TAND TP.Hà Nội chuẩn bị xét xử bị cáo Phạm Văn Kiên (44 tuổi, trú tại H.Thanh Trì, Hà Nội) cùng 11 đồng phạm về các tội cướp tài sản và bắt, giữ người trái pháp luật. Bị hại trong vụ án được xác định là Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi, trú tại Hà Giang, bạn của Kiên).
Vướng lao lý từ việc tin bạn
Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2023, biết Hiền không về quê ăn tết, Kiên rủ bạn đến nhà ở cùng để sau tết cùng nhau mở quán cà phê. Kiên đưa cho Hiền 200 triệu đồng nhờ cầm hộ. Ngay sau đó, Hiền bỏ đi cùng với số tiền trên. Kiên nhiều lần liên hệ để đòi nhưng không được.
Ngày 3.2.2023, Kiên nhận được điện thoại của Hiền, hẹn gặp nhau ở khu vực chùa Văn Điển (H.Thanh Trì, Hà Nội) để nói chuyện về việc trả tiền. Kiên rủ nhiều người khác cùng đến điểm hẹn, bàn việc đánh và bắt Hiền trả tiền cho mình.
Nhóm Kiên chuẩn bị khẩu trang để tránh bị người dân phát hiện, đồng thời bị cáo đưa tiền cho người khác đi mua cây mía dùng làm hung khí đánh Hiền.
Tại điểm hẹn, Kiên thấy Hiền đi xe máy đến liền hô hoán. Thấy nhiều người vây bắt mình, Hiền sợ hãi, bỏ xe, chạy bộ tới quán phở gần đó, nhưng bị nhóm của Kiên đuổi kịp, đè xuống đất.
Kiên và nhiều người trong nhóm dùng thanh mía vụt vào người, đấm vào mặt Hiền. Cả nhóm sau đó kéo Hiền lên xe, đưa về nhà Kiên.
Tại nhà mình, Kiên đã tát, chửi Hiền. Hiền quỳ xuống, xin tha và hứa sẽ trả lại tiền cho Kiên. Kiên lấy giấy bút, đọc cho Hiền viết giấy nhận nợ 200 triệu đồng rồi cho Hiền về.
Thấy sự việc gây mất trật tự, người dân đã đến công an sở tại trình báo sự việc. Kiên và các đồng phạm lần lượt bị bắt giữ.
Về phía mình, sau khi bị đánh, bắt giữ và ép viết giấy nhận nợ, Hiền vắng mặt tại địa phương. Cơ quan điều tra đã nhiều lần triệu tập nhưng không được, nên chưa làm rõ được trách nhiệm dân sự của người này. Vì thế, cơ quan điều tra tách hành vi Hiền chiếm đoạt tiền của Kiên để tiếp tục làm rõ.
Coi chừng tù tội vì đòi tiền "bằng nắm đấm"
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ án tương tự. Trước đó, không ít trường hợp bị xử phạt tù vì chuyện đòi tiền không đúng cách. Điểm chung của các vụ án này là người cho vay tiền đã nhiều lần đòi nợ nhưng người vay chưa trả, nên người cho vay tiền dùng vũ lực hoặc đe dọa để gây sức ép với đối phương.
Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), không ít chủ nợ còn thiếu hiểu biết pháp luật, cho rằng có thể dùng bất cứ biện pháp gì miễn là đòi được nợ. Điều này khiến nhiều người lâm vào cảnh tù tội.
Để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc, trước hết chủ nợ cần tự đánh giá hoặc nhờ bên thứ 3 am hiểu pháp luật xác định việc người nợ không trả nợ có dấu hiệu hình sự hay chỉ là tranh chấp dân sự.
Nếu người nợ dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền rồi chiếm đoạt thì có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp giữ tiền giúp bạn rồi bỏ trốn, hoặc việc vay mượn là hợp pháp nhưng sau đó tìm cách chiếm đoạt hoặc có cố tình không trả, thì có dấu hiệu tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Người cho vay hoặc người đưa tiền cần tố giác tới cơ quan công an.
Ở trường hợp nào, chủ nợ hoặc người đưa tiền cũng không được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, chiếm giữ tài sản hoặc bắt giữ đối phương.
Nếu thực hiện những hành vi "dùng nắm đấm" vừa nêu, người cho vay hoặc người đưa tiền có thể trở thành bị can, bị cáo theo một trong các tội danh như cướp tài sản (dùng vũ lực khiến đối phương không thể chống cự, nhằm chiếm đoạt tài sản), cưỡng đoạt tài sản (uy hiếp tinh thần đối phương nhưng chưa đến mức không thể chống cự, để chiếm đoạt tài sản), bắt giữ người trái pháp luật (bắt, giam giữ đối phương để ép trả tiền)…
Luật sư khuyến cáo, chủ nợ hoặc người đưa tiền cần tìm hiểu quy định pháp luật trước khi quyết định lựa chọn các hình thức đòi tiền, không thể "thích làm gì cũng được".
Bình luận (0)