Nhờ chuyên gia nước ngoài điều trị bệnh chổi rồng?

11/10/2014 10:07 GMT+7

Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù ngành chức năng các tỉnh phía Nam đã chi 173 tỉ đồng nhưng vẫn chưa thể khắc phục được dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn, thậm chí một số nơi dịch bệnh đã lây sang cây chôm chôm.

 Nhờ chuyên gia nước ngoài điều trị bệnh chổi rồng?
Nông dân Vĩnh Long lo lắng do bệnh chổi rồng đã lây sang cây chôm chôm - Ảnh: Thanh Đức

 

173 tỉ đồng... trôi sông

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết bệnh chổi rồng trên cây nhãn bắt đầu xuất hiện và gây hại trên địa bàn từ năm 2007. Lúc đầu chỉ xảy ra rải rác với tỷ lệ thấp, sau đó bệnh lây lan ngày càng nhiều, nhất là trên cây nhãn tiêu da bò. Đến tháng 8.2014, diện tích nhiễm bệnh trên nhãn là 7.581 ha/khoảng 10.000 ha, trong đó có 2.378 ha nhiễm nhẹ, 2.941 ha nhiễm trung bình và 2.261 ha nhiễm nặng. Đến nay đã có khoảng 1.334 ha nhãn ở các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Mang Thít và TP.Vĩnh Long bị nông dân đốn bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Ngoài nhãn, trên địa bàn tỉnh còn có 18 ha chôm chôm nhiễm bệnh này.

 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Bằng mọi cách phải giữ lấy vườn nhãn cho nông dân và nếu cần phải nhờ chuyên gia nước ngoài đến tìm hiểu để điều trị dứt điểm…”.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh chổi rồng xuất hiện lần đầu năm 2001 ở Vũng Tàu, sau đó  lan rộng ra các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang và Cần Thơ. Đặc biệt, từ tháng 9.2011 đến tháng 3.2013, có 7 địa phương đã công bố dịch bệnh chổi rồng với tổng diện tích nhiễm bệnh là 27.373 ha, trong đó nhiễm nặng là 20.410 ha.

Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương triển khai công tác hỗ trợ nông dân phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn với tổng kinh phí trên 173 tỉ đồng (ngân sách T.Ư 122 tỉ đồng và ngân sách địa phương 51 tỉ đồng). Kết quả sau hơn 1 năm (tháng 5.2013 đến tháng 9.2014), diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng của 7 tỉnh công bố dịch có 15.391 ha trong số 32.914 ha nhãn trồng. Từ tháng 4.2014 đến nay, bệnh chổi rồng đã xuất hiện trên cây chôm chôm khoảng 80 ha (chủ yếu là Vĩnh Long và Bến Tre) trên tổng diện tích 22.000 ha chôm chôm của 14 tỉnh, thành phía Nam.

Có thể nhờ chuyên gia nước ngoài

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Nhện long nhung (tác nhân gây bệnh chổi rồng) rất nhỏ nên người dân khó thấy, khi phun thuốc không triệt để, mỗi khi phát hiện là đã muộn. Hiện tại, nông dân chỉ biết cắt cành và bón phân. Nếu sau khi dập dịch mà vẫn còn nhiễm nặng thì chúng ta có thể thay bằng cây nhãn khác như nhãn Ido (nhiễm ít hơn) và phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để cùng sản xuất, xây dựng mô hình làm giảm bệnh”.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, bệnh chổi rồng trên nhãn có giảm nhưng tăng diện tích bị nhiễm nặng và đến nay đã lây sang cây chôm chôm, có nguy cơ lan rộng sang các vùng khác. Để khôi phục và phát triển 2 loại cây này có hiệu quả, đầu tiên phải có cơ sở khoa học. Ngoài việc tập trung mọi nguồn lực khoa học trong nước, cần chủ động đi tham khảo những quốc gia có trồng nhãn và ưu tiên mời các chuyên gia ở Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí mời chuyên gia Ý đến VN để hợp tác nghiên cứu. Bằng mọi cách phải trị dứt điểm bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã bị nhiễm bệnh và bảo vệ diện tích nhãn chưa bị nhiễm trong vùng.

Thanh Đức

>> Đồng Tháp tiếp tục hỗ trợ nông dân có nhãn bị bệnh chổi rồng
>> Chi 167 tỉ đồng dập dịch chổi rồng
>> Hơn 11 tỉ đồng dập dịch bệnh chổi rồng hại nhãn
>> Dịch chổi rồng gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.