Nhớ Sông Bé thân thương

21/12/2023 15:00 GMT+7

Do cuộc sống bộn bề với nhiều lo toan thường nhật, tôi tạm "xếp lại" những ký ức về quê hương được hình thành từ thuở ấu thơ… Cho đến khi 'Hào khí miền Đông' nhắc với tôi: Sông Bé là quê hương, là cội nguồn.

"… Sông Bé cao su dòng sữa mẹ hiền

Cây trái vào mùa thơm ngát sầu riêng

Kìa rừng lồ ô xưa là khu chiến

Nay cũng vươn mình xây dựng tương lai…"

(Trích Anh sẽ về thăm lại quê em" - Võ Đông Điền)

Trước năm 1997, Sông Bé là tên một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ (nay là 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước), đó cũng là tên của một dòng sông và một cây cầu.

Cầu Sông Bé nhìn từ cầu Phước Hòa (tác giả)

Cầu Sông Bé nhìn từ cầu Phước Hòa (tác giả)

Thanh Sơn

Dòng sông

Sông Bé là con sông lớn và dài nhất chảy xuyên qua tỉnh Bình Phước, Bình Dương rồi chảy vào khu vực Trị An ra sông Đồng Nai. Hồ thủy điện Thác Mơ được xây dựng từ khu vực thượng nguồn con sông này. Dòng sông thường gắn liền với tuổi thơ của không ít người. Và tôi cũng vậy, nhớ dòng sông Bé quê mình:

Nhớ hồi nhỏ theo anh đi ra mé sông câu cá;

Nhớ những ngày trời khô ráo cùng chị đi hái rau đọt choại (một loại rau dại);

Nhớ những ngày đi cùng ba mẹ đi thăm người thân mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ.

Và nhớ… rất nhiều!

Cây cầu anh hùng

Cầu Sông Bé là cây cầu được xây dựng những năm 1925 - 1926 bắc qua sông Bé thuộc huyện Phú Giao, tỉnh Bình Dương ngày nay. Đây là cây cầu huyết mạch để lưu thông giữa vùng miền Tây Nam bộ, TP.HCM lên Tây nguyên.

Được biết, trong kháng chiến chống Mỹ: "Với cuộc tấn công của quân, dân tỉnh Sông Bé, địch ở Chi khu huyện Phú Giáo rút qua cầu để chạy về hướng huyện Bến Cát. Trên đường tháo chạy, địch đã bị bộ đội, du kích của ta chặn đánh diệt vài chục tên. Chiều 29.4.1975, quân địch tràn về Phước Hòa để tìm đường rút chạy. Để tránh bị truy kích, tên chỉ huy địch đã cho đặt mìn phá hủy cầu Sông Bé. Đến trưa 30.4.1975, tỉnh Sông Bé hoàn toàn giải phóng" (*). Sau khi cầu gãy, tỉnh đã xây cây cầu mới kế bên đặt tên là cầu Phước Hòa.

Và tình đất, tình người

Xưa, ba má tôi ở vùng Bến Cát, Tân Uyên, thuộc tỉnh Sông Bé, đây cũng là quê hương của ông bà tổ tiên. Sau giải phóng, kinh tế khó khăn, ba má phải rời quê để đi lập nghiệp tại vùng kinh tế mới Đồng Phú (Bình Phước). Khi ấy phải tìm chỗ có ruộng, có rẫy mới hy vọng làm có đủ miếng ăn.

Ba má cũng tìm được chỗ ưng ý, xây nhà, khai hoang đất canh tác. Nhà làm bằng cột gỗ, lợp tranh, vách ngăn được làm bằng đất sét ruộng pha với rơm, nhào trộn cho dẻo rồi đắp lần lượt từ dưới lên trên theo khung tre (như khung cốt thép). Sau khi đắp xong, trong quá trình chờ cho vách khô cũng tưới nước vừa phải bảo dưỡng giống như bê tông xi măng vậy. Khi hoàn thành sử dụng, bức tường kín gió, ngăn nắng che mưa rất tốt. Ba má gọi đó là "dách đất" (vách đất).

Má kể, tôi sinh ra tại thời đỉnh điểm của nạn đói trước thời kỳ đổi mới. Sữa má thiếu, tôi phải uống nước nấu cơm. Mang bầu tôi, má vẫn đi làm ngoài đồng, rẫy cho đến tận ngày tôi "lọt ra ngoài" mới dám nghỉ để "nằm ổ". Hơn một tháng tuổi là má đã "bỏ" tôi cho anh hai trông giữ rồi tiếp tục ra ngoài đồng, xuống dưới ruộng. Thế nhưng… vẫn đói.

Ba nói, ba đi làm "đầu tắt mặt tối" từ lúc bình minh cho đến chiều hoàng hôn, mỗi năm chỉ có thể nghỉ 3 ngày tết cổ truyền và một vài ngày giỗ ông bà. Thế mà… vẫn đói.

Còn nhớ, mỗi lần về quê ông bà tổ tiên ở Bến Cát, cách Đồng Phú nơi gia đình tôi sống khoảng 60 km, là một lần gian nan bởi đường đất, mưa thì sình lên tới mắt cá chân, ổ gà ổ voi, nắng thì bụi bay tô đỏ 2 hàng cây bên đường như màu gạch tôm. Ấy vậy mà lần nào đi ba má cũng lần lượt cho tôi và anh chị trong nhà đi theo để còn mến tay, mến chân với ông bà cô bác ở quê hương.

Xóm ba má ở cũng là chỗ nhiều cô chú bác từ miệt xuôi (vùng Bình Dương ngày nay) lên chọn làm chốn mưu sinh. Từ xóm trong ra xóm ngoài dài gần 2 cây số có khoảng hơn chục ngôi nhà, có gia đình ở nhờ nhà của gia đình khác vì chưa có điều kiện xây cất.

Năm tôi học lớp 4, muốn mua một chiếc xe đạp để đi học, ba thì cho mua, tuy má đang có một ít tiền đủ mua nhưng đây là tiền dành dụm phòng hờ khi trái gió trở trời nên má phải cân nhắc và quyết định không mua. Nó nghĩ "chắc là do má không thương mình, má keo quá à, má dễ ghét!". Mà không "má là người biết lo trước, tính sau; má sợ chồng con không đủ ăn; má sợ con còn nhỏ đi xe nguy hiểm".

Bác Năm, nhà xóm ngoài là người cũng từ Bình Dương lên lập nghiệp, biết chuyện nên mang một ít tiền qua nói với má: "Thím mày lấy ít tiền, thêm vào ít nữa mua xe cho nó. Khi nào có rồi đưa lại". "Dạ! Để em bàn lại với ba tụi nhỏ rồi em báo lại chị", má đáp lời. Hai hôm sau, má mua xe cho tôi bằng tiền má dành dụm chứ chưa nhận giúp đỡ từ bác Năm.

Thời ấy, nhà nào trong xóm đổ bánh xèo, bánh bèo hoặc một món ngon nào đó là làm thật nhiều để biếu mỗi nhà một ít ăn gọi là lấy thảo. Giỗ, Tết dù đơn sơ hay mâm cao cổ đầy thì hàng xóm vẫn mời nhau tụ họp. Nhà ai có tiệc cưới hỏi là cả xóm lại từ ngày hôm trước để phụ giúp nấu nướng, lau dọn. Đó là sự đoàn kết, thể hiện tình làng nghĩa xóm. Trong lao động cũng vậy, vào mùa cấy, gặt, hàng xóm vần công cho nhau làm hết việc từ nhà này sang nhà khác.

Giờ đây, cuộc sống đã đủ đầy hơn, vùng đất Sông Bé gian lao ngày nào đã được đền đáp bằng sự thành công của công cuộc phát triển.

Và những người con nơi đây luôn nhớ, biết ơn người và đất Sông Bé thân thương.

Cảm ơn quê hương đã nuôi tôi thành người!

Nhớ Sông Bé thân thương- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.