Nhàn hạ, thư thả, thong dong tản bộ dưới rặng dương, thấy ngọn rau nào vươn cao, xanh mướt thì cúi xuống “nhặt” lên. Đó là cách hái rau thông một cách thong dong của dân Sa Huỳnh, những người sinh sống trên rẻo đất cực nam của tỉnh Quảng Ngãi, nơi mà chỉ cần với tay ra là chạm bàn tay của dân Bình Định anh em.
>> Vấn vương mùa rau nghệ
>> Rau rừng “mừng” hải sản!
Bây giờ người ta hay nói tới rau sạch với tiêu chí là rau trưởng thành một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của các loại thuốc kích thích. Nếu thế thì rau thông là loại rau siêu sạch bởi nó mọc trên thảm lá dương ven bờ biển. Nghĩ cũng hay! Từ những cọng dương màu úa tàn lại nhú lên cơ man những mầm rau thông xanh biếc.
|
Trong tiết trời mùa đông lành lạnh, những bữa cơm nghèo cũng thấy ngon là nhờ cái vị thơm thơm, ngòn ngọt pha chút chua chua, chan chát rất có hậu của rau thông. Gần đến bữa, người già, em bé, các dì, các mẹ thả bộ ra bãi biển cứ như đi hít thở không khí trong lành nhưng kỳ thực họ đi hái rau thông đấy.
Theo những người cao tuổi biết chút ít về thuốc nam thì chữ “thông” trong tên rau nghĩa là thông suốt. Các cụ nói “thông bất thống / thống bất thông” (thông suốt thì không đau, đau là do không thông suốt) nên ăn rau này giúp các bộ phận như gan, thận thải độc rất tốt. Ngoài ra, rau thông còn giúp cơ thể đả thông những bế tắc trong đường ruột, cải thiện “anh” tiêu hóa có hiệu quả.
Có lẽ vì vậy mà ngoài mục đích “đói ăn rau…”, coi rau như chất độn để no lòng, khá nhiều người ăn rau thông như đến với một phương thuốc. Nhưng nói gì thì nói, rau thông vẫn là một món rau ngon, vừa khoái khẩu vừa nhẹ bụng. Rau thông luộc vừa chín, đặt bên cạnh chén mắm tỏi thì món gỏi trở thành… thứ yếu. Hoặc, rau thông nấu canh với một chút thịt heo nạc mà xem, cọng rau ngọt lừ, bảo đảm món súp cầu kỳ ở nhà hàng như một cô nàng kém duyên.
Độc đáo hơn, hãy để rau thông “hôn phối” với chút thịt bò trong món xào tỏi. Thịt vào chảo với tỏi trước, đảo sơ để thịt vừa chín tới thì “trục” rau thông vào. Hãy chú ý, khi cọng rau thông bóng nhẩy, vẫn màu xanh lục nhưng đậm hơn lúc chưa vào chảo nghĩa là món xào đã hoàn thành. Thử coi! Miếng thịt bò thơm dịu, ngọt thanh, phơn phớt hương vị rau thông, thứ hương lắng lọc từ mặn mà đằm thắm của cát biển.
Một mình rau thông với… rau thông đã thấy ngon. Vì vậy có thể nói lạng thịt heo, chút thịt bò vì “phải lòng” rau thông mà tìm đến chứ rau thông thì vẫn an phận thủ thường.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)