Mỗi lần đến Hội An (Quảng Nam), tôi cũng tìm đến gánh xí mà (chè mè đen, hay còn gọi là chí mà phù) của cụ ông Ngô Thiếu.
Ăn xí mà, nhớ đến cụ Thiếu với gánh xí mà ngày cũ, linh hồn của phố cổ Hội An nhiều năm về trước - Ảnh: Lê Văn Thọ
|
1. Không hiểu vì món chè xí mà của ông ngon, hay việc đến phố cổ Hội An, ngồi lặng yên nhìn cụ ông ở cái tuổi xưa nay hiếm cần mẫn múc từng muỗng chè xí mà vào chén cho khách khiến tôi luôn thích ngồi lâu ở nơi này...
Nhưng không dễ để cụ ông cho ngồi lâu với chén chè đã vơi đi. Cụ vốn “lạnh lùng” có tiếng, bởi ai đến cũng hỏi cụ đủ thứ. Nào là con cháu ở đâu? Cụ bán bao lâu rồi? Nấu thế nào để cho món chè ngon?... Rồi xin chụp ảnh. Hỏi nhiều đâm chán, nên thỉnh thoảng cụ khó tính.
Nhưng nếu đã quen rồi, mới thấy con người này đặc biệt hiền từ. Cụ như một phần linh hồn của phố cổ Hội An vậy. Gánh xí mà đi qua mấy chục năm, trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc. Nghe mọi người kể lại, cụ Thiếu gánh đi các nơi ở Hội An để bán. Lúc tôi biết đến cụ thì cụ Thiếu đã ngồi ở con phố Nguyễn Trường Tộ, do sức khỏe không còn để gánh đi khắp nơi.
Chè xí mà của cụ Thiếu ngon vô cùng. Có lần tôi cùng cô con gái kén ăn đến ngồi ăn ở gánh xí mà. Làm nũng húp nhẹ muỗng xí mà đầu tiên, con gái thốt lên: “Mẹ ơi, ngon mê ly!”. Vậy là làm hết chén không cần ép uổng.
Chè xí mà của cụ ngon không cần giới thiệu nhiều. Cũng là mè đen, đường, nhưng có vị ngon ngọt, beo béo, thanh mát rất đặc biệt. Có người nói nhờ cụ nấu bằng nước giếng Bá Lễ - chiếc giếng cổ nổi tiếng ở Hội mà làm nên hương vị đó chăng. Có người lại quả quyết, bí ẩn nằm ở một loại gia vị thuốc bắc mà chỉ mỗi mình cụ có thể sử dụng để trở thành một nguyên liệu đặc biệt cho món chè xí mà...
Vì vậy nên khi cụ Thiếu dần già đi, sức khỏe ngày một yếu, nhiều người lo gánh xí mà cũng mất đi cùng năm tháng...
Người sống ở phố cổ Hội An thường đến mua để dành làm quà trưa cho con cháu, bởi chè chỉ bán vào buổi sáng- Ảnh: Diệu Hiền
|
2. Cụ Thiếu nghỉ bán thật. Vì ở cái tuổi ngoài 90 thì cụ không thể thức dậy từ tờ mờ sáng, rồi đẩy gánh xí mà ra bán ở góc đường. Thật may mắn, con gái cụ Thiếu và cháu kế thừa gánh xí mà ấy.
Nhưng cụ Thiếu nghỉ làm gánh xí mà trở nên thiếu thiếu. Quả thật không có cụ ông Ngô Thiếu ngồi cần mẫn múc chè, gánh xí mà Hội An mất đi một nửa hình ảnh giản dị, gần gũi. Bí truyền của cụ Thiếu vẫn được truyền lại trọn vẹn cho con cháu. Đó vẫn là một món ăn mà mọi người muốn tìm đến mỗi khi đến phố cổ này.
Món chè nóng, ngày đông càng ấm lòng. Người sống ở phố cổ Hội An thường đến mua để dành làm quà trưa cho con cháu, bởi chè chỉ bán vào buổi sáng. Còn du khách đến Hội An, phải đi thật sớm để có cơ hội ăn món chè nổi tiếng ở phố cổ này. Chỉ một chút buổi sáng là gánh xí mà hết veo.
Hỏi con cháu cụ Thiếu, bán đắt như vậy sao không bán thêm, mà lại nghỉ sớm tiếc vậy? Con cháu cụ cười, giải thích nửa đùa nửa thật: “Làm vậy để người ta thèm, hôm khác người ta còn ghé mua nữa. Cái gì đủ đầy quá dễ sinh ngán! Chè xí mà có ngon mấy, cũng nằm trong quy luật nớ thôi...”.
Cùng xem những hình ảnh về gánh xí mà Hội An:
Thật may, con gái cụ Thiếu và cháu kế thừa gánh xí mà - Ảnh: Diệu Hiền
|
|
|
Dẻo thơm và sánh mịn, có lẽ bí quyết nhờ vị thuốc Bắc bí truyền nào đó - Ảnh: Diệu Hiền
|
Cái gì đủ đầy quá dễ sinh ngán! Chè xí mà có ngon mấy, cũng nằm trong quy luật nớ thôi...- Ảnh: Diệu Hiền
|
Diệu Hiền
(thực hiện)
Bình luận (0)