Nhờ sống ở quê mà có được những công trình nghiên cứu khoa học ấn tượng

02/03/2023 18:02 GMT+7

Đó là chia sẻ ấn tượng của chị Lê Thị Phương, nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, khi nhắc đến những cơ duyên đưa chị đến với con đường nghiên cứu khoa học và hành trình để đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ.

Chị Lê Thị Phương là 1 trong 20 ứng viên Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2022 và trong chương trình giao lưu trực tuyến ứng viên Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2022 vào sáng 2.3, chị đã có những chia sẻ ấn tượng về con đường nghiên cứu khoa học của mình.

Chị Phương đã sở hữu 2 bằng sáng chế quốc tế đăng ký tại Mỹ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn; 3 bằng sáng chế đăng ký tại Hàn Quốc; 28 bài báo đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 21 bài báo thuộc danh mục Q1 (9 bài tác giả chính)… Chị cũng xuất sắc nhận được Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2022 của T.Ư Đoàn.

Nhờ sống ở quê mà có được những công trình nghiên cứu khoa học ấn tượng - Ảnh 1.

Chị Phương cho biết nhờ sinh ra và lớn lên ở quê đã đưa chị Phương đến với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và có được những thành quả đáng ngưỡng mộ như hôm nay

NVCC

Kể về cơ duyên đưa chị đến với con đường nghiên cứu khoa học, chị Phương cho biết nhờ khi còn nhỏ sinh sống ở quê nên cơ hội được vui chơi và tìm hiểu với thế giới thiên nhiên thì rất nhiều.

"Tại vì được sinh ra ở miền quê, xung quanh đều là cỏ cây thiên nhiên chứ không có nhiều nhà cao tầng như thành phố, những đứa trẻ, trong đó có mình, được vui chơi thoải mái ở bên ngoài, tiếp xúc được nhiều với thiên nhiên cũng như dễ dàng quan sát các hiện tượng biến đổi vật lý hay hóa học, từ đó khơi gợi khả năng tìm tòi, say mê trong khoa học từ khi còn là những đứa trẻ", chị Phương lý giải.

Và ngay từ lúc đó, từ những ngày còn thơ bé khi được sống với thiên nhiên, niềm say mê về khoa học của chị Phương đã được khơi gợi. Hàng ngàn những câu hỏi cứ thôi thúc chị Phương phải tìm hiểu, như: tại sao những cơn mưa lớn thường đem đến sấm chớp, tại sao nước biển lại khác nước sông, lại có vị mặn, khi uống nước biển lại khát hơn khi chưa uống, tại sao cũng là mưa nhưng lại có đá rơi vỡ đầu, tại sao cầu vồng thường xuất hiện sau cơn mưa?...

Nhờ sống ở quê mà có được những công trình nghiên cứu khoa học ấn tượng - Ảnh 2.

Chị Phương đã có nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học

NVCC

Sau đó, khi lên THCS và THPT thì chị Phương thấy rõ được khả năng học các môn tự nhiên như hóa, lý, sinh của mình được bộc lộ rõ hơn. Và cột mốc quan trọng nhất là thi đậu vào khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã đặt nền tảng cơ bản cho những nghiên cứu sau này của chị Phương.

"Và cơ quan đầu tiên mình làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường là Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, đây là một trong những cơ quan tiên phong về nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Sau 2 năm làm việc, với những cố gắng của bản thân kèm với sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô trong Viện thì mình đã tích lũy thêm được vốn kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu. Sau đó thì mình được may mắn đi du học tại Hàn Quốc, nơi có nền khoa học công nghệ phát triển, cơ sở vật chất khá tốt nên mình đã có được những thành quả như ngày hôm nay", chị Phương kể.

Nhờ sống ở quê mà có được những công trình nghiên cứu khoa học ấn tượng - Ảnh 3.

Chị Phương có niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học và mong muốn truyền tải niềm đam mê này đến với nhiều người trẻ hiện nay

NVCC

Điều đặc biệt là những nghiên cứu của chị Phương đa phần đều hướng đến việc góp phần cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh gây tử vong cao hiện nay trên thế giới.

"Như chúng ta đã biết, ung thư là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm, khi mắc phải bệnh ngoài đau đớn về thể chất thì còn áp lực vì gánh nặng kinh phí để điều trị. Hiện nay, đa phần người bệnh chọn hóa trị để điều trị, tuy nhiên tất cả các loại thuốc điều trị ung thư thì đều có tính gây độc cho tế bào. Nên ngoài việc tiêu diệt tế bào ung thư thì cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ cho các tế bào lành xung quanh. Bên cạnh đó, đa số các thuốc ung thư đều kỵ nước nên khi đưa vào cơ thể sẽ bị giảm hoạt tính khá nhiều", chị Phương chia sẻ và cho biết chính vì thế, những nghiên cứu của chị Phương sẽ tập trung vào việc khắc phục những nhược điểm này, bằng cách phát triển các hệ dẫn truyền thuốc thông minh.

Là một phụ nữ, để theo đuổi được con đường nghiên cứu khoa học, chị Phương cũng phải hi sinh rất nhiều. Chị tâm sự: "Bất cứ ai theo đuổi nghiên cứu khoa học cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ, như thời gian, công sức, sức khỏe và cả tuổi thanh xuân. Là phụ nữ nên mình cũng sống rất tình cảm, vì thế mà cũng buồn khi phải rời xa gia đình gần 10 năm để sống tại Hàn Quốc phục vụ cho những nghiên cứu của mình".

Chính vì thế, chị Phương cho rằng để theo đuổi được con đường nghiên cứu khoa học phải cần có sự quyết tâm, sự kiên trì và kiên định với con đường mình đã chọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.