"Mình và đồng nghiệp sẽ mặc áo dài đi làm liên tục đến ngày 8.3"
Từ sáng sớm 3.1, gần 100 hội viên phụ nữ (ở Q.10, TP.HCM) xúng xính trong tà áo dài rực rỡ. Mọi người ai cũng nô nức, vui đùa, chụp hình và check-in với những kiểu dáng dịu dàng. Sau đó, họ tham gia diễu hành xe đạp qua các đường phố trên địa bàn Q.10.
Trong niềm hân hoan với tà áo dài màu hồng nhạt của mình, Bùi Lê Hồng Trúc (24 tuổi), Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ P.12, Q.10, TP.HCM, bộc bạch: “Mình quyết định chọn áo dài cách tân cho ngày diễu hành. Vừa thể hiện được nét đẹp truyền thống, cũng như tỏa ra được sự năng động của người phụ nữ trẻ”.
Thong thả đạp xe trên con đường buổi sáng, Trúc kể: “Hồi đó, mình chỉ mặc áo dài vào dịp tết. Nhưng sau khi đương nhiệm thì mình mặc trang phục này nhiều hơn vào các buổi hội nghị, báo cáo tổng kết, từ đó mình càng yêu thích áo dài hơn”.
Trúc cho biết mình và đồng nghiệp nữ sẽ mặc áo dài đi làm liên tục từ ngày 1.3 đến ngày 8.3. “Việc mặc áo dài đi làm không chỉ tuyên truyền nét đẹp truyền thống mà còn thể hiện niềm tự hào dành cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt. Song song đó, tà áo dài còn thể hiện tính cách người phụ nữ Việt Nam kiên cường bất khuất", Trúc chia sẻ thêm.
Chị Ngô Thị Quế Băng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Q.10 (TP.HCM) cho hay ngoài hoạt động mặc áo dài đạp xe diễu hành thì cán bộ, hội viên phụ nữ ở mọi lứa tuổi trên địa bàn sẽ hưởng ứng việc mặc áo dài khi đến công sở, trường học, tham gia các sự kiện và hoạt động phù hợp từ ngày 1.3 đến 8.3 để hưởng ứng "Tuần lễ áo dài" do Đoàn Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.
Tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp của trang phục áo dài Việt Nam
Không riêng gì ở Q.10, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các cô gái khắp nơi cũng hưởng ứng nhiệt tình sự kiện “Tuần lễ áo dài”. Và thật đẹp biết bao, khi họ đã chia sẻ hình ảnh áo dài khắp các trang mạng xã hội.
Cũng hào hứng hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” do cơ quan mình phát động, Nguyễn Thị Ngọc Nga (27 tuổi, viên chức tại Q.11, TP.HCM), không ngần ngại chia sẻ hình ảnh áo dài lên mạng xã hội. Nga cho hay đây là cơ hội để mình lan tỏa hình ảnh áo dài duyên dáng đến tất cả mọi người, nhất là trong Ngày quốc tế Phụ nữ 8.3 này.
“Mình cũng hay diện áo dài cách tân vào các dịp lễ, tết, đi chùa. Tuy nhiên, mặc áo dài trong "Tuần lễ áo dài" dường như có sự tự hào hơn khi góp phần tôn vinh trang phục truyền thống của dân tộc", Nga bộc bạch.
Rồi Nga kể: “Nhớ ngày còn cắp sách đến trường, mình cứ mong thật nhanh lên lớp 10 để được mặc áo dài cho đẹp. Rồi có lần mình cũng cảm thấy sợ khi tà áo dài của mình bị quấn vô bánh xe. May là mình chạy chậm, chứ không mình bị trầy xước hết cơ thể rồi”.
Giống như Nga, Lê Thị Thúy Kiều (30 tuổi, công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) rất yêu thích áo dài. “Từ lúc bé mình thích xem hình ảnh các chị đội nón lá duyên dáng với tà áo dài trên truyền hình, mình mong sau này cũng có thể được mặc như thế. Và khi lớn lên, mình được mặc trang phục ấy thì cảm thấy rất tự hào. Với mình áo dài không chỉ là chiếc áo truyền thống mà còn là kỷ vật gắn với những ký ức đẹp đẽ nhất trong đời của một người phụ nữ Việt”, Kiều bộc bạch.
Trong khi đó, các anh đang công tác tại Công đoàn cơ sở P.10, Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng bất ngờ diện áo dài cách tân vào đầu tháng 3.
"Chúng tôi muốn mọi người thấy rằng nữ mặc áo dài được, thì nam giới cũng vậy. Qua hành động này, chúng tôi muốn thể hiện tình cảm dành cho các chị em phụ nữ, đặc biệt là vào dịp 8.3", anh Thái Quốc Bảo, Chủ tịch Công đoàn cơ sở P.10, Q.Tân Bình chia sẻ về lý do anh và đồng nghiệp của mình mặc áo dài vào sáng nay.
Anh Bảo cho hay mọi người mặc áo dài tại nơi làm việc hoặc khi tham gia các sự kiện, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhằm góp phần tôn vinh vẻ đẹp của trang phục này, tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng về lịch sử của áo dài Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của mọi người dân trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Bình luận (0)