Nghề hầm than ở ấp 5, xã Tân Hiệp, H.Long Thành (Đồng Nai) từ lâu đã trở thành một nghề truyền thống, giúp bao phận đời cơ cực nối nghiệp mưu sinh.
Cơ cực mưu sinh ở xóm hầm than
|
Xóm hầm than cách QL51 chừng 2 km, từ đầu đường dẫn vào xóm đã ngửi thấy mùi nồng khét của hơi than.
Ông Nguyễn Chu Phong (49 tuổi, chủ một lò hầm than), cho hay từ khi lớn lên đã thấy bố mẹ làm nghề hầm than nên thế hệ ông cứ thế tiếp nối nghề cho tới nay.
Ở xã Tân Hiệp thời bấy giờ rừng còn bạt ngàn cây gỗ, cung cấp nguyên liệu dồi dào nên nghề hầm than phát triển mạnh. Dần dần rừng bị tàn phá, hết gỗ khiến cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều người đã phải bỏ xứ đi tìm nghề khác mưu sinh.
Sau hơn 10 năm vật lộn với nghề đạp xích lô ở Sài Gòn mà đời sống không khá lên được, ông Phong lại quay về quê tiếp nối nghề hầm than của gia đình.
Giữ lửa lò than
Theo ông Phong, ở xứ này hầu như nhà nào cũng làm nghề hầm than. Nhà có điều kiện thì tự mở lò, còn không thì đi làm thuê.
“Nguyên liệu để hầm than ở đây chủ yếu là các loại củi tạp như cây chôm chôm, xà cừ, điều, bạch đàn, ... Lò than có thể chứa từ 20 - 50 tấn củi tươi. Lò 50 tấn củi tươi thì cho ra được 8 tấn than, mỗi ký than thành phẩm bán với giá 6.000 đồng/kg. Trừ chí phí tiền củi, công cán này nọ thì người hầm than chả lời lãi được bao nhiêu”, ông Phong chia sẻ.
Ấp Tân Hiệp có 185 hộ với khoảng 700 nhân khẩu, trong ấp có khoảng 200 lò hầm than
|
Quê ở Tiền Giang, anh Ngô Kỳ Tèo (36 tuổi), lang bạt tới H.Long Thành mưu sinh và gắn bó với nghề hầm than mấy chục năm nay. Bây giờ, anh đã lấy vợ, sinh con và thành cư dân của ở xóm hầm than này. Hằng ngày anh nhận tất tần tật mọi việc vô củi lò than, chụm lửa cho đến công đoạn lấy than ra để bán. Hết các công đoạn này phải mất từ 1 - 1,5 tháng, đến khi cân đếm và chất than lên xe cho thương lái thì người hầm than mới nhận được những đòng bạc lấm lem màu than.
Anh Tèo cho biết mỗi tháng 4 anh em trong nhóm nhận làm than cho khoảng 10 lò. Giá mỗi lò từ 800.000 - 1, 2 triệu đồng cho tất cả các khâu từ vô củi, chụm lửa, lấy than ra. Làm cật lực nhưng đến cuối tháng chia ra mỗi người cũng chỉ được khoảng 2, 5 triệu đồng.
Ở lò hầm than, công đoạn chụm lửa được coi là khâu quan trọng. Tuy nhiên, việc này thì từ trẻ con, người lớn, già cả ai cũng làm được, miễn là duy trì cho lửa cháy đỏ trong lò cho đến khi than chín. Việc chụm lửa kéo dài từ một tháng đến một tháng rưỡi tùy theo lò chứa số lượng gỗ ít hay nhiều.
Anh Lưu Linh (47 tuổi, chủ một hầm than) cho biết: “Thường thì 2 giờ phải chụm lửa một lần, đến khi than chín mới dừng. Ở quanh lò than có khoảng 4 - 5 cái ống xả khói. Nếu thấy các viên gạch ở ống khói hết nhựa cây, khô đặc lại thì khi đó than đã chín. Hoặc những người làm nghề lâu năm chỉ cần ngửi mùi khói, hơi than là có thể đoán được than đã chín hay chưa để ngưng việc chụm lửa chờ than nguội”.
Than được các thương lái về tận ấp thu mua, rồi mang đi tiêu thụ ở Sài Gòn, TP.Biên Hòa...
Anh Nguyễn Thành Nam, trưởng ấp Tân Hiệp cho hay ấp có 185 hộ với khoảng 700 nhân khẩu. Trong ấp có khoảng 200 lò hầm than, hầu hết người dân ở đây đều kiếm sống bằng nghề hầm than nên đời sống còn chật vật.
“Con đường đất trong ấp còn lầy lội, đi lại khó khăn. Hiện chúng tôi đang tổ chức đổ đá, tiến hành làm đường để bà con đi lại đỡ cực, giúp phát triển kinh tế và tiến lên xây dựng nông thôn mới”, anh Nam chia sẻ.
Bình luận (0)