Thì nói vậy chứ thật ra đối với bạn mình chẳng ngại chuyện gì. Chỉ vì mới nhận một thùng vừa cá đuối vừa mực nang bạn gửi xe khách lên từ tuần trước. Người nhận quà như mình lại chỉ cho bạn cách đóng thùng đồ biển sao cho bảo đảm tươi ngon, qua hơn mười hai tiếng từ Cái Đôi Vàm lên đến Sài Gòn mà mở thùng ra đá vẫn chưa tan hết. Có như vậy thì người thành thị mới thưởng thức được các loại hải sản cực ngon của vùng biển nơi tận cùng của Tổ quốc.
Bạn sống ở vàm, sát rừng phòng hộ. Nơi mà mỗi bận tôi về bạn đều chở tôi đi theo con đường độc đạo dẫn đến sát rừng. Bạn chỉ tay về phía biển và nói: “Băng qua cánh rừng này là đến biển Gò Công của Cà Mau, nếu có dịp ở lại sẽ có thuyền đưa bạn ra cửa biển. Ở đó cá tươi ngon, cá biển ngon là loại cá được vớt lên khỏi mặt nước rồi chế biến liền. Món quà của thiên nhiên mà”. Nhưng chẳng lần nào mình chạm được đến mùi vị của biển quê bạn. Mình vội đến rồi vội đi. Có khi vì sợ trễ chuyến tàu duy nhất trong ngày ra Cà Mau mà phải hối hả đi quên cả gói khô của các chị gần nhà dành cho người thành phố.
Rồi khi không mà mình thấy có lỗi với chị, với món quà vô tình không nhận kịp để vội về với guồng quay chưa hề dừng lại của cuộc sống. Mình bỏ quên sau lưng người chị hiền lành chân chất với gói khô khoai loại một hay có thể là con cá thu mặn được ngư dân ngâm nước biển rồi phơi qua con nắng trên thuyền. Dù là gì đi nữa thì quà của quê, của biển cũng mặn mòi tình cảm, cũng thấm đượm cái tình của người quê dành cho thành phố.
Quê bạn nghèo, dân tứ phương tụ hội về đấy sống không biết tự bao giờ mà đến nay tự người ta quen miệng lấy cái nghề của từng khu mà đặt cho cái xóm nhỏ. Ven sông thì có xóm ghe, xóm đảo, xóm cá khoai… Phía trong một chút thì có xóm giáo… Chợ thì ngoài chợ Phú Tân của huyện ra còn có một cái chợ chẳng nơi nào có đó là chợ chạy. Từ mờ sáng chợ đã nhóm từ bến Phú Tân, bên cạnh xóm giáo. Từ đó cái chợ lưu động đủ thứ món rau cải tươi xanh đến mớ cá đồng, cá biển… bắt đầu chạy lần qua các xóm khác. Kẻ bán người mua không cần vội, không cần ngóng đợi, không cần bước ra khỏi cửa. Chỉ cần đúng giờ là tự dưng cái chợ quen thuộc chạy đến. Bữa cơm trưa đắp đổi chỉ bấy nhiêu món mà cái chợ chạy mang đến. Không phàn nàn thực phẩm có còn ngon lành vì người khác đã chọn trước mình hay không? Chỉ cần người bán gật đầu đồng ý cho mua chịu, hôm sau có tiền họ trả bớt…
Mình đi chưa hết vàm. Đến bãi rác chỗ những đứa trẻ nhem nhuốc đang xới tung mọi thứ hôi hám lên để hy vọng tìm được chút gì đó bán được vài đồng. Cái Đôi Vàm, nơi bạn sống và lớn lên từ bé. Mỗi ngọn gió biển tràn vào, mỗi bận cánh rừng phòng hộ oằn mình chống chọi với bão đều quen như hơi thở...
Bình luận (0)