Những ngày trời mưa se lạnh, người ta lại thích thú được ngồi quanh bếp lửa hồng chờ thưởng thức món bánh xèo giòn rụm với mớ rau sống xanh tươi, chốc chốc lại thủ thỉ với nhau vài câu chuyện phiếm… Đời chỉ có vậy, mà vui!
Cứ tầm 4 giờ chiều mỗi ngày, bất cứ ai đi ngang quán bánh xèo Bình Định nằm trên khoảnh sân trước căn nhà số 177 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh TP.HCM) sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi lượng khách rất đông ở đây.
VIDEO: Bánh xèo 5.000 đồng, "sống khỏe" ở Sài Gòn
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
“Tôi là dân Bình Định gốc, thích ăn bánh xèo lắm mà nhiều chỗ làm không đúng vị. Chỉ riêng ở đây là ăn rất vừa ý. Bánh ngon, giòn bên ngoài, mềm bên trong. Mà giá thì rẻ y như ngoài quê, cứ 20.000 đồng là no căng bụng rồi”, một thực khách tên Minh Ngọc nhận xét.
Nằm lọt thỏm trong những con hẻm nhỏ nhưng rất nhiều khu đã trở thành 'thiên đường ẩm thực' quen thuộc với người dân và địa điểm phải đến đối với du khách muốn khám phá ẩm thực đường phố Sài Gòn.
Bánh xèo Bình Định khác với bánh xèo miền Nam vốn khá to, có phần nhân đa dạng với thịt heo, thịt gà, đậu xanh, tôm tép...; cũng không giống bánh xèo Núi Cấm với hai loại chay, mặn, ăn kèm rau rừng.
Bánh xèo đất võ được đổ trong khuôn tròn có đường kính 10 – 15cm, phần nhân chỉ có tôm, thịt heo và giá đỗ. Khi ăn sẽ có bánh tráng, rau xà lách, diếp cá và cải đắng, cùng chén nước mắm tỏi ớt rất đậm đà.
Quán bánh xèo cô Bốn nằm trước căn nhà số 177 Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Ảnh: Lê Nam
Chủ quán Phan Thị Bốn (50 tuổi, người Bình Định) cho biết: “Bán bánh xèo Bình Định thì phải làm đúng kiểu Bình Định. Ngoài những nguyên liệu tươi sống như tôm, thịt, rau giá mua ở đây, còn bánh tráng với nước mắm tui đều lấy ngoài quê hết”.
Bột bánh xèo được chủ quán tự xay từ gạo mùa cũ
Bà Bốn giải thích, bánh tráng Bình Định có độ dai và thơm mùi gạo hơn hẳn những loại bánh tráng khác, khi cuốn với rau và bánh xèo sẽ không bị rách nửa chừng. Bột bánh xèo cũng được bà Bốn tự xay từ gạo mùa cũ, cứ hai ngày thì xay một lần, khi nào bán hết lại xay tiếp chứ không xay sẵn vì “sợ bột mất ngon”.
Bánh tráng dùng để cuốn bánh xèo, rau sống chính là loại bánh tráng quê, có độ dai và thơm mùi gạo Ảnh: Lê Nam
Để bánh xèo có được màu vàng ươm bắt mắt, trong quá trình pha bột, bà Bốn cho vào chút nước nghệ tươi. Tôi thắc mắc sao không dùng bột nghệ cho tiện, bà lắc đầu nói: “Bột nghệ có mùi khó chịu lắm, pha vô thì chỉ được cái màu đẹp thôi chứ ăn mất vị hẳn”.
Nước mắm cốt được pha chua ngọt vừa ăn, có sợi đu đủ bào mỏng ăn kèm Ảnh: Lưu Trân
Khách ghé quán bánh xèo bà Bốn có đầy đủ mọi thành phần, từ học sinh, sinh viên cho đến nhân viên văn phòng, công nhân lao động... Nhưng cứ hễ ngồi vào bàn thì ai cũng như ai, đều mang nét mặt bình thản, từ tốn chờ đợi những chiếc bánh xèo nóng hổi vừa mới đổ xong.
Để phù hợp với sở thích của người miền Nam, bà Bốn có chút thay đổi trong các việc lựa chọn rau sống ăn kèm bánh xèo Ảnh: Lưu Trân
Họ thích thú khi hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra vừa đủ để xóa tan cái lạnh tê tái của những cơn mưa. Bánh mới đổ nóng bỏng tay, vừa ngầy ngậy vừa thơm thoảng mùi hành lá, lại thêm cái giòn tan lớp vỏ bên ngoài cứ từ từ thấm vào lòng người.
Quy tắc bất di bất dịch khi đổ bánh xèo là làm càng nhiều lần, khuôn chảo càng cũ thì bánh càng ngon. Khuôn đổ bánh xèo miền Trung trước khi dùng phải được bôi mỡ lên cho ngấm đều, sau đó mới bắt đầu đổ bánh.
Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, bà vỗ tay lên đùi cái đét rồi khoe: “Cũng nhờ khách ủng hộ mà tui mới mua được căn nhà ở đây đó. Chỉ đúng hai năm thôi là mua được nhà, còn có thể lo cho thằng út đi học đến nơi đến chốn nữa”.
Không biết có phải bà Bốn đọc được suy nghĩ của người khác hay không, vì tôi chưa kịp hỏi tiếp bà đã tự kể luôn, để có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay thì cả gia đình bà đã trải qua không ít khó khăn, cực khổ. “Hai vợ chồng tui làm ruộng thuê, tiền kiếm được không đủ để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Túng quẫn quá nên tới cuối năm 2009, cả nhà tui tổng cộng năm người dắt díu nhau vô đây”, bà nhớ lại.
Quán mở bán từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối mỗi ngày Ảnh: Lê Nam
Toàn bộ số tiền dành dụm được suốt bao nhiêu năm của họ chỉ vỏn vẹn 8.000.000 đồng. Những ngày đầu nơi đất khách quê người là đói nghèo nối tiếp nhau. “Cả nhà tui thuê một phòng trọ nhỏ dưới Thủ Đức. Công việc đầu tiên của tui là rửa chén cho quán cơm, còn ổng thì đi phụ hồ với làm bốc vác”.
Bánh xèo ở đây có giá 5.000 đồng/cái
Ròng rã suốt hơn ba tháng trời mà không có một biến chuyển tích cực nào. “Ở lại thì không có tiền, mà quay về quê cũng chẳng còn nhà để ở. Tui cứ nghĩ số mình tận rồi, chỉ thương mấy đứa con phải sống nay đây mai đó, chưa có lấy một bữa no”, giọng bà Bốn nghèn nghẹn.
Bà Bốn bán bánh xèo với giá rẻ để phù hợp với nhiều khách hàng Ảnh: Lưu Trân
Thoát nghèo nhờ bánh xèo
Nhưng theo lời bà Bốn thì “có lẽ ông trời có mắt” nên may mắn đã tìm đến với gia đình bà một cách tình cờ. Trong thời gian phụ việc cho quán cơm, bà được một người khách gợi ý cho cách mở quán ăn để kiếm thêm thu nhập.
“Tự nhiên nghe vậy tui mới thấy có lý. Bình Định thì có món bánh xèo là nổi tiếng, mà ngày xưa tui đổ bánh xèo ai ăn cũng khen ngon. Mình có sẵn cái nghề thì cứ bám vô đó mà sinh sống”, bà tâm sự.
Con trai út của bà vẫn thường xuyên phụ mẹ bán bánh sau mỗi giờ tan học Ảnh: Lưu Trân
Hai vợ chồng mượn được khoảng trống trước căn nhà trên đường Điện Biên Phủ để dọn hàng, đây cũng là địa điểm hiện tại của quán. Ban đầu chẳng mấy ai ghé ăn vì đoạn đường hơi bất tiện. Thêm nữa là “món ăn cũng hơi lạ, tâm lý nhiều người thấy quán bình dân quá thì cứ sợ không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn không ngon”.
Bánh xèo Bình Định do bà Bốn làm đã chiếm được tình cảm của rất nhiều người Sài Gòn Ảnh: Lê Nam
Mặc dù lỗ khá nhiều, có những ngày bán đến khuya mà bột bánh vẫn còn nguyên, nhưng hai vợ chồng bà Bốn vẫn kiên trì tới cùng. Dần dần, người này ăn rồi giới thiệu cho bạn bè, người quen. Chỉ sau hai năm, quán của vợ chồng bà Bốn đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều người khi muốn ăn bánh xèo Bình Định chánh gốc.
Nhiều thực khách cho biết, chỉ cần 15.000 - 20.000 đồng đã có thể ăn một bữa bánh xèo no nê Ảnh: Lê Nam
Từ ngày đầu mở quán đến giờ đã được bảy năm, nhưng bánh xèo chỗ bà Bốn vẫn giữ nguyên mức giá 5.000 đồng/cái, rau và mắm khách xin thêm bao nhiêu cũng được, không tính tiền. Bà tâm sự, vì cùng từng là người xa quê nên thấu hiểu nỗi khổ, nỗi nhớ nhà của những người đồng cảnh ngộ. “Nhiều lúc nhịn thèm để tiết kiệm từng đồng, mong ngày đổi đời. Mình không giúp được gì nhiều thì bán giá rẻ, vừa phải thôi để người ta dễ ăn”.
Trung bình mỗi ngày quán bán từ 1.000 – 1.500 cái bánh xèo, tương đương khoảng 6 – 7kg bột bánh Ảnh: Lê Nam
Nói về bí quyết giúp quán bánh xèo bình dân lại có thể thu hút rất đông thực khách, bà Bốn cười hiền: “Tui không có bí quyết chi hết, bán đồ ăn thì chỉ tâm niệm trong đầu một điều là làm cho khách cũng như làm cho mình ăn. Sạch sẽ, an toàn, giá cả hợp lý là được, mình có lòng thì khách sẽ không phụ. Vậy nên vợ chồng tui tích cóp được mấy trăm triệu, mua căn nhà nhỏ dưới Thủ Đức để ở. Người ta nói an cư thì mới lạc nghiệp mà”.
Hương vị bánh xèo Bình Định mộc mạc giữa lòng Sài Gòn
“Cho con chục cái bánh xèo cô ơi”, tiếng vị khách mới ghé quán vang lên, cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Lúc này, ngoài trời mưa cũng vừa tạnh hẳn, bà Bốn tiếp tục công việc đổ bánh xèo quen thuộc bên giàn bếp lửa đỏ rực. Tự dưng tôi thấy lòng mình ấm áp lạ, ít ra là giữa thành thị xa hoa này vẫn còn một nơi chốn để những người con xa quê có thể tìm được chút gì đó thân thuộc và gần gũi…
Nhiều người bảo đây là tiệm cháo lòng sang chảnh nhất Sài Gòn, cháo được bán trong tiệm 'hoành tráng', lòng cũng nhiều, ít cháo, ăn để thưởng thức vị ngon hơn là để no.
Bình luận (0)