theo tôi, gu thẩm mỹ của phần đông khách hàng, nhất là khách hàng Hà Nội rất giống nhau. Họ đã quen với một gu thời trang theo tôi là khá phổ biến, sến và nhàm chán. Phần lớn các cửa hàng kinh doanh thời trang đi theo khách hàng như vậy, đương nhiên là cái tôi và chất riêng của họ không có. Nhiều cửa hàng nhập khẩu đồ Trung Quốc hay từ các cơ sở sản xuất đồ kém chất lượng, chuyên đi nhái mẫu của các nhà thiết kế trong và ngoài nước rồi nhận là đồ thiết kế. Đối với tôi, cách làm như vậy không phải là thiết kế mà chỉ là kinh doanh thuần túy.

 

Sự cạnh tranh trong nghề thiết kế thời trang ắt hẳn cũng mạnh mẽ và khốc liệt như với các ngành khác. Cô đã từng gặp phải những cạnh tranh không lành mạnh ra sao? Nếu bị chơi xấu trong nghề, với tính cách của cô, cô sẽ “khinh 15 phút rồi bỏ đi, không thèm chấp” hay “quyết ăn thua, dằn mặt để không bị chơi xấu lần sau”, hay “bình tĩnh nói chuyện lý lẽ để thuyết phục”?

Có rất nhiều cách để cạnh tranh trong một nghề. Thật ra với tính cách mình, tôi cũng không quá quan tâm đến các nhà thiết kế khác làm gì. Tôi thích nhìn mọi người thành công và mừng cho họ. Tôi từng rất phấn khởi khi nhìn thấy sự thành công của nhà thiết kế Công Trí và luôn chúc mừng anh. Khi nhà thiết kế Hà Duy mời tôi diễn cho anh ấy, tôi cũng rất vui vẻ tham gia. Tôi thấy mình không nên cạnh tranh với ai mà thậm chí muốn cạnh tranh cũng không thể làm được. Và ngược lại, những người khác muốn như tôi cũng khó có thể làm được. Vì vậy quan điểm của tôi là cần tập trung vào công việc sáng tác cá nhân, đối xử chân tình, hết lòng với các bạn bè đồng nghiệp trong nghề.

Tất nhiên chuyện cạnh tranh không lành mạnh vẫn luôn hiện diện ở nhiều nơi, nhất là trong các cuộc thi hoa hậu trong nước. Ắt hẳn đã có nhiều nhà thiết kế từng “gửi gắm riêng” tới ban tổ chức cuộc thi nên quản lý thí sinh luôn chê bai đồ thiết kế mà thí sinh vốn định chọn mặc, và khéo léo giới thiệu các thí sinh tới thuê, chọn mặc trang phục của các nhà thiết kế đã “đi cửa sau” với họ. Tôi cũng từng gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh như vậy. Một số thí sinh đã từng kể với tôi rằng, người quản lý thí sinh từng thẳng thừng chê bai rằng: “Sao hai năm nay, ai cũng mặc đồ của Audrey vậy? Nó nổi lắm hay sao? Đồ thì vừa hở vừa xấu. Em sang nhà thiết kế A mà lấy đồ”.

Cũng từng có không ít thí sinh do lo ngại vị trí của họ tại cuộc thi nên đã trả lại các trang phục của tôi và đến nhà thiết kế đã được giới thiệu kia để thuê đồ. Tôi thực sự bất bình về cách làm việc như vậy, thậm chí cũng nghĩ rằng, với một chuyện nhỏ như chọn trang phục mà còn không công bằng thì những chuyện lớn như giải thưởng liệu có tin rằng sẽ được công bằng không. Tất nhiên không chỉ có mình tôi là nạn nhân trong các vụ cạnh tranh không lành mạnh như vậy. Tuy nhiên do những việc này tôi không thể quyết định được, cũng không thể tác động được gì nên đành bỏ qua. Ai cũng có sân chơi của mình và tôi cũng sẽ có những sân chơi riêng.

Một số mẫu thiết kế của Audrey Nghi Nguyễn

Nhái mẫu, ăn cắp bản quyền... cũng là một vấn đề nhức nhối trong nhiều ngành ở nước ta, ngành thời trang chắc không nằm ngoài cuộc. Cô đã từng gặp phải trường hợp này chưa? Nếu có, cô xử lý ra sao để bảo vệ thương hiệu và sản phẩm của mình?

Thực ra các mẫu thiết kế của tôi đã bị đạo nhái khá nhiều. Cách xử lý của tôi là đăng hết lên mạng xã hội để mọi người tự phân biệt, tự phán xét. Và cũng có không ít bạn bè, khách hàng của tôi khi phát hiện ra mẫu nào đạo nhái sản phẩm của tôi thì cũng chụp lại, nhắn gửi cho tôi.

Khi phát hiện đích xác được đối tượng đang bán sản phẩm nhái sản phẩm của tôi, tôi có nhắn tin nói chuyện lý lẽ cho họ hiểu. Có người hiểu ra vấn đề, cam kết không bán sản phẩm đó nữa, hoặc họ ngừng quảng cáo, ngừng sử dụng hình ảnh không đúng. Đôi khi những người này cũng là những nạn nhân vì họ nhập đồ rẻ từ các xưởng sản xuất nhỏ của các nhà thiết kế không tên tuổi, và chính các nhà thiết kế này lại chuyên đi nhái đồ một cách vụng về.

Tuy nhiên cũng có người không hiểu lý lẽ. Họ vẫn tự nhận mình thiết kế ra các mẫu đó, quay lại chửi bới tôi, vu cho tôi là tôi ghen ghét họ, thậm chí họ còn lôi trời lôi Phật ra để thề thốt. Tôi thấy họ vừa đi cướp chất xám của người khác, lại còn gào thét chửi ngược người ta, thật không ra gì. Nhưng tôi chọn im lặng. Và tôi càng im lặng, họ lại càng vào công kích chê bai tôi. Cũng may có bạn bè, khách hàng của tôi trên mạng xã hội đều theo dõi và hiểu câu chuyện, phản kháng lại giùm.

 

Số nhà thiết kế Việt nổi danh và trụ được với nghề ngay chính trên mảnh đất mình cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, huống hồ cô từng tham gia nhiều sân chơi quốc tế. Cô có thấy mình liều hay may mắn?

Đúng là tôi cũng liều lĩnh. Và thật ra là phải cảm ơn gia đình là chỗ dựa kinh tế vững chắc để tôi được trải nghiệm và sống đúng theo sở thích, đam mê của mình. Các show thời trang quốc tế giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm chuyên nghiệp, nâng cao kiến thức thời trang và bản thân. Tôi không thấy mình mất gì, tiền bạc bỏ ra đều có thể kiếm lại sau, hãy coi nó như một khoản đầu tư cho tương lai để học hỏi trước. Tôi thấy mình còn cần phải học rất nhiều để nâng cao kiến thức nghề càng vững chắc hơn.

Một số mẫu thiết kế của Audrey Nghi Nguyễn

Thời trang luôn là ước mơ của nhiều cô gái, nhưng người tạo ra thời trang lại là khát vọng xa xỉ của một số ít người mà phần nhiều là không thành công. Vậy theo cô, người tạo ra thời trang đòi hỏi những tố chất gì cần và đủ để tạo ra được nét riêng và đi bền được với nghề?

Theo tôi, cần có kinh tế vững chắc mới có thể theo đuổi được sự viển vông, xa xỉ, mới có thể đặt được cái tôi của mình lên cao và thăng hoa hơn trong sáng tác.

Một nhà thiết kế vừa cần tạo ra dòng sản phẩm theo thị hiếu của khách hàng để làm kinh tế nhưng đồng thời vẫn cần thiết kế được một dòng riêng để khẳng định cái tôi. Có thực mới vực được đạo. Kiếm được tiền thì mới có thể chơi lớn hay liều lĩnh thể hiện bản thân và sự sáng tạo của mình.

Một số mẫu thiết kế của Audrey Nghi Nguyễn

LUÔN HƯỚNG TỚI SỰ TÍCH CỰC

Thời gian qua, dường như cô xinh hơn, nữ tính hơn, chăm chút về nhan sắc hơn, chịu khó nữ công gia chánh hơn. Lý do gì đã khiến cô thay đổi lớn như vậy?

Cảm ơn chị đã quá khen. Có lẽ do tôi gầy hơn nên xinh lên, cộng thêm việc uống thuốc để thay đổi nội tiết tố, chuẩn bị chuyển giới cũng làm cho tôi nữ tính hơn. Tôi chịu khó nữ công gia chánh trong thời gian này là vì có bếp rộng hơn và có nhiều thời gian để tìm tòi, học hỏi hơn. Thêm việc có một người đàn ông khiến tôi rung động nên mọi thứ làm tôi đằm hơn và chỉn chu hơn.

 

Phần lớn phụ nữ thường chăm chút ngoại hình khi chưa có bạn trai hoặc đã đánh mất bạn trai. Cô có phản đối việc phụ nữ chỉ chăm chăm làm đẹp vì ai đó chứ không phải vì chính mình? Nếu là cô, cô có giống họ không?

Theo tôi, việc làm đẹp là cho mình. Không phải sáo rỗng nhưng cuộc sống sẽ tích cực hơn khi có ngoại hình đẹp và có một năng lượng tốt. Ai cũng thích được khen nên tôi nghĩ chuyện làm đẹp, chăm chút ngoại hình là việc nên làm ở bất kể hoàn cảnh nào, kể cả khi ta buồn hoặc đang có biến cố. Tôi cho rằng việc chăm sóc bản thân là cho bản thân chứ không vì ai khác. Tôi ủng hộ phụ nữ làm đẹp nhưng làm đẹp vì mình chứ không phải vì ai khác. Tuy nhiên làm đẹp cũng cần biết điểm dừng, vừa phải, và tránh lạm dụng.

 

Hài hước, hóm hỉnh, bộc trực nhưng không kém phần duyên dáng, không ngại bộc lộ bản thân trên mạng xã hội là những gì cô vô tình hoặc cố ý tạo dựng nên ấn tượng chung cho mọi người. Phải chăng với cô, mọi thứ đều được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực?

Tôi luôn cố để mọi thứ đơn giản, vui vẻ và thật nhất với bản thân nên tôi luôn hướng tới sự tích cực. Mọi câu chuyện tôi kể trên mạng xã hội đều là sự thật. Nhiều chuyện không hề hài hước như cách tôi kể. Nhưng theo tôi, nhìn nhận mọi thứ là do bản thân. Cứ làm những điều tốt, tươi vui, mọi thứ kể cả tồi tệ rồi cũng sẽ qua. Khi quá nặng nề, nghiêm trọng, sẽ dẫn tới tiêu cực làm bản thân buồn, tự kỷ và trầm cảm. Chúng ta nhìn cuộc sống nhẹ nhàng đi sẽ dễ hơn cho bản thân và đối phương. Miễn chúng ta không làm sai, không ai phải chịu tổn thương hay tổn hại về bất kể điều gì.

Có thể do tôi từ bé đã bị kỳ thị, bị chửi bới và bắt nạt nhiều về chuyện giới tính nên chuyển mọi thứ tích cực hơn là một cách mà tôi học được để tự bảo vệ bản thân. Lâu dần điều này biến thành lối sống.

 

Nếu không có thời gian nhiều để làm đẹp vào một buổi sáng cần ra khỏi nhà ngay, cô sẽ chọn thứ gì trong số sau: son phấn, nước hoa, trang sức, quần áo đẹp? Và tại sao lại chọn như vậy?

Tôi sẽ chọn son phấn. Tôi khá tự ti với cơ thể của mình nên chiếc váy đen đơn giản sẽ giải quyết được điều này. Tôi không bị mùi cơ thể khó chịu nên không chọn nước hoa vì không cần thiết. Tôi cũng không có thói quen đeo nhiều đồ trang sức, phụ kiện do không thích vướng víu. Tôi tự tin vào khuôn mặt và đôi môi mình nên nhiều khi chỉ cần đánh son lên thôi, nhìn cho đỡ nhợt nhạt là tôi đã tự tin hơn nhiều.

 

Nếu không có dịch bệnh, một ngày bình thường của cô sẽ bắt đầu và kết thúc ra sao?

Tôi sẽ ngủ dậy theo lịch hẹn của khách hàng. Nếu không có lịch thì tôi sẽ lên xưởng để kiểm tra chi tiết tiến độ thực hiện của các mẫu thiết kế. Rồi tôi sẽ về ăn trưa cùng bạn bè và gia đình, có thể quay lại xưởng, hoặc qua cửa hàng, hoặc đi mua vải may đồ. Cũng có lúc tôi sẽ đi đâu đó để lấy cảm hứng, chăm chút cho bản thân, và ăn tối, đi cà phê nhẹ nhàng giải trí để tiếp tục cho ngày hôm sau. Tôi luôn cố gắng không để bản thân quá bận rộn vì khi quá nhiều việc cùng lúc, tôi sẽ hay quên và không muốn bị stress. Cơ thể tôi cũng không thể chịu được mệt mỏi nhiều vì liệu trình chuyển giới làm tôi khá mệt về thể chất.

 

Đang trong giai đoạn uống thuốc chuẩn bị chuyển giới, cô có thể chia sẻ những khó khăn về tâm sinh lý trong giai đoạn này không? Xin chia sẻ về lộ trình chuyển giới sắp thực hiện của cô?

Đúng là uống thuốc trị liệu hormone để chuẩn bị chuyển giới làm ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Cả tinh thần và thể chất.Tôi yếu hơn rất nhiều, cơ thể biến đổi, đau nhức ở rất nhiều nơi. Nội tiết tố thay đổi, đi ngược lại với bộ máy tự nhiên làm cho tôi luôn thấy mệt mỏi, úng tắc trong cơ thể. Sự bực bội và nóng giận mất kiểm soát xảy ra rất nhiều. Phần lớn thời gian tôi không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. Hormone thay đổi do thuốc cũng làm cho tôi dễ tiêu cực và trầm cảm hơn. Về sinh lý thì gần như tôi không còn nhu cầu. Người duy nhất tôi muốn gần gũi và sẵn sàng gần gũi là bạn trai mình.

Tôi đang giảm cân để có thể thực hiện được các ca phẫu thuật, trong đó có 2 ca phẫu thuật quan trọng là làm ngực và chỉnh sửa bộ phận sinh dục. Tất nhiên quá trình này cần chia ra làm nhiều giai đoạn để cơ thể có thể hồi phục sau mỗi ca phẫu thuật.

 

Từng có ý định thành lập một hội cung cấp thông tin về người LGBTQ+ để nâng cao nhận thức cộng đồng, cô còn nuôi ý định này không?

Chuyện hiểu lầm rằng LGBTQ+ là một loại bệnh thực sự rất phổ biến ở nước ta. Rất nhiều người, ngay cả mẹ và chị ruột tôi đã từng dùng từ “bệnh hoạn” và dè bỉu những người thuộc cộng đồng này. Gia đình tôi từng nghĩ rằng nếu mang tôi đi tiêm hormone nam thì có thể thay đổi được. Hồi bé, tôi từng phải chịu một mũi tiêm này nhưng chẳng có gì thay đổi. Đó là do mọi sự sợ hãi và kém hiểu biết về vấn đề giới tính của mọi người. Hiện nay gia đình tôi đã hiểu và ủng hộ. Đó là một động lực cực lớn để tôi quyết tâm hoàn thiện bản thân.

Thậm chí ngay cả cô quản gia (người từng là bảo mẫu cho tôi khi tôi vừa ra đời) mặc dù rất yêu tôi, nhưng vẫn nghĩ rằng tôi “bị bê đê” nặng nên ưỡn ẹo và ẻo lả, đòi mặc váy và trang điểm. Những người đồng tính thì bị nhẹ hơn nên không biến thể như tôi. Cũng không thể trách họ vì bản thân họ chỉ nhận biết đến vậy, không tiếp xúc và không có kiến thức về chuyện đó.

Đúng là với những gì đã trải qua từ thực tế, tôi muốn có một hệ thống cung cấp thông tin chính thống và tích cực về LGBTQ+ trong môi trường giáo dục chính quy. Nhưng vẫn chưa biết mình phải làm gì để thực hiện được mong muốn đó. Hiện giờ tôi cứ hoàn thiện bản thân và sau đó mong sẽ có cơ hội và hướng đi đúng đắn.

 

Phần lớn những người chuyển giới thường có tài năng đặc biệt về văn hóa nghệ thuật thời trang và rất thành công với những nghề mà họ theo đuổi. Cô lý giải về điều này thế nào? Và điều đầu tiên mà cô muốn làm sau khi chuyển giới là gì?

Tôi cho rằng khi đã chuyển giới thì đặc biệt cần sự quyết tâm và kiên định. Với tính cách rất quyết liệt đó, dù họ có gặp bất cứ thử thách nào, họ cũng sẽ đương đầu quyết chiến, chứ không bỏ cuộc. Và thành công chắc chắn sẽ đến với những con người dũng cảm, chăm chỉ và bản lĩnh.

Sau khi chuyển giới, tôi muốn được
tận hưởng cuộc sống của một cô gái thuần túy như mua sắm, chăm sóc sắc đẹp, ở cạnh người mình yêu và nghỉ ngơi hồi sức. Về sự nghiệp, tôi muốn thử sức tham gia đóng phim.

 

Trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, cô đã giết thời gian bằng việc gì? Và cô mong muốn làm gì nhất sau khi hết dịch?

Tôi dành nhiều thời gian chat với bạn bè, xem phim, lướt Facebook và làm bánh, chăm chút nhà cửa trong thời gian này. Ở nhà nhiều đến chán nản.

Audrey chỉ mong hoạt động kinh tế hồi phục để có thể tiêu và kiếm tiền. Hoạt động lại xưởng thời trang và kinh doanh của gia đình. Chỉ mong cuộc sống quay về quỹ đạo để những người thân yêu có thể yên tâm làm ăn và sinh sống.

Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này. Và chúc cô luôn thực hiện thành công mọi điều mong muốn.

Thông tin về nhà thiết kế:

Audrey Nghi Nguyễn thuộc thế hệ 9X, du học Mỹ từ năm 15 tuổi, tốt nghiệp loại ưu Học viện Nghệ thuật bang California chuyên ngành thiết kế; Top 3 xuất sắc toàn vùng vịnh San Francisco…

Sau 10 năm du học tại Mỹ, cô về nước chuyên tâm xây dựng dòng thời trang riêng với nhiều mẫu thiết kế mới mẻ. Nhiều sản phẩm thiết kế của cô đã từng được các thí sinh mặc tại các cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước. Cô sống và làm việc tại Hà Nội.

Ảnh: NVCC
Top
Top