Nhóm sinh viên đề xuất giải pháp cho hoạt động cứu trợ dưới góc nhìn logistics

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/12/2020 14:20 GMT+7

Vượt qua gần 500 đội thi đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ Logistics nhờ các giải pháp cho hoạt động cứu trợ.

"Hoạt động cứu trợ chưa thực sự hiệu quả"

Được biết, cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam lần thứ 3 (do Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức dưới sự hỗ trợ của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương) có sự tham gia của 495 đội thi đến từ 48 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Đội VTLOGS20 của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã giành giải nhất với đề tài Smart logistics hướng tới sự bền vững của hoạt động cứu trợ. 4 thành viên chính thức của đội gồm: Nguyễn Ngọc Diễm, Nguyễn Trương Minh Khôi, Nguyễn Thuý Hiền và Nguyễn Xuân Mai Trâm.

4 thành viên của nhóm trong thời gian bảo vệ đề tài

BTC

Chia sẻ về lý do chọn đề tài khó này, Nguyễn Ngọc Diễm cho biết: "Dựa trên những thông tin và con số khảo sát thực tế từ các đoàn cứu trợ tại miền Trung đợt bão lũ vừa qua, cũng như là các tổ chức, đoàn thể có liên quan, và qua khảo sát thực tế, tụi em thấy hoạt động cứu trợ hiện thiếu tầm nhìn xuyên suốt chuỗi cung ứng nhân đạo, chưa thể tiếp cận thông tin chính xác và thực tế, chưa thể theo dõi kết quả của hoạt động cứu trợ do thiếu sự minh bạch. Quan trọng hơn, việc cứu trợ chưa thực sự an toàn và hiệu quả, thiếu sự kết nối đồng bộ và thiếu tính bền vững. Và trong bất cứ hoạt động cứu trợ nào cũng không thể thiếu vai trò của logistics (vận chuyển, phân phối hàng hóa...), nhưng vai trò này hiện rất mờ nhạt dẫn đến chi phí cao".
Từ những vấn đề trên, nhóm đề xuất các giải pháp cho hoạt động cứu trợ hiện nay. Đó là cần thiết phải xây dựng các trung tâm gom hàng cứu trợ. "Trung tâm này đóng vai trò là nơi tổng hợp, kiểm tra, phân loại, bảo quản hàng cứu trợ từ các cá nhân, tổ chức quyên góp được tích hợp trong kho hàng của các doanh nghiệp kho vận, logistics chuyên nghiệp hoặc các tổ chức chính phủ. Đồng thời huy động được nguồn lực cứu trợ lớn, phân phối hàng hóa tới từng địa phương đúng nhu cầu, đúng tình hình thực tiễn và hạn chế hư hỏng, thất thoát hàng cứu trợ, giảm chi phí logistics", Minh Khôi chia sẻ.
Tuy nhiên, nhóm muốn tập trung phát triển vào giải pháp xây dựng ứng dụng Smart logistics kết nối với các tính năng đặc biệt hoạt động trên nền tảng Big Data, nhằm kết nối các đoàn cứu trợ, chính quyền địa phương và người cần cứu trợ một cách hiệu quả nhờ sự trợ giúp bởi công nghệ AI, thiết lập tuyến đường gom hàng và giao hàng chặng cuối tối ưu... "Ứng dụng hiện được xây dựng ở phiên bản tiền alpha hoạt động trên hệ điều hành Android với các giao diện dành cho nhà tài trợ ủng hộ hiện vật và nhà tài trợ khác. Chẳng hạn giao diện cập nhật thông tin hàng hóa, vận chuyển, tình trạng hàng hóa, giao diện feedback giúp theo dõi, cập nhật và minh bạch hóa hoạt động cứu trợ nhân đạo, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá và lan tỏa các giá trị nhân đạo và giao diện dành cho người cần cứu trợ", Mai Trâm nói thêm.

"Kinh tế chia sẻ - kết nối cộng đồng - lan tỏa yêu thương"

Theo Nguyễn Thúy Hiền, giải nhất này chính là thành quả từ việc tiếp thu và áp dụng các kiến thức nền tảng cũng như các kỹ năng từ chính giảng đường ĐH. "Theo em, đề tài của đội nhận được sự phản hồi tích cực từ ban giám khảo vì nhóm hướng đến một lĩnh vực mới mà logistics có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội, đó là cứu trợ nhân đạo. Ngoài ra, đội chúng em hướng đến một giải pháp liên ngành, phù hợp với xu thế thời đại mới nên đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bạn sinh viên ngành công nghệ thông tin của trường để có thể chuyển tải ý tưởng này thông qua ứng dụng di động, khiến đề tài đến gần gũi hơn với mọi người và góp phần giúp tăng khả năng thực tế hóa. Tụi em mong muốn được tiếp tục dự án này với sự hợp tác của các đơn vị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Trường ĐH GTVT TP.HCM, để có thể xây dựng chuỗi cung ứng cứu trợ bền vững với sự tham gia, kết nối và cập nhật thông tin liên tục của 5 đối tượng chính là chính quyền, các doanh nghiệp Logistics, các đoàn cứu trợ, người quyên góp hàng cứu trợ và người cần được cứu trợ", Thuý Hiền bày tỏ.
Nguyễn Ngọc Diễm còn cho rằng với đề tài đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ Logistics lần này, chúng ta có thể lan tỏa hành động nhân đạo tới nhiều người hơn nhờ ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và đáp đền kết nối. Theo đó, chỉ cần một người cứu giúp 3 người, và 3 người khác tiếp tục giúp đỡ 3 người khác và chỉ với 17 lần như thế, chúng ta có thể cứu 67,3 triệu người dân, và người được cứu trợ hôm nay sẽ trở thành người đi cứu trợ sau này, đúng như thông điệp mà nhóm muốn hướng đến: Kinh tế chia sẻ - kết nối cộng đồng - lan tỏa yêu thương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.