Nhóm bạn trẻ ngâm mình dọn rác mong hồi sinh những dòng kênh 'chết'

03/03/2023 08:30 GMT+7

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, nhóm tình nguyện Hà Nội Xanh do anh Nguyễn Tiến Huy (28 tuổi) làm đội trưởng lại đi dọn rác dưới những dòng kênh, mương bị ô nhiễm tại thủ đô; mong góp phần sức nhỏ bé cải thiện môi trường.

Hiện thực hóa việc "chẳng ai dám làm"

Công việc của nhóm thường bắt đầu vào khoảng 14 giờ. Sau khi các thành viên có mặt đông đủ, họ được trưởng nhóm phát cho những dụng cụ cơ bản như đồ bảo hộ không thấm nước, găng tay, rổ, cào, gậy… để "chiến đấu" với dòng nước đen kịt, bạt ngàn những bọc rác, vỏ chai nhựa, vỏ hộp giấy đang bốc mùi hôi thối.

Nhóm bạn trẻ ngâm mình dọn rác mong hồi sinh những dòng kênh 'chết' - Ảnh 1.

Nhóm tình nguyện Hà Nội Xanh dọn rác ở một con mương thuộc địa bàn P.Định Công, Q.Hoàng Mai

ĐÌNH HUY

Là người có kinh nghiệm thực tế nhiều nhất, anh Huy luôn lội xuống nước đầu tiên để kiểm tra độ sâu. Sau đó, anh sẽ quyết định để các thành viên đứng ở trên bờ hay ra giữa sông, kênh, mương thu gom rác.

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Huy cho biết, trong gần 2 tháng thành lập, nhóm tình nguyện Hà Nội Xanh đã tổ chức hơn 10 buổi đi vớt rác trên khắp các dòng sông, kênh, mương ở Hà Nội như sông Tô Lịch, kênh La Khê...

"Ban đầu, nhóm chỉ có 3 thành viên nhưng sau quá trình dọn rác, quay clip đưa lên mạng xã hội, nhóm được nhiều bạn trẻ biết đến hơn. Hiện nay, thành viên của nhóm tăng lên gần 70 người, đa số là các bạn sinh viên đang đi học hoặc vừa ra trường, mới đi làm", anh Huy nói.

Do tranh thủ thời gian rảnh của các thành viên nên mỗi buổi làm việc đều diễn ra nhanh chóng, nghiêm túc, nhiệt tình. Dưới những dòng sông, kênh, mương "chết", các thành viên phối hợp nhịp nhàng, người cào rác, người gom rác, người kéo và đưa rác trên bờ.

"Mỗi buổi trong tuần, đông nhất có khoảng 10 - 15 người tham gia; vào buổi cuối tuần có khoảng 20 - 30 người tham gia. Sau khi gom rác trên bờ, chúng tôi sẽ nhờ sự giúp đỡ của các cô, chú thu gom rác hoặc gửi tại các bãi tập kết rác của người dân, chờ đưa đi xử lý", anh Huy nói thêm.

Thực hiện công việc "chẳng ai dám làm", anh Huy và cả đội đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khó khăn. Người đội trưởng 28 tuổi cho hay, trước khi một thành viên tham gia nhóm, anh đều tuyên truyền nội quy, đưa ra tiêu chí về an toàn lao động để họ đồng ý rồi mới cho tham gia.

"Dưới các dòng kênh, mương có rất nhiều kim tiêm, mảnh sành, xác động vật… nên ban đầu các thành viên rất sợ. Trong quá trình làm việc cũng có nhiều người không chịu được nên đã bỏ cuộc giữa chừng", anh Huy tiết lộ.

Ngoài áp lực về tâm lý, khi đến một số địa phương dọn rác, nhóm Hà Nội Xanh còn gặp tình huống không được chính quyền ủng hộ vì không có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nào. "Chúng tôi được đa số người dân, chính quyền địa phương ủng hộ. Tuy nhiên, trong một buổi dọn rác tại một phường thuộc Q.Hoàng Mai (Hà Nội), nhóm bị cán bộ phường ngăn cản vì không có giấy giới thiệu. Họ nói chúng tôi phải có một cơ quan, tổ chức nào giới thiệu thì mới phối hợp cho nhóm tiếp tục làm việc", anh Huy nhớ lại.

Mặc dù sau đó anh Huy và cả nhóm có giải thích, đây là nhóm tình nguyện tự phát, với mục đích làm sạch các dòng sông, kênh, mương ở Hà Nội và tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường nhưng vẫn không được chấp nhận, đành bỏ dở. Điều này khiến anh khá buồn, thất vọng.

"Tôi đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội gần 10 năm. Ngay khu vực tôi ở có đoạn sông Tô Lịch rất hôi thối, nên tôi muốn làm việc gì đó tốt để giúp đỡ cho môi trường, xã hội. Mặc dù gặp một số khó khăn hay nhiều người nói rằng hành động của chúng tôi như "muối bỏ bể" nhưng cả nhóm vẫn sẽ nỗ lực, cố gắng mỗi ngày để làm sạch các dòng sông, kênh, mương ô nhiễm tại thủ đô", anh Huy nhấn mạnh.

Vượt áp lực, góp sức cải thiện môi trường

Trong gần 70 thành viên tham gia nhóm Hà Nội Xanh có khá nhiều bạn nữ, thậm chí có cả sinh viên vừa "chân ướt chân ráo" lên thủ đô nhập học.

Tham gia buổi dọn rác đầu tiên tại một mương nước bẩn ở P.Định Công (Q.Hoàng Mai) cùng nhóm Hà Nội Xanh, sau khi biết đến hoạt động của nhóm trên mạng xã hội TikTok, bạn Phạm Thanh Thúy (sinh viên năm 4, Trường ĐH Mở Hà Nội) chia sẻ trước đây có biết đến nhóm Sài Gòn Xanh nên khi thấy ở Hà Nội có một nhóm như thế đã xin tham gia ngay.

"Lần đầu tiên chẳng có gì là dễ dàng cả, tôi gặp khó khăn khi tiếp xúc với nước bẩn và mùi hôi thối. Trước đây ở quê, tôi có lội xuống bùn nhưng chưa bao giờ thấy kinh khủng như vậy. Tôi đã nghĩ đến cảnh mình sẽ chạy ngay lên bờ, bỏ về nhưng khi nhìn những thành viên nữ khác vẫn làm việc rất hăng say, nhiệt tình, tôi tự động viên bản thân vượt qua", nữ sinh nói.

Bên cạnh cố gắng vượt qua áp lực tâm lý, Thanh Thúy cũng được các thành viên khác quan tâm, chỉ bảo nên cô đã hoàn thành buổi dọn rác đầu tiên. "Đối với môi trường, ai cũng có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ. Khi nhìn thấy những dòng sông, kênh "chết" tôi rất bức xúc, sau này tôi sẽ góp phần sức lực nhỏ bé của mình để cải thiện môi trường", Thanh Thúy khẳng định.

Nhiều người cho rằng, rác sau khi được dọn sạch thì ngày mai vẫn sẽ xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, Thanh Thúy và các thành viên nhóm Hà Nội Xanh "bỏ ngoài tai", tiếp tục thực hiện công việc. Nhóm xác định sẽ tiếp tục đăng những video trong các buổi lao động lên mạng xã hội để tất cả mọi người thấy sự vất cả của những người thu gom rác; qua đó, cùng nêu cao ý thức bảo vệ môi trường để Hà Nội luôn sạch đẹp, văn minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.