Bánh tằm, một đặc sản nổi tiếng của P.Thới Long (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) vừa ra mắt với diện mạo mới khi một nhóm nữ sinh nghiên cứu thành công phiên bản tách nước sấy khô. Đây là ý tưởng của nhóm học sinh Trường THCS Thới Long, gồm Bùi Nguyễn Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Phi, Phan Thị Uyển Nhi, Trần Hoàng Thùy Trang và Nguyễn Thị Thảo Ly. Sản phẩm bánh tằm sấy khô đoạt giải ba cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023 (SV STARTUP lần V) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và trao giải vào cuối tháng 3.2023.
Theo nhóm nghiên cứu, không chỉ là một sản phẩm để mưu sinh, bánh tằm tép từ lâu đã trở thành một thương hiệu, niềm tự hào của người dân Thới Long. Mặc dù được nhiều người yêu thích song hạn chế của loại bánh quê này là chỉ sử dụng được trong ngày.
Quy trình sấy khô bánh tằm Thới Long gồm ba công đoạn chính: sấy tách nước, hút chân không, đóng gói. Một mẻ bánh được thực hiện trong khoảng 2 giờ song nhóm đã phải mất hơn 1 năm miệt mài thử nghiệm mới có thể tìm ra bí quyết.
Theo đó, bánh tằm sấy khô Thới Long có đặc điểm sợi mảnh nhỏ, làm hoàn toàn bằng gạo nên khó xử lý. Nếu sấy thấp hơn thông số chuẩn thì bánh không khô, xuất hiện nấm mốc trong quá trình bảo quản. Trong khi đó, nếu sấy quá tay, bánh sẽ cứng, ngả màu kém chất lượng.
50 gram bánh tằm tươi sau khi ra lò cho được khoảng 30 gram bánh tằm khô. Sau khi sấy, sản phẩm mang đi hút chân không, không sử dụng thêm chất bảo quản, thời hạn sử dụng lên đến 7 ngày. Khi thưởng thức, khách hàng chỉ cần luộc bánh với nước sôi khoảng 3 phút, bánh khô sẽ trả về trạng thái tươi khoảng 80-90%. Sắp tới, nhóm nữ sinh sẽ tiếp tục nghiên cứu cách bảo quản những món ăn kèm với bánh tằm Thới Long, đặc biệt là phần tép ngào để sản phẩm hoàn thiện hơn.
Hiện, mỗi túi bánh tằm sấy khô 100 gram được nhóm bán ra thị trường với giá 8.000 đồng, có thể chia làm 2 phần ăn. Một phần thu nhập từ việc bán bánh được nhóm nữ sinh gây quỹ hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận (0)