Giới khoa học vẫn nỗ lực nghiên cứu “giác quan thứ sáu” ở động vật với hy vọng có thể sớm đưa ra phương pháp dự đoán động đất hiệu quả.
Hành vi bất thường của động vật có thể cung cấp manh mối dự đoán động đất - Ảnh: Shutterstock
|
Trận động đất gần đây tại Nepal một lần nữa cho thấy mức độ khó khăn trong việc dự đoán thiên tai. Dù con người nắm kiến thức khá vững về những khu vực dễ xảy ra động đất, chẳng ai có thể biết được chính xác khi nào diễn ra một cơn địa chấn khủng khiếp lên đến 7,8 độ Richter như ở Nepal. Tuy nhiên, giới khoa học nắm được một đầu mối quan trọng từ tự nhiên: nhiều loài động vật bằng cách nào đó dường như cảm ứng được thiên tai trước khi nó ập tới. Nếu biết cách tận dụng tốt điều này, công tác dự đoán thảm họa tự nhiên sẽ cải thiện hơn so với hiện nay, từ đó giới hạn tổn thất ở mức thấp nhất, theo trang The Conversation.
Website của Cục Địa chất Mỹ (USGS) có hẳn một phụ trang về “Động vật và dự đoán địa chấn”. Dữ liệu sớm nhất từng được ghi nhận về hành vi bất thường của động vật trong một trận động đất là vào năm 373 trước CN tại Hy Lạp. Chuột, chồn, rắn, rết thường rời tổ và chuyển đến nơi an toàn vài ngày trước khi xảy ra động đất kinh hoàng. Không thiếu những giai thoại về sự di tản ồ ạt và bất thường của động vật hữu nhũ, cá, chim chóc, bò sát và côn trùng diễn ra thậm chí từ vài tuần đến nhiều giây trước khi thiên tai giáng xuống. Lần thấy rõ ràng nhất là trước khi xảy ra động đất thảm khốc tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, hồi năm 2008, khi ếch nhái lũ lượt đổ ra đường và lọt vào ống kính điện thoại di động của người dân. Trong khi vẫn chưa rõ lắm về cơ chế cảm nhận động đất này, các nhà khoa học tại Nhật Bản và Trung Quốc đều quyết định "tin còn hơn không". Tuy nhiên, một trong những thách thức là khó nối kết những hiện tượng di tản của cộng đồng động vật với một trận động đất sắp diễn ra, và hầu như chỉ được phát hiện sau khi mọi sự đã rồi.
Có những lĩnh vực con người biết chắc chắn là động vật có năng lực hơn chúng ta, chẳng hạn, chó có thể ngửi thấy các dấu hiệu ung thư thời kỳ đầu trong khi máy móc và công nghệ vẫn chào thua. Trong trường hợp “giác quan thứ sáu” của động vật, giới khoa học phải cố gắng phân tích hành vi của một hoặc nhiều bầy đàn động vật trong thời gian ngắn, trước khi có thể an tâm phát lệnh di tản đối với cộng đồng dân cư. May mắn là việc thu thập dữ liệu từ đám đông cần đến thuật toán đám mây, một công nghệ đã có sẵn từ vài năm nay. Thế nên, câu hỏi lớn hơn được đặt ra là làm sao ghi nhận dữ liệu từ những nhóm động vật đông đảo, mà không ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của chúng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc cài cảm biến từ xa cho động vật có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, thay đổi hành vi của chúng, và từ đó năng lực dự đoán thảm họa không còn chính xác nữa. Do vậy, lựa chọn hiệu quả hơn là gắn các cảm biến như phát hiện chuyển động xung quanh môi trường của cộng đồng động vật. Nếu xảy ra bất cứ sự chệch hướng so với hành vi thông thường của chúng, mạng lưới cảm biến sẽ lập tức phát hiện và báo động về trung tâm. Trang The Conversation dẫn lời giới chuyên gia cho rằng cần khai thác ưu thế “sự thông thái của đám đông”, kêu gọi sự đóng góp của các cộng đồng công dân tham gia dự án khoa học để thu thập được nhiều nguồn thông tin cho mục tiêu dự đoán động đất. Cho đến khi các nhà khoa học thế giới đưa ra giải pháp cho vấn đề này, tạm thời vẫn chưa có cách nào tận dụng “giác quan thứ sáu” của động vật cho trường hợp con người.
Bình luận (0)