Nhóm đảo quốc nhỏ đòi tòa quốc tế bảo vệ đại dương

11/09/2023 12:47 GMT+7

Chín đảo quốc nhỏ trên thế giới đề nghị Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) xác định liệu khí thải carbon dioxide (CO2) mà các đại dương hấp thụ có thể được coi là ô nhiễm hay không và nếu vậy thì các quốc gia có nghĩa vụ gì để ngăn chặn điều đó.

Theo AFP, ITLOS sẽ bắt đầu nghe Thủ tướng Kausea Natano của Tuvalu và Thủ tướng Gaston Browne của Antigua và Barbuda, đại diện của nhóm 9 đảo quốc nhỏ nói trên, trình bày lập luận và chứng cứ tại trụ sở tòa án ở Hamburg, Đức, từ ngày 11.9.

Tòa án sẽ đưa ra ý kiến tư vấn không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng được xem là tuyên bố có thẩm quyền về các vấn đề pháp lý, có thể trở thành hướng dẫn cho các quốc gia khi họ xây dựng luật bảo vệ khí hậu.

"Chúng tôi đến đây để tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp với niềm tin mạnh mẽ rằng luật pháp quốc tế là một cơ chế thiết yếu để sửa chữa những bất công rõ ràng mà người dân chúng tôi đang phải gánh chịu do biến đổi khí hậu", Thủ tướng Natano cho biết.

ITLOS là tổ chức liên chính phủ được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nhóm 9 quốc gia, tập hợp trong Ủy ban Đảo quốc nhỏ về Biến đổi khí hậu và Luật quốc tế (COSIS), cho rằng UNCLOS ràng buộc các quốc gia trong việc ngăn ngừa ô nhiễm đại dương.

Nhóm đảo quốc nhỏ đòi tòa quốc tế bảo vệ đại dương - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Simon Kofe của Tuvalu từng đứng giữa biển để ghi hình bài phát biểu cho hội nghị khí hậu COP26 năm 2021, nhấn mạnh những nguy cơ mà nước này đối mặt vì biến đổi khí hậu

REUTERS

Các hệ sinh thái đại dương tạo ra một nửa lượng oxy mà con người hít thở và hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách hấp thụ phần lớn lượng CO2 thải ra từ các hoạt động của con người. Song lượng CO2 ngày càng tăng có thể làm ấm và axit hóa nước biển, gây hại cho sinh vật biển.

UNCLOS định nghĩa hành động gây ô nhiễm là việc con người đưa "các chất hoặc năng lượng vào môi trường biển" dẫn đến những tổn thương đối với sinh vật biển. Dù vậy, công ước không xác định cụ thể khí thải carbon là chất gây ô nhiễm đại dương và COSIS cho rằng CO2 đáp ứng các điều kiện để được xác định như vậy.

Khủng hoảng khí hậu đang diễn ra toàn cầu?

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vạch ra nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ khí hậu trái đất và những hậu quả pháp lý mà họ phải đối mặt nếu không làm như vậy.

Động thái tại Liên Hiệp Quốc được dẫn dắt bởi Vanuatu, nước cũng nằm trong nhóm 9 đảo quốc trong vụ ở ITLOS. Các quốc đảo như Tuvalu và Vanuatu có nguy cơ bị đại dương nhấn chìm vào cuối thế kỷ này do nước biển dâng vì tình trạng nóng lên toàn cầu.

Các nguyên đơn khác trong vụ ITLOS bao gồm Bahamas, Niue, Palau, St Kitts và Nevis, St Lucia cũng như St Vincent và Grenadines. 34 quốc gia thành viên khác của ITLOS cũng sẽ tham gia phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 25.9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.