Nhớ quán bún nước lèo nơi xóm cũ

31/10/2022 15:00 GMT+7

Xóm cũ là cái xóm nhỏ mà hầu hết là dân tản cư từ miệt ruộng quê tôi ra vùng ven rìa thị trấn quận lỵ để trốn tránh các cuộc hành quân càn quét ác liệt, trốn các đợt pháo kích bất kể giờ giấc của giàn pháo binh được đặt tại chi khu Kế Sách (thuộc tỉnh Ba Xuyên xưa, Sóc Trăng nay).

Mấy chục gia đình chèo chống ra đây dựng tạm lên những căn nhà tre lá ọp ẹp cho cuộc sống tạm bợ qua ngày. Không ai có thể biết được bao lâu nữa mới được trở về quê cũ nên hầu hết người lớn trong xóm vẫn đi đi, về về làm lụng trong quê khi vào thời điểm dọn đất cấy, khi vào vụ thu hoạch lúa. Có người mở thêm tiệm tạp hóa nơi đầu xóm, có người làm bánh bò, bánh da lợn, bánh gan... bưng đi bán vòng vòng trong xóm hoặc ở góc chợ cách đó chừng hai, ba cây số.

Các nguyên liệu cho tô bún nước lèo đúng chuẩn của bà con Khmer Sóc Trăng

thanh bình

Cuộc sống tản cư nhiều thiếu thốn nên đám trẻ chúng tôi thèm... đủ thứ. Chính vì sự thiếu thốn ấy nên đám trẻ nít chúng tôi được ăn những món đặc sệt quê mùa, sàn dã: trái ô môi chín được vạt vỏ hai bên rồi tách ra mà nhai, ăn xong miệng mồm thằng nào cũng thấy gớm, rồi những trái bình bát chín cây, những trái ổi "trời sanh" nơi góc vườn hoang chỉ bằng ngón chân cái chín giòn, ngọt lịm, hay chuối chát (chuối xiêm) chấm cơm mẻ... Những món đó chắc chắn đám trẻ bây giờ không bao giờ rớ tới. Vậy mà bọn trẻ chúng tôi lại ăn ngon lành, ăn không biết ngán.

Kế tiệm tạp hóa đầu xóm là "quán" bún nước lèo của vợ chồng thím Huôi - là người Khmer từ Vũng Thơm (nay là xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) trôi dạt qua và xin "ở ké cho vui" với bà con cùng cảnh ngộ… tản cư. Má tôi nói bún nước lèo của thiếm rất ngon, đúng khẩu vị của bà con Khmer, không lai tạp như tô bún nước lèo ngoài chợ. Hầu như chú thím không hề tốn tiền mua các phụ liệu ngoài chợ, trừ ra mấy ký bún. Cứ sau buổi sáng bán bún, chú thím chèo chiếc tam bản dọc theo sông để chài cá, tép để mai bán. Cá tép thời đó rất nhiều nên chỉ chừng vài tiếng đồng hồ là... dư xài. Chiều mát thiếm đi dọc theo mấy miếng vườn để thọc bắp chuối làm rau ghém. Còn mắm sặc, mắm rô, mắm bò hóc do chú thiếm chài dưới sông rồi làm mắm nên ở bên hông nhà để la liệt các hủ mắm do chú thím làm sẵn.

Dân tản cư đa phần là nghèo, thu nhập chủ yếu từ làm ruộng nên cuộc sống khá bấp bênh, chi tiêu hàng ngày rất tằn tiện. Biết vậy, nên thím Huôi bán giá tô bún rất rẻ. Nếu gói xôi bán trước của trường học có giá 5 cắc thì tô bún của thiếm chưa tới một đồng. Đám học trò chúng tôi sáng nào cũng kéo cả chục đứa đến ngồi kín bàn, lua vội tô bún trước khi đi học. “Bàn” là những thanh tre ghép lại đặt trên những chân trụ của cây bình linh, mù u, trâm bầu, mặt “bàn” ngang chừng 6 - 7 tấc, dài chừng hơn 2 thước. Dọc theo 2 mép bàn là những chiếc ghế súp cũng bằng tre do chú Huôi tự làm. Đối với đám trẻ nít như chúng tôi thì thím làm tô nhỏ nhưng chất lượng không thua tô bún của người lớn, thỉnh thoảng thím còn cho thêm một con tôm bự chảng. Còn người lớn hầu hết đều thích khúc đầu cá lóc kèm thêm mấy cái ruột cá nên tô bún vun trùn, nhiều gần gấp đôi tô của đám trẻ, bởi ai cũng là dân lực điền ăn mạnh, uống bạo. Rồi những ngày bán ế do rơi vào thời điểm dọn đất hay vào vụ thu hoạch, chú thím kêu đám trẻ đến "tặng" cho mỗi đứa một tô đầy tôm, tép hoành tráng có thể chất lượng hơn tô đặc biệt bây giờ.

Sau thu hoạch lúa, quán bún của thím Huôi luôn luôn đông khách vào buổi sáng và hiện diện đủ các tay nhậu vào buổi chiều với móm som lo (xiêm lo) đúng chuẩn chất của bà con Khmer. Đám trẻ chúng tôi hồi đó không có thói quen ngủ trưa nên thường thường hay kéo tới nhà chú thiếm để nghe chú kể chuyện xưa và khoái học tiếng Khmer. Chú dạy chúng tôi, nào là "tâu sa" là đi chợ, "tâu te" là về nhà, uống nước là "phất tức", đi học là "tâu riêng", đi chơi là "tâu lênh", ăn cơm là "xi bai”... Bọn tôi cứ học trước, quên sau nhưng chú thím vẫn vui vẻ dạy tới, dạy lui hoài không chán.

Rồi thím ngã bệnh, không riêng đám trẻ nít chúng tôi mà cả xóm thèm bô bún nước lèo của thiếm quay quắt. Má tôi nói thiếm bị bệnh "phụ nữ" đã lâu, tiền bạc làm ra được bao nhiêu là để trị bệnh cho thí. Hèn chi, cứ vài tháng là chú thím nghỉ bán vài ngày để "đi thăm bà con", chú nói vậy. Quán bún đóng cửa và hơn tháng sau là thìm mất. Đám tang đơn giản, không kèn trống, hôm sau đưa thím ra hỏa táng ở khu nghĩa địa gần đó. Đám trẻ chúng đứa nào cũng khóc như mất đi một người thân ruột thịt. Chú mang chiếc hủ sành đựng tro cốt của thiếm, từ giả bà con trong xóm rồi chèo chiếc tam bản đi biệt tăm.

Đoạn đường cuối “Xóm tản cư” hôm nay

THANH BÌNH

Sau ngày 30.4.1975, bà con xóm tản cư lần lượt trở về xóm cũ, đám trẻ ngày nào thỉnh thoảng gặp nhau ai cũng nhắc đến chú thiếm Huôi và vẫn còn nhớ in hương vị tô bún nước lèo phảng phất hương vị mắm bò hóc và những con tôm, tép ngọt lịm. Tô bún nước lèo bây giờ dù có đầy đủ phụ liệu, lại thêm những lát heo quay, giò chéo quẩy… nhưng tôi đoan chắc rằng nó không thể so với tô bún nước lèo của thím Huôi của chúng tôi ngày trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.