Nhìn lại phiên xét xử Tổng giám đốc Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm 'lừa đảo, rửa tiền'

31/12/2022 10:01 GMT+7

Trong 2 ngày 29 - 30.12, HĐXX TAND TP.HCM đã kết thúc tuyên án vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba - gọi tắt là Công ty Alibaba.

Sau 20 ngày, TAND TP.HCM đã kết thúc xét xử sơ thẩm vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền” xảy ra tại Công ty Alibaba đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Alibaba) cùng 23 đồng phạm.

Tuyên án đối với Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm trong vụ án Alibaba ngàn tỉ

Đây là vụ án kỷ lục với nhiều con số “khủng”: Hơn 1 triệu bút lục, tính riêng cáo trạng và phụ lục 500 trang. Với gần 5.000 người tham gia tố tụng, tòa đã chi hàng chục tỉ đồng bố trí rạp, lắp màn hình lớn ở sân tòa.

HĐXX tuyên án vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba

NHẬT THỊNH

Phiên xét xử kéo dài từ ngày 8 - 30.12. Trong đó, thẩm vấn người bị hại mất 7 ngày (12 - 17.12), nghị án kéo dài 7 ngày (22 - 29.12) và dành ra 2 ngày (29 - 30.12) để tuyên án.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện kêu oan

Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện lập 22 công ty trực thuộc và giao những người thân tín đứng tên để mua một số lượng lớn đất nông nghiệp; tự vẽ ra 58 dự án lừa bán cho khách hàng.

Diễn biến phiên tòa, bị cáo Luyện kêu oan. Luật sư cho rằng hành vi của thân chủ có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai” thay vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện

NHẬT THỊNH

HĐXX nhận định, bị cáo là chủ mưu và cầm đầu. Bị cáo có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản từ năm 2012, tuy nhiên, không có văn bản nào xin phép chủ trương khi đầu tư 58 dự án. Tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các dự án là đất nông nghiệp và chỉ san lấp, để phân lô, bán nền.

Đến hiện tại, Công ty Alibaba chưa bàn giao được bất kỳ lô đất nào 100% thổ cư, có sổ đỏ như thỏa thuận hợp đồng. Hành vi chào bán tài sản không có thật để thu tiền của khách hàng sau đó sử dụng là vi vi phạm pháp luật hình sự.

Nhiều bị cáo được giảm nhẹ hình phạt

Trừ bị cáo Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) thì những bị cáo còn lại đều được HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ, một số bị cáo nhận mức án dưới khung đề nghị từ 5 - 30 năm tù của Viện KSND TP.HCM (VKS).

Các bị cáo là nhân viên dưới quyền, dù cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả… Trừ bị cáo Phan Ngọc Nguyên (nhân viên) không nhận thức được hành vi phạm tội.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba

NHẬT THỊNH

Một số bị cáo tích cực phối hợp cơ quan điều tra, nộp tiền để khắc phục hậu quả. Người thân của một số bị cáo mua đất tại công ty đã tự nguyện chuyển một phần tiền đã đầu tư để khắc phục hậu quả.

4.550 khách hàng được nhận tiền

Trong phần tuyên án ngày 30.12, HĐXX đã tuyên Phụ lục 01 - danh sách cụ thể của 4.548 bị hại và số tiền bồi thường 2.445 tỉ đồng.

Bị hại vụ Alibaba được tuyên trả lại tiền: “Tôi rất mang ơn tòa”

HĐXX không chấp nhận các yêu cầu nhận tiền, kèm lãi suất và lợi ích nhận được từ hợp đồng quyền chọn. Do các hợp đồng quyền chọn không phải là giao dịch thông thường mà là thủ đoạn gian dối để bị hại tin tưởng, nộp tiền.

Số tiền bị hại bị chiếm đoạt được tính: Số tiền thực tế nộp tại Công ty Alibaba sau khi khấu trừ các lợi ích từ hợp đồng quyền chọn mà bị hại đã nhận.

Ngoài yêu cầu nhận tiền, trong quá trình thẩm vấn người bị hại từ 12 - 17.12, một số bị hại có yêu cầu nhận đất

NHẬT THỊNH

Đối với yêu cầu nhận đất của 39 bị hại là không có căn cứ. Trong Điều 1 của hợp đồng nêu “đối tượng chuyển nhượng là nền đất thổ cư 100% với số lô cụ thể”. Tuy nhiên, tại các vị trí lập dự án không tồn tại dự án nhà ở, là đất nông nghiệp...

Do thiệt hại là thực tế, HĐXX đề nghị các bị cáo Luyện và Mai hoàn trả cho bị hại tiền đã nộp tại công ty.

58 người được nhận đất

58 khách hàng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với cá nhân các bị cáo mà không thông qua pháp nhân chủ đầu tư, được HĐXX xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nghe thư ký phổ biến nội quy phiên tòa

NHẬT THỊNH

Tuy nguồn gốc các quyền sử dụng đất trên từ tiền chiếm đoạt của bị hại, nhưng các thửa đất trên có giấy chứng nhận hợp pháp, tự nguyện, ngay tình và thanh toán 50 - 100%. Căn cứ khoản 2 Điều 133 bộ luật Dân sự 2015, HĐXX công nhận thỏa thuận trên.

Trường hợp chưa thanh toán 100% hợp đồng, cần thanh toán phần còn lại vào tài khoản của cơ quan thi hành án để được giải tỏa kê biên, hủy bỏ ngăn chặn giao dịch để đăng bộ, sang tên theo quy định.

HĐXX kiến nghị nhiều vấn đề

Theo HĐXX, luật Đất đai năm 2013, đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng giữa các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong một xã.

Qua xác minh, bị cáo Trịnh Minh Pháp (cựu Giám đốc Công ty 108) thường trú tổ 5, P.An Bình, TX.An Khê, Gia Lai và tạm trú H.Nhơn Trạch, Đồng Nai. Từ năm 2017 đến khi bị bắt, Pháp là nhân viên Công ty Alibaba.

Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai bị cáo Luyện)

NHẬT THỊNH

Các ngày 25.12.2018 và 18.1.2019, lần lượt ông Đỗ Tấn Chiến (Phó chủ tịch UBND P.An Bình, TX.An Khê, Gia Lai) và ông Dương Thanh Hùng (Phó chủ tịch UBND TX.Tóc Tiên, H.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) xác nhận Pháp đang sản xuất đất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định.

Từ xác nhận trên, bị cáo Pháp, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực
(cùng là em Luyện) nhận chuyển nhượng 89.233 m2 đất trồng lúa tại Đồng Nai và 6.317 m2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lập khống dự án và bán cho người dân, gây thiệt hại đặc biệt lớn.

HĐXX kiến nghị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai làm rõ sai phạm cá nhân liên quan, xử lý theo quy định.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện)

NHẬT THỊNH

Về hành vi rửa tiền, bị cáo Mai sau khi rút 13 tỉ đồng đã chuyển 9 tỉ đồng cho “người không tiện nói tên”, HĐXX kiến nghị CQĐT đấu tranh làm rõ, nếu có căn cứ xác định tội phạm mới thì xử lý theo quy định.

Giành quyền khởi kiện cho khách hàng không là bị hại

Đối với khách hàng mua dự án với Công ty Alibaba hoặc với cá nhân bị cáo, chưa được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc bị hại, HĐXX sẽ giành quyền cho những người này khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

Cựu nhân viên Alibaba cảm thán sau bản án: "Hồi ấy không hiểu biết"

Bên cạnh đó, một số bị cáo khai có mua dự án, đề nghị HĐXX xem xét đồng thời là bị hại. Quá trình điều tra, các bị cáo không khai báo, khai báo không đầy đủ, tại tòa không cung cấp phiếu thu, hồ sơ… nên HĐXX cũng giành quyền cho các bị cáo khởi kiện vụ án dân sự khác.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của bị cáo Luyện tại bản án này, số tiền còn dư (nếu có) tiếp tục giữ lại để giải quyết trong vụ án khác có liên quan đến Công ty Alibaba.

Mức án cụ thể từng bị cáo

  • Về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”:

- Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân.

Các bị cáo làm việc tại Công ty Alibaba:

- Trang Chí Linh 19 năm tù

- Nguyễn Thái Lĩnh, Bùi Minh Đức, Huỳnh Thị Ngọc Như cùng 17 năm tù

- Nguyễn Lê Hoàng Lan 16 năm tù

- Phan Ngọc Nguyên 15 năm tù

- Võ Văn Trần Quang 10 năm tù

- Đào Thị Thanh Lợi 12 năm tù

- Nguyễn Huỳnh Tú Trinh 12 năm tù, tổng hợp bản án 4 năm 6 tháng tù TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên năm 2019, tổng hợp hình phạt 16 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo đứng tên các công ty trực thuộc Công ty Alibaba:

- Trương Thị Hồng Ngọc 18 năm tù

- Trần Huy Phúc 15 năm tù

- Trịnh Minh Pháp 13 năm tù

- Nguyễn Trần Phúc Nguyên, Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Thị Vân Anh cùng 12 năm tù

- Nguyễn Quang Sơn, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trung Trường và Vi Thị Hiến cùng 10 năm tù.

  • Tổng hợp hình phạt 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”:

- Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) 30 năm tù

- Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) 27 năm tù.

Riêng, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “rửa tiền”.

Bản án vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba sẽ được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử TAND TP.HCM, xem tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.