Chuyến phà ân tình trên dòng cái lớn
Người ta hay bảo qua sông thì phải lụy đò. Dẫu biết là phải lụy, là phải mất thời gian nhưng dần dần người ta đã “phải lòng” những chuyến phà, chuyến đò ngang. Với những người dân quê tôi, đặc biệt là những người tha hương thì hình ảnh chuyến phà ngang trên dòng sông Cái Lớn lại là nơi chở vô vàn ký ức giữa đôi dòng thương nhớ.
Huyện Gò Quao |
tgcc |
Từ thị trấn Gò Quao để về đến xã quê tôi thì phải qua chuyến phà ngang. Chuyến phà ấy người ta còn gọi tên quen thuộc là phà đầu lộ hay phà Vĩnh Thắng. Trong cuộc đời của mình, tôi không nhớ đã bao lần qua lại trên chuyến phà này. Chỉ biết rằng, mỗi lần qua lại thì trong ký ức tôi lại một lần khắc ghi kỷ niệm.
Với những người dân đi xa, mỗi bận có dịp trở về và qua lại trên chuyến phà thì họ đều chụp lại hình ảnh như để lưu giữ một khoảng ký ức về quê hương. Họ cũng ít khi than phiền về sự bất tiện khi qua phà, dẫu trong lòng đôi khi cũng mong muốn có chiếc cầu bắt ngang dòng Cái Lớn. Cũng có lần tôi buông lời trách vì lỡ một chuyến phà ngang giữa trời chiều. Thế rồi, suy nghĩ lại thấy mình trách thật vô cớ, bởi phà vẫn hoạt động xuyên suốt. Chuyến này đi không được thì chờ chuyến khác vậy.
Vào những dịp lễ, tết, chuyến phà quê mang thêm sứ mệnh chở ân tình của những người xa xứ về với quê hương. Đong đầy xúc cảm mỗi khi về đến bến phà là thấy như được về đến nhà.
Với những người tha hương như tôi, mỗi khi nghĩ đến quê, nhớ đến quê thì còn nhớ đến hình ảnh chuyến phà ngang trên dòng sông Cái Lớn. Chuyến phà chở những yêu thương về với bến bờ của đôi dòng thương nhớ.
Rộn ràng lễ hội Oóc Om Bok
Những ngày sống và làm việc xa quê, mỗi khi tháng 10 âm lịch đến, bè bạn, người thân ở quê hay hỏi câu: tới đua có về không? Đua ở đây là đua ghe Ngo. Lễ hội Oóc Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer quê tôi diễn ra trong 3 ngày là ngày 14, 15 và 16 tháng 10 âm lịch. Gò Quao quê tôi là một trong những huyện của tỉnh Kiên Giang có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Lễ hội đua ghe Ngo |
tgcc |
Mỗi khi vào tháng 10 âm lịch là thị trấn Gò Quao bắt đầu nhộn nhịp, những người bán hàng từ những nơi xa cũng tụ về đây để buôn bán vào dịp lễ Oóc Om Bok. Còn người dân ở các xã trong huyện, trong tỉnh cũng nôn nao chờ ngày coi đua ghe ngo. Nói là lễ hội của người dân tộc Khmer, nhưng những dân tộc khác sinh sống ở quê tôi cũng trông đợi đến dịp lễ này. Một khúc sông Cái Lớn chảy ngang thị trấn Gò Quao trở thành đường đua cho giải đua ghe ngo truyền thống của tỉnh nhà. Những tiếng hò reo, cổ vũ đã làm cho khúc sông quê như bừng lên niềm vui, sức sống của vùng sông nước.
Nhà tôi cách thị trấn hơn 10 cây số. Trong ký ức tôi mãi nhớ về chuyến đi coi đua ghe ngo cùng các bạn vào năm học lớp 10 của mình. Thời đó, bạn bè cùng lớp rủ nhau đạp xe một khoảng đường dài để ra thị trấn chơi. Dẫu đường có xa nhưng chúng tôi vẫn đều náo nức đi. Bây giờ, đường đi thuận tiện, xe máy cũng có nhưng để có được những đứa bạn đi chơi đua cùng thì thật là khó. Tháng 10 âm lịch cũng gần đến, lòng tôi lại ngập tràn nỗi nhớ về ký ức của ngày xưa.
Nhớ ngày cúng đình quê tôi
Nếu chuyến phà ngang chở nặng ân tình thì mái đình quê lại là nơi lưu giữ những ký ức không thể nào quên. Ở xã Vĩnh Tuy quê tôi có ngôi đình là đình thần được xây dựng khá lâu. Ngôi đình này thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Thật ra, bao người dân thập phương thường biết đến đình thần Nguyễn Trung Trực tọa lạc tại thành phố Rạch Giá. Hằng năm, cứ vào ngày 26, 27 và 28 tháng 8 âm lịch, người dân khắp nơi hội tụ về đình Nguyễn Trung Trực để thành kính dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân đối với vị anh hùng dân tộc. Riêng quê tôi, vào ngày rằm tháng Giêng lễ cúng đình được diễn ra. Người dân quê tôi năm nào cũng đến đình dâng hương.
Từ nhà tôi đến đình khoảng 3 km. Khoảng 20 năm trước, con đường từ nhà đến đình chỉ là con đường đất, rồi dần được thay thế bằng bê tông với bề ngang khiêm tốn. Ngày xưa, xe cộ ít lắm, phương tiện được dùng nhiều nhất ở quê tôi vẫn là ghe, xuồng, nhà nào có điều kiện khá thì có vỏ máy.
Đến ngày lễ cúng đình, vào buổi chiều là xóm tôi rộn ràng hẳn. Láng giềng rủ nhau đi cúng đình. Hồi đó, đi bộ vậy mà không ai ngán với quãng đường xa như vậy. Nói là đi cúng đình chứ tụ họp quanh sân đình và cả bên ngoài còn có nhiều thứ khác, đặc biệt lô tô hay gánh hát là không thể thiếu. Khi coi xong nghi thức cúng đình, thắp nhang xong thì mọi người bắt đầu đổ ra bên ngoài để coi lô tô.
Đình Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá |
TGCC |
Hồi còn nhỏ sống ở quê, năm nào tôi cũng đi cúng đình cùng với mấy đứa bạn học gần nhà, vì khoảng đường đi bộ xa nên đến khi vãn người và về nhà thì trời cũng đã khuya. Nhớ ngày đó, dưới ánh trăng sáng của ngày rằm tháng giêng, con đường đất quê mình bỗng đều đều những bước chân đi cùng với tiếng nói, tiếng cười của bao người. Đêm cúng đình diễn ra vậy thôi nhưng cũng đủ để người dân quê thấy an yên và vui trong lòng.
Đến bây giờ, ngày cúng đình quê tôi vẫn diễn ra theo đúng lệ hằng năm. Chỉ tiếc rằng, vì cuộc sống mưu sinh nên những người dân quê cũng chọn cho mình lối rẽ rời quê. Lễ, tết họ vẫn về thăm quê, thăm nhà nhưng không thể ở lại cho đến đêm cúng đình. Với những người đi làm thì khoảng mùng 6 tết là đã vào làm, trong khi đến rằm cúng đình mới diễn ra.
Như một thói quen, mỗi khi về quê nghỉ tết, bè bạn gặp nhau lại hay hỏi: mày nghỉ tết khi nào mới đi? Có ở lại cúng đình không? Đôi khi có đứa trả lời: ở qua cúng đình mới đi. Vậy là những niềm ký ức xưa được khơi lại, bởi hiện tại là sự nuối tiếc khi một ai đó không thể ở lại quê lâu hơn.
Thời gian cứ trôi qua, mọi thứ rồi cứ đổi thay theo sự phát triển, cảnh vật quê hương cũng dần khởi sắc lên. Những con đường đất giờ được bê tông hóa, xe ô tô đến tận nhà. Những ngôi nhà lá ở quê giờ cũng dần được thay thế bằng ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang. Huyện Gò Quao của mình giờ cũng là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mừng cho quê mình giờ đã phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Dẫu biết rằng vẫn còn đó những phận người tha hương vì bận rộn giữa dòng mưu sinh. Quê hương vẫn mãi là nơi dang rộng vòng tay chào đón người xa quê trở về, là điểm tựa vững chắc trong lòng của những ai được sinh ra và lớn lên trên quê hương có dòng sông Cái Lớn chảy ngang qua. Và hình ảnh chuyến phà ngang trên dòng sông ấy hay mái đình quê hương vẫn giữ vẹn nguyên trong ký ức của bao người dân quê.
Bình luận (0)