Nhóm sinh viên 'trị' trang tin giả mạo trên Facebook trong 36 giờ

21/11/2016 20:04 GMT+7

Với một ngày rưỡi, một nhóm sinh viên ở Mỹ đã tạo ra phần mềm để phân biệt những trang tin giả mạo, không đáng tin cậy, xuất hiện nhan nhản trên Facebook.

Nhiều trang tin không xuất hiện chính thống trên Facebook khiến người dùng không sao phân biệt được đâu thật, đâu giả.
Nabanita De, một sinh viên đang học chương trình thạc sĩ quốc tế năm thứ hai ở Trường ĐH Massachusetts, tại thị trấn Amherst, Mỹ, đã tham gia một cuộc thi lập trình ở Trường ĐH Princeton vào tuần qua với mong muốn đơn giản là phát triển một dự án công nghệ trong vòng 36 tiếng đồng hồ.
Khi Nabanita De vào Facebook lướt thông tin gần đây, cô cảm thấy e ngại. Rất nhiều bài viết đưa ra những thông tin trái ngược nhau nhưng cô lại không thể biết được thông tin nào đúng, thông tin nào sai.
Theo tờ The Washington Post, De đã đề nghị 3 người bạn nữa tham gia và họ đã cố gắng tạo nên một thuật toán nhằm xác thực các trang tin trên Facebook. Và họ đã có thể làm được điều đó.
De đã cùng với Anant Goel, sinh viên năm nhất Trường ĐH Purdue, và Mark Craft, Quinglin Chen, sinh viên năm hai tại Trường ĐH Illinois, xây dựng phát triển dự án của mình.
Họ đã tạo nên một phần mềm mở rộng liên kết giữa trình duyệt Chrome với trang chủ trên Facebook (hay thường gọi là feed) để xác định tính xác thực của trang tin. Việc xác thực các trang tin dựa vào các yếu tố tài khoản trang tin như: Độ tin cậy của trang nguồn, nội dung kiểm tra chéo với các trang tin khác.
Nếu một trang nào đó cho thấy có vẻ như là giả mạo thì phần mềm này sẽ cung cấp thêm thông tin từ nguồn đáng tin cậy trong cùng chủ đề.
Và nhóm sinh viên này gọi tên phần mềm của mình là FiB.
Mặc dù vừa đi học, vừa lo làm bài tập về nhà, nhóm sinh viên này đã phát triển phần mềm FiB chỉ trong 1,5 ngày. Dự án của nhóm sinh viên này đang được đặt chế độ mã nguồn mở nhằm kêu gọi sự cải tiến, hoàn thiện của các chuyên gia khác.
Nhóm FiB đã được trao giải thưởng “Best Moonshot” bởi Google nhưng cả hai công ty Facebook và Google đều không cho thấy ý định hợp tác với họ. Cả hai công ty này tuần qua cho biết họ sẽ thực hiện từng bước để giải quyết những trang tin giả mạo.
De kể rằng, cô từng đọc một bài báo nói với mọi người rằng họ có thể khoan lỗ cắm tai nghe iPhone7 và mọi người bắt đầu làm theo để rồi làm hư điện thoại của mình.
De nói với The Washington Post rằng: “Chúng tôi biết chúng tôi có thể tìm thông tin trên Google và kiểm tra lại. Nhưng nếu bạn chỉ có 5 phút và bạn chỉ đọc trên Facebook, bạn chẳng thể có đủ thời gian để xác thực thông tin đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.