Thời xưa nhà tôi nghèo lắm, “điện đóm” như một món hàng xa xỉ không phải lúc nào cũng có sử dụng nên giờ bản thân tôi luôn ý thức tiết kiệm điện. Những năm 90, cuộc sống phải dè sẻn để nuôi sáu miệng ăn, thành ra mãi sau này mới dám dùng điện sạc bình cho một cái bóng đèn tròn sợi đốt ở giữa nhà.
Khi trời tối có ánh điện để mấy anh em học bài, kết thúc giờ học là tắt điện đi ngủ. Ngày đó điện bình rất quý, mỗi lần chạy đi sạc cũng đạp xe cả hàng chục cây số, nên mọi người đừng cằn nhằn khi ba mẹ giờ hay bắt buộc phải tiết kiệm điện.
Từ đó chúng tôi thích nhất những đêm có trăng sáng, vì ánh trăng chính là ánh điện tự nhiên đầy thân thiện và quen thuộc với đời sống nông thôn. Thiên nhiên ở thời kỳ nào, cũng là thế giới quan đầy sinh động cho tâm hồn con trẻ. Tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X nông thôn là những buổi trưa hè rủ nhau đi chơi, bắt chuồn chuồn cắn rốn, bắt bọ xít kéo xe, bắt ve bỏ ống hay ném những mảnh sành vỡ trên mặt sông, ao, hồ...
Trẻ em ngày đó say mê với những buổi chiều đá bóng trên những thửa ruộng lấm lem bùn đất, chơi trò đánh trận giả, trốn tìm, bịt mắt bắt dê, đánh khăng, đánh quay, bắn nỏ, cướp cờ, nhảy ngựa, ô ăn quan, bắn bi, ném lon, nhảy dây, rồng rắn lên mây, thả diều… Trẻ em thời nào cũng hào hứng với những trò chơi truyền thống, gần gũi với thiên nhiên mỗi dịp vui chơi tại công viên.
Rồi sau này khá hơn một chút không sài bình sạc nữa vì nhà tôi lấy điện từ một con suối gần nhà qua tuabin phát điện chạy bằng nước. Phải nói đây là một công cụ tuyệt vời và có tính cách mạng thời điểm đó. Với chiếc máy tuabin chạy nước cả nhà có điện để thắp sáng, từ đó mới mạnh dạn đầu tư thêm một cái đài radio và chiếc tivi trắng đen, đời sống được nâng cấp lên hẳn.
Nhắc lại một chút để thấy cuộc sống ngày nay hiện đại, chúng ta được thụ hưởng rất nhiều tiến bộ khoa học nên điện năng tiêu thụ ngày càng lớn, sức ép lên hạ tầng ngày càng lớn. Để tiết kiệm điện thì mỗi người, mỗi nhà, mỗi xã hội có những phương thức, cách thức khác nhau.
Ghi nhớ chuyện tiết kiệm điện thành phản xạ có tính bản năng
Nhà tôi luôn tiết kiệm điện theo cách đơn giản nhất như câu khẩu hiệu “Sử dụng điện theo nguyên tắc bốn đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”.
Đặc biệt sử dụng nhiều nhất phải khẳng định là hệ thống... máy lạnh nên chìa khoá giảm hoá đơn tiền điện cao hay thấp , chính là từ việc sử dụng máy lạnh hợp lý. Tôi cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà.
Mùa mưa thời tiết mát mẻ thì tôi dùng quạt thay cho máy lạnh, tốt nhất là có hẹn giờ vì giấc sau nửa đêm đến sáng trời khá là mát mẻ, dùng quạt được.
Đặc biệt, nhà tôi tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để không chỉ tiết kiệm điện. Nội ngoại thất là vật liệu, thiết bị tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường và hướng mọi người gần gũi với thiên nhiên nhất có thể.
Mỗi năm chúng ta đều có giờ trái đất, mặc dù đây là hoạt động có tính "biểu trưng" là chính, nhưng tôi luôn mong mọi người trong nhà tham gia “tắt công tắc 1 giờ”. Vì đó là cách chúng ta giảng dạy nhau, là bài học thực tế nhất cho các lớp trẻ noi gương, ghi nhớ chuyện tiết kiệm điện thành phản xạ có tính bản năng.
Song song đó, tôi tải ứng dụng “EVNHCMC CSKH” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS), và CH Play (đối với hệ điều hành Android) về điện thoại để trực tiếp theo dõi, tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày, để biết rõ lượng điện tiêu thụ của gia đình mình và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện.
Tôi rất thích câu nói “Người dùng nhiều điện chưa chắc đã giàu, dùng ít điện không hẳn là nghèo” của PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp song họ có thu nhập cao.
Năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp xanh hóa nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia. Mở rộng hàm ý câu nói của PGS-TS Đinh Trọng Thịnh có nghĩa là: Dù chúng ta ở đâu, dù chúng ta làm gì, dù mỗi người – mỗi nhà có nhu cầu như thế nào, thì điện năng là thứ hàng hoá đặc biệt cần tất cả mọi người chung tay tiết kiệm, hài hòa lợi ích theo hướng bền vững của tương lai.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)