Ong vò vẽ làm tổ trong bụi cây, thường tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn. Trung bình tổ to bằng quả bóng, đường kính 20-30 cm. Lấy nhộng, ta phải chọn tổ to, đốt cháy phần ngoài, diệt con sống rồi gỡ lấy con non ở trong tàng ong. Đó là những con ong vừa tượng hình, màu trắng đục như sữa, to gần bằng đầu ngón tay út, mập ú. Phải trụng vào nước nóng cho nhộng săn lại, rút bỏ chất bẩn màu đen bên trong nhộng non rồi cho vào nước muối pha loãng, rửa sạch, để ráo nước.
Ngon và phù hợp với hương vị đồng quê là món nhộng ong um với chuối cây non (phải là chuối rừng hoặc chuối chát). Khoảng một tô nhộng non um với hơn hai tô chuối cây xắt nhỏ ngâm nước vắt khô. Khử dầu ăn, phi hành rồi cho nhộng ong, chuối vào. Um chừng nào chuối mềm thấm đều với nhộng và gia vị rồi nêm, chú ý ớt và lá lốt là hai vị hạp nhất, tạo món ăn có chút hơi hám núi rừng mới ngon.
Món này ăn nóng rất hấp dẫn. Phải ăn kèm với bánh tráng nướng và một vài ly rượu. Mùi thơm của bánh tráng, chất béo của nhộng ong, vị chát của chuối cây cùng nhiều gia vị khác hòa cùng men nồng rượu cho ta một cảm giác lạ miệng, thơm ngon và bổ dưỡng. Ngoài ra, còn phải kể đến các món độc đáo khác được chế biến từ nhộng ong như gỏi hoặc nấu cháo.
Tuy bình dân như thế nhưng đây được coi là một món đặc sản, không dễ gì có ở các nhà hàng. Muốn ăn bạn hãy về quê!
Đào Tấn Trực
Bình luận (0)