Nhìn lại cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Georgia

05/03/2022 09:13 GMT+7

Khoảng 14 năm về trước, đúng vào ngày khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh (8.8.2008) một chiến dịch quân sự quy mô lớn đã bùng nổ ở Nam Ossetia và Abkhazia, hai vùng đất đòi li khai nằm trong lãnh thổ Georgia. Quân đội Nga trực tiếp tham chiến chống lại quân đội Georgia, một quốc gia mà không lâu trước đó cùng thuộc Liên Xô cũ.

Nguồn gốc xung đột

Nguồn gốc của xung đột giữa Nga và Georgia đã bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90.

Sau khi Liên Xô tan rã, cả Nga và Georgia trở thành những quốc gia độc lập.

Ngay sau đó, ở Georgia bùng lên phong trào đòi ly khai ở vùng Nam Ossetia ở miền đông và Abkhazia ở tây bắc.

Đến năm 1994, một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết. Tuy giao tranh đã chấm dứt nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục âm ỉ ở hai tỉnh đòi ly khai này, vì người Ossetia và người Abkhazia muốn được tự trị.

Lãnh thổ Georgia với hai vùng đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia

ẢNH: BBC

Mong muốn của họ được Nga ủng hộ.

Bên cạnh đó sau khi Liên Xô tan rã vào tháng 12.1991, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía đông và trung tâm châu Âu, khu vực từng nằm trong ảnh hưởng của Liên Xô.

Điều này đã khiến Nga, quốc gia lớn nhất và thừa hưởng hầu hết các di sản của Liên Xô, cảm thấy mối đe dọa hiển hiện trước mắt.

Và trong đó nổi lên Georgia, tức Gruzia, nơi chính quyền ngày càng cho thấy đang nghiêng về phương Tây, đặc biệt sau khi ông Mikheil Saakashvili, một người có xu hướng thân phương Tây, đắc cử Tổng thống năm 2004.

Điều này đã làm cho Nga cảm nhận rõ hơn mối đe dọa liên minh NATO có thể mở rộng về phía Đông. Và đối với Nga ưu tiên tuyệt đối là phải duy trì được vùng đệm trung lập xung quanh biên giới.

Nếu Georgia có thể gia nhập vào NATO sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền cho một số quốc gia khác đang có xu hướng thân phương Tây cũng sẽ đẩy mạnh việc tham gia vào tổ chức này.

Bùng phát chiến tranh

Sau khi đắc cử Tổng thống, ông Sakaashvili cố gắng trấn áp chủ nghĩa ly khai ở Georgia và điều này đã biến cuộc xung đột vốn đã âm ỉ kéo dài ở Nam Ossetia bùng phát thành một cuộc chiến.

Bên cạnh đó, quan hệ Georgia - Nga càng xấu đi vào năm 2006 khi Tổng thống Sakaashvili cáo buộc người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang cố tình ủng hộ chính sách ly khai ở Georgia.

Tới giữa năm 2008, cả hai bên đều cáo buộc đối phương tăng quy mô lực lượng quân sự xung quanh khu vực Nam Ossetia.

Cũng trong năm 2008, có 2 sự kiện mà Nga xem là đã vượt lằn ranh đỏ. Đó là việc Mỹ và đồng minh công nhận độc lập ở Kosovo và hội nghị Bucharest của NATO hứa hẹn sẽ cho phép Georgia và Ukraine gia nhập.

Việc Mỹ và các đồng minh công nhận nền độc lập của Kosovo cũng như ý định cho Georgia và Ukraine gia nhập NATO là một phần nguyên nhân làm cho Nga cảm thấy an ninh đang bị đe doạ

ẢNH: DW

Các cuộc đấu súng giữa quân đội Georgia và lực lượng tự vệ Nam Ossetia bắt đầu xảy ra vào đầu tháng 8.

Người dân Nam Ossetia bắt đầu sơ tán sang lãnh thổ Nga. Cùng thời điểm, Moscow cảnh báo sẽ can thiệp quân sự nếu xung đột xảy ra.

Ngày 7.8.2008, Tổng thống Sakaashvili thề sẽ khôi phục quyền kiểm soát của Tbilisi đối với 2 khu vực đòi ly khai.

Ngay trong đêm đó, quân đội Georgia tiến đánh thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia, phá vỡ lệnh ngừng bắn được ký kết trước đó.

Nga đã nhanh chóng đáp trả bằng cách nhanh chóng chuyển quân đội đến biên giới và tiến hành hàng loạt các cuộc không kích vào vị trí của Georgia chiếm giữ ở khu vực Nam Ossetia cũng như Abkhazia.

Kết quả của cuộc chiến

Sau 5 ngày sau khi cuộc chiến bùng nổ, với lực lượng vượt trội Nga đã nhanh chóng kiểm soát được thủ phủ Tskinvali ở Nam Ossetia, đồng thời cũng điều thêm nhiều xe tăng tiến sát thủ đô Tbilisi của Georgia.

Sau khi Nga dừng tiến quân, thông qua trung gian là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một lệnh ngừng bắn ký kết vào ngày 12.8.2008, chấm dứt cuộc xung đột.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, Georgia mất hoàn toàn quyền kiểm soát Nam Ossetia và Abkhazia

ẢNH: ALANTIC COUNCIL

Theo một báo cáo của EU năm 2009, gần 850 người thiệt mạng và khoảng 35.000 người Georgia mất nhà cửa. Báo cáo này cũng kết luận rằng Georgia đã khởi chiến, nhưng cáo buộc Nga đã khiêu khích trong thời gian dài.

Sau cuộc chiến, Georgia đã mất đi quyền kiểm soát với Nam Ossetia cũng như Abkhazia.

Đồng thời Nga đã nhanh chóng công nhận nền độc lập của 2 vùng ly khai này.

Mặc dù tuyên bố chiến thắng nhưng quân đội Nga cũng đã chịu thiệt hại đáng kể, hậu quả của các hạn chế và sự lạc hậu về chiến thuật cũng như khí tài quân sự của Nga.

Mặc dù thắng trận nhưng quân đội Nga cũng chịu những tổn thất nặng nề.

ẢNH: OSCE USMISSION

Chỉ hai tháng sau cuộc chiến, Thủ tướng Nga lúc bấy giờ là ông Vladimir Putin đã bắt đầu chương trình hiện đại hoá và tái cấu trúc quân đội đầy tham vọng với chi phí ước tính lên đến 700 tỉ USD.

Mục tiêu của ông là biến quân đội Nga từ lực lượng cồng kềnh chuyên đối phó với chiến tranh tổng lực giữa các cường quốc thành đội quân tinh gọn, phù hợp hơn với các cuộc xung đột khu vực và cục bộ.

Từ năm 2009, Nga bắt đầu thực hiện các cuộc tập trận bất ngờ quy mô lớn, sau gần 20 năm gián đoạn vì thiếu kinh phí.

Những cuộc hành quân, triển khai lực lượng cấp sư đoàn, quân khu được ra lệnh chóng vánh, không theo kế hoạch đã giúp quân đội Nga tăng đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Chiến tranh Nga - Georgia chính là điểm quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Nga và an ninh châu Âu. Cuộc xung đột ngắn ngủi này có thể xem là dẫn đến kết thúc giai đoạn "hòa dịu" sau Chiến tranh Lạnh.

Năm 2008 là lúc Nga thể hiện ý chí và năng lực thách thức tầm nhìn của Mỹ về an ninh châu Âu, ngăn chặn NATO mở rộng ra các nước láng giềng của Nga, và thách thức thiết kế trật tự quốc tế của Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.