Đúng là bây giờ tôi không muốn đi đâu nữa, chỉ muốn về quê nhà, mỗi năm về cả chục lần, để đi chơi. Nói chơi là nói cho oai, thật sự tôi chỉ thích một mình về ngồi trong cái quán nhỏ bên bến sông hay một mình đi dưới những con đường tre xanh rợp bóng mát buổi trưa và chờ đợi.
Tôi về hai nơi ấy, chờ đợi để tìm lại một kỷ vật tuổi thơ mà mình đã lỡ đánh mất: Tiếng gà gáy trưa.
tin liên quan
Tết Việt xưa & nayTết Nguyên đán VN còn được gọi là tết Cả, tết Ta, tết Âm lịch, tết cổ truyền; bắt đầu từ 23 tháng chạp (đưa ông Táo về trời) đến ngày mồng 6 (hạ nêu). Tết được chia thành 3 giai đoạn là cuối năm - giao thừa - đầu năm.
Người xưa từng viết về nỗi nhớ quê nhà qua tiếng gà gáy báo giờ suốt năm canh:
Cố quốc bồi hồi thiên lý nguyệt
Cựu gia trù trướng ngũ canh kê.
(Ngàn dặm bồi hồi hồn nước cũ
Năm canh eo óc tiếng gà khuya).
Cựu gia trù trướng ngũ canh kê.
(Ngàn dặm bồi hồi hồn nước cũ
Năm canh eo óc tiếng gà khuya).
Trong hai tiếng gà ấy, tôi chọn tiếng gà trưa. Tiếng gà trưa gợi nhớ trong ta những kỷ niệm tươi đẹp về làng quê yêu dấu, gần gũi với mỗi đời ta đến nỗi nếu ta quên nó thì có nghĩa là ta mất đi một đoạn đời thân ái nhất của chính mình.
Bản hòa âm điền dã
Hãy hình dung một buổi trưa an bình, nắng vàng như lụa, gió từ biển thổi vào, từ sông thổi lên mát mẻ. Không gian im ắng, không một tiếng người gọi, không một chiếc lá rơi. Buộc chiếc võng vào hai gốc cây, ta yên lặng nằm dưới bóng râm của hoa lá nhìn lên bầu trời. Trời xanh màu ngọc bích, thỉnh thoảng một dải mây trắng nhẹ bay qua không để lại một gợn sóng nào. Lòng người cũng tĩnh lặng như mặt nước hồ thu.
Bỗng nhiên, con gà trống nhà ai đó cất tiếng gáy lên. Tiếng gáy vang xa đi qua khắp đường thôn, ngõ xóm, bờ tre, bãi mía, đồng lúa, nương dâu. Tiếng gáy đánh thức những hạt mầm trong đất tỉnh dậy, nảy thành chồi, thành lá tự tin vươn lên đón lấy ánh dương quang.
Tiếng gáy không làm con chim sâu nhỏ đang nhảy nhót kiếm ăn trong vòm lá biếc giật mình sợ hãi; không làm con cá rô hốt hoảng nép vào dưới cụm bèo non. Tiếng gáy đầy rẫy trung khí, hòa bình, trung chính báo hiệu một ngày yên lành, một đời hạnh phúc. Tiếng gáy như ru con người vào bản hòa âm điền dã thân thiết; nhủ rằng hãy thư giãn đi cho tâm hồn và trí óc thanh thản.
Những ngày thơ ấu, nghe tiếng gà trưa gáy là tôi muốn ngủ. Tiếng gáy nhẹ nhàng, thanh thoát như một bài ru mà chỉ tự nhiên mới có được. Âm ba tiếng gáy như vỗ về tất cả mọi thứ trên đời, vỗ về trái tim tôi rằng trên đời không có điều gì đáng để ta buồn, ta giận, ta lo, ta ghét. Tiếng gà trưa không bảo ai ngủ; nó chỉ thanh tẩy lòng người cho người bình an lại. Và một khi lòng người đã được thanh tẩy thì giấc ngủ bình yên, ngọt ngào sẽ đến.
Tôi ra đi từ làng quê, từ gốc lúa, từ biền dâu. Tôi là một người nhà quê; đi đến đâu, sống với ai, làm việc gì, ăn mặc thế nào, giao tiếp ra sao thì vẫn là một người nhà quê. Tự hào về bản chất quê mùa ấy bởi tôi cảm nhận trong tiếng gà trưa có cái hồn quê chân thật, giản dị, trong sáng. Lớn lên được học nhạc, tôi cảm nhận tiếng gà trưa có nhạc tính phong phú; trong năm nốt của tiếng gáy, không nốt nào trùng cao độ và trường độ của nốt nào.
Sống giữa thành phố phồn hoa, nhiều khi tôi nhắm mắt lại mường tượng ra tiếng gà trưa của quê nhà. Những hình tượng thân yêu lần lượt hiện ra: cha tôi nằm trên chõng đọc cuốn Minh tâm bảo giám; mẹ tôi thái rau trộn cám cho con heo ăn trưa; chị tôi ngồi khâu áo; anh tôi cầm cây đàn mandoline đánh đi đánh lại một tiểu khúc đồng quê cung trưởng. Tiếng gà trưa gợi nhớ những hình tượng, xôn xao những cảm xúc, dịu dàng những cung bậc thanh bình. Làm sao tôi có thể quên đi tiếng gà trưa ấy?
tin liên quan
Quà quêSống ở thị thành mưu sinh vất vả, mấy khi con được về thăm nhà. Ba hiểu vậy nên mỗi lần hay tin con sắp về, ba đều thông báo để mấy anh chị em gần đó cùng quây quần cả nhà để đón con.
Tôi về quê nhà để được nghe lại tiếng gà trưa. Tiếng gà ấy đã trở thành một phần của tuổi thơ tôi, tâm hồn tôi, cuộc đời tôi. Tôi đã nhiều năm vắng xa tiếng gà ấy; đã đi qua ngàn trùng dâu bể, nghe những tiếng ca xa lạ, cười những nụ cười xa lạ. Và tôi chợt nhận ra rằng không có thứ âm nhạc nào đẹp hơn, chân thật hơn, thanh thoát hơn, trữ tình hơn tiếng con gà trống gáy trưa ở quê nhà mình.
Để có một tình yêu đất nước nồng thắm, trước hết người ta phải biết yêu những gì nho nhỏ, thân thiết với chính mình. Tôi yêu tiếng gà trưa vọng sau lũy tre xanh trong những buổi trưa nắng vàng như lụa. Cuộc sống phát triển càng ngày càng hiện đại thì may mắn thay những làng quê thanh bình êm ả vẫn còn giữ lại được cái hòa âm điền dã ngọt ngào từ tiếng gà trưa.
Bình luận (0)