Quê tôi có truyền thống hát chèo từ lâu đời. Ông tôi bảo, ở quê mình từ trẻ con đến người lớn ai cũng biết hát chèo. Có người hát hay, có người hát không hay nhưng ai cũng thuộc ít nhất vài bài, vài làn điệu. Có lẽ tiếng hát được ngấm vào máu của những ông bố bà mẹ và cứ thế truyền cho con cái từ đời này sang đời khác. Ông tôi kể lại rằng, nhờ những đêm cùng nhau đi hát chèo ở đình làng mà bao chàng trai cô gái đã nên duyên vợ chồng. Ông bà tôi cũng bén duyên bên chiếu chèo đình làng năm ấy.
Lũ thanh niên chúng tôi sinh ra trên mảnh đất truyền thống đó nên ngay từ khi còn nhỏ chúng tôi đã thuộc rất nhiều bài chèo cổ. Nhỏ thì theo bố mẹ anh chị lon ton ra đình làng vừa chơi vừa nghe hát. Lớn lên, vào những đêm trăng sáng, chúng tôi hồ hởi chọn những bộ quần áo đẹp nhất, háo hức rủ nhau ra sân đình. Dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của đêm trăng, tiếng hát chèo mượt mà, tha thiết lại vang lên xua tan cái đói nghèo cố hữu ở vùng quê chiêm trũng. Tiếng hát đối giao duyên ngọt ngào thấm đẫm vào trái tim mỗi đứa con quê. Tôi vẫn nhớ, ngày đó, chúng tôi hay chia phe hát đối. Tiếng hát, tiếng cười làm trái tim con người gần nhau hơn… Tôi đã lớn lên bên cạnh những làn điệu chèo giản dị, mộc mạc như thế.
Bây giờ đã cuối thu. Mùa thu quê nhà thường mang theo làn sương mỏng manh. Chợt thèm chút hơi sương, chỉ một chút thôi cũng đủ ấm lòng những đứa con xa quê. Đêm tĩnh lặng, đâu đó tiếng hát chèo lại vang lên, nó không còn lạc lõng, bơ vơ nữa mà ngọt ngào, da diết như mời gọi, níu kéo bước chân những kẻ đi xa.
Lương Thị Nguyệt
>> 60 năm Nhà hát chèo Hà Nội
>> Hát chèo qua sóng bộ đàm giữa biển
>> Hội hát chèo Tàu làng Thượng Hội
>> Nhà hát Chèo Hà Nội dựng lại vở Nàng Sita
Bình luận (0)