Nhờ đâu 20 bác sĩ cứu sống kịp thời cô gái bị xe container cán?

Đình Tuyển
Đình Tuyển
27/10/2020 20:10 GMT+7

Cô gái bị xe container cán được 20 bác sĩ ở Cần Thơ cứu sống đang hồi phục kỳ diệu, nhưng khi tổng trạng ổn định, cô sẽ phải trải qua ít nhất một cuộc phẫu thuật nữa.

Tiên lượng phục hồi vận động khả quan

Chiều 27.10, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết sức khỏe của nữ bệnh nhân 22 tuổi (quê ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) đã cải thiện rất nhiều, tinh thần của nữ bệnh nhân này cũng dần ổn định trở lại.

Kỳ tích: 20 bác sĩ hợp lực cứu cô gái trẻ bị xe container cán

Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, trưa ngày 21.10, chị L.T.M.H đi xe máy cùng người thân không may bị tai nạn va chạm với xe container, chị H. ngã ra đường và bị bánh xe container cán lên phần hông chậu. Nạn nhân được người dân xung quanh hỗ trợ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch.

Hình ảnh X-quang cho thấy khung chậu bệnh nhân bị chấn gãy phức tạp

Ảnh Đình Tuyển

BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Bệnh nhân đang hồi phục nhanh chóng nhưng dự kiến, khi tổng trạng ổn định hơn, cô sẽ còn phải trải qua ít nhất một cuộc phẫu thuật nữa.
“Hiện bệnh nhân vẫn được đang theo dõi tình trạng ổ bụng và các vết thương. Bệnh nhân cũng đã được tập vật lý trị liệu tập vận động tứ chi, tập hô hấp, bơm cách quãng 2 chân bằng máy bơm tự động. Đồng thời chăm sóc cố định ngoài khung chậu, chăm sóc vùng lóc da mông hông bên trái”, BS Thống Em nói.
Theo BS Thống Em, bệnh nhân cũng đang được theo dõi tình trạng nhu động ruột, dinh dưỡng hỗ trợ. Khung cố định ngoài khung chậu cũng đã được đặt để giữ vững tạm vùng chậu cho bệnh nhân trong thời gian chăm sóc tổng trạng cũng như giúp bệnh nhân xoay trở.
“Có thể khi sức khỏe bệnh nhân ổn định hơn, vài ngày tới trung tâm sẽ tiến hành phẫu thuật thay cố định ngoài khung chậu bằng cố định xương bên trong khung chậu (vít và nẹp) cho bệnh nhân. Ngoài ra, vùng lóc da hiện cũng tiến triển thuận lợi chưa cần phẫu thuật (vùng da không có dấu hiệu đen da nhiều). Tiên lượng phục hồi vận động đi lại rất khả quan”, BS Thống Em nói thêm.

Nhờ “báo động đỏ” kịp thời

Theo nhận định của BS.CK2 Phạm Thanh Phong, ngoài việc được đưa đến cấp cứu kịp thời thì yếu tố mang tính quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân này chính là sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng của nhiều bác sĩ, nhiều chuyên khoa trong cùng một ca cấp cứu. Thậm chí khoa Huyết học truyền máu của bệnh viện đã phải liên hệ khẩn với Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ để huy động máu và các chế phẩm trước ca mổ để cứu bệnh nhân.
“Tất cả là nhờ kích hoạt kịp thời quy trình báo động đỏ nội viện. Đây là một quy trình rất hiệu quả đã giúp bệnh viện cứu được nhiều bệnh nhân nguy kịch thời gian qua, trong đó vào tháng 7.2020, các bác sĩ của bệnh viện cũng cứu sống một trường hợp tương tự”, BS Phong nói.
Theo BS Phong, trước đây, để tiến hành một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần đi qua nhiều khâu thủ tục từ các bước như khám bệnh, làm các xét nghiệm lâm sàng, chuẩn bị phòng mổ, sau đó mới đến phẫu thuật. Không chỉ mất nhiều thời gian mà đôi khi còn ảnh hưởng đến việc cấp cứu kịp thời bệnh nhân.
“Đó cũng là lý do quy trình báo động đỏ bệnh viện đã ra đời để xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, với mục đích cuối cùng là đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch nhanh nhất có thể. Đây được coi là bước ngoặt trong cấp cứu, làm tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nguy kịch”, BS Phong nói.

Nhờ quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt kịp thời nên 20 bác sĩ từ 6 ê kíp phẫu thuật của các khoa đã có mặt để phổi hợp cứu bệnh nhân

Ảnh Đình Tuyển

Bác sĩ Phong cho biết thêm, các tình huống cần vận dụng quy trình báo động đỏ bao gồm: Tai nạn thương tích: tình trạng nguy kịch, tai biến sản khoa; Cấp cứu bệnh lý: chỉ định can thiệp hoặc dùng thuốc khẩn; Đột quỵ thiếu máu có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết; Nhồi máu cơ tim có chỉ định can thiệp tái tưới máu; Cấp cứu bệnh nhân điều trị nội trú đột ngột diễn tiến xấu đe dọa tính mạng.
Người được quyền “phát tín hiệu đỏ” là bác sĩ cấp cứu và bác sĩ trực ngoại khoa mà không cần phải chờ xin ý kiến trưởng khoa hay trực lãnh đạo bệnh viện, nếu đánh giá cần phải mổ khẩn cấp. Các bác sĩ trong quy trình luôn mở điện thoại 24/24 giờ. Khi nhận được tín hiệu báo động, không cần biết là thời gian nào, đang ở đâu, không cần hỏi han dài dòng về tình trạng nhập viện của bệnh nhân, bác sĩ phải ngay lập tức có mặt tại phòng mổ. Nhờ vậy khi “báo động đỏ” được kích hoạt chỉ cần 5 - 10 phút là có thể chuyện bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ thay vì mất cả tiếng như trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.