Nhu cầu kỹ sư cao nhưng khó tuyển

09/02/2015 09:00 GMT+7

Sinh viên khối ngành kỹ thuật công nghệ có nhiều công việc để lựa chọn khi mới tốt nghiệp, nhưng chất lượng cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu công việc vẫn là điều băn khoăn của không ít đơn vị tuyển dụng.

Sinh viên khối ngành kỹ thuật công nghệ có nhiều công việc để lựa chọn khi mới tốt nghiệp, nhưng chất lượng cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu công việc vẫn là điều băn khoăn của không ít đơn vị tuyển dụng.

Hiện tại và các năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân lực khối ngành kỹ thuật, công nghệ tăng cao Hiện tại và các năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân lực khối ngành kỹ thuật, công nghệ tăng cao - Ảnh: Hà Ánh

Không đủ người để tuyển

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho biết: “Những lĩnh vực mà Navigos nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng gồm: điện, điện tử, dệt may, hóa chất, cơ khí, công nghiệp nặng, sản xuất ô tô - xe máy… Ngoài những vị trí nhân sự trung cao cấp như kỹ sư, giám đốc phân xưởng, giám đốc nhà máy, các vị trí như bán hàng kỹ thuật cũng có yêu cầu tuyển dụng rất nhiều. Có những dự án chúng tôi không tuyển đủ nhân sự cho doanh nghiệp”. Theo bà Vân Anh, năm 2014, nhu cầu tuyển dụng nhân lực lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ đứng đầu. VN đang trở thành thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật nên nhân lực chất lượng cao đang ngày càng được săn đón.

Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35% (cao nhất) trong tổng nhu cầu nhân lực các nhóm ngành nghề của TP.HCM, với 70.875 vị trí việc làm hằng năm. Theo đó, từ nay đến năm 2020, các ngành điện tử - công nghệ thông tin cần 16.000 lao động mỗi năm, nhóm xây dựng - kiến trúc - môi trường cần 10.800 lao động, riêng cơ khí và công nghệ nông - lâm mỗi lĩnh vực cần 8.100 lao động...

Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Công ty CP giải pháp phần mềm Asoft, cũng nhận định: “VN bước vào giai đoạn nước rút của tiến trình công nghiệp hóa, vì vậy nhu cầu nhân lực nhóm ngành kỹ thuật ngày càng tăng. Một phần nhu cầu đến từ các doanh nghiệp nội địa, phần còn lại đang gia tăng nhanh đến từ các doanh nghiệp FDI điện tử, công nghệ… đầu tư tại VN”.

Theo ông Minh, VN nằm trong tốp 10 nước hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương và 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm. Theo báo cáo của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về công nghệ thông tin) trong năm 2014, TP.HCM xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 22 trong tốp 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm. Từ năm 2012, VN trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản. Những năm gần đây ngành công nghệ thông tin luôn phát triển với tốc độ cao (năm 2013 tăng 55,3% so với năm 2012) khiến cho nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng cao.

Bên cạnh công nghệ thông tin, theo ông Trần Anh Tuấn, các nhóm ngành cơ khí tại TP.HCM cũng đang được ưu tiên phát triển như: cơ khí khuôn mẫu, máy móc thiết bị điện, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp chế biến, sản xuất máy công cụ, quang học, đồng hồ… Lĩnh vực điện tử ưu tiên sản xuất các sản phẩm, linh kiện, thiết bị tin học, viễn thông, nghe nhìn, sản xuất phần mềm và nội dung số. Đối với ngành xây dựng, hiện đang thiếu nhân lực trình độ kỹ thuật và sơ cấp nghề.

Săn đón ngay tại trường ĐH

Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành kỹ thuật rất được doanh nghiệp săn đón. Tiến sĩ Trần Cao Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết công nghệ thông tin và điện tử viễn thông là 2 ngành có đầu ra tốt nhất hiện nay của trường, trong đó tỷ lệ sinh viên công nghệ thông tin có việc làm cao nhất các năm gần đây. Nhiều sinh viên sau khi đi thực tập năm thứ 3 được doanh nghiệp nhận vào làm ngay khi tốt nghiệp. Chỉ riêng đối tác trong 2 lĩnh vực này của trường đã khoảng trên 50 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Vũ Anh Tuấn, Trung tâm hỗ trợ sinh viên và việc làm Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng thông tin trong năm 2014 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại trường về lĩnh vực công nghệ thông tin nhiều nhất. Riêng ngành xây dựng, đầu năm 2014 nhu cầu không cao nhưng đến cuối năm thông báo tuyển dụng gửi về trường rất nhiều, có những đơn vị tuyển một lúc trên 100 kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp. “Xu hướng này tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Chẳng hạn, doanh nghiệp cần nhiều kỹ sư xây dựng vào cuối năm chính là sự tác động của gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng được giải ngân”, ông Tuấn nhận định.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận dù kinh tế có suy giảm nhưng sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật công nghệ vẫn có việc làm ở mức rất cao. Đáng chú ý trong năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đã đến tận trường để tuyển dụng.

Ngoại ngữ kém, thực hành yếu

VN hiện có gần 300 trường CĐ, ĐH có đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Công ty CP giải pháp phần mềm Asoft, số lượng sinh viên ra trường hằng năm khá lớn nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu công việc tại doanh nghiệp còn hạn chế, phải tổ chức thi tuyển, đánh giá mất nhiều thời gian mới chọn được nhân sự phù hợp và sau đó doanh nghiệp phải tiếp tục đào tạo bổ sung từ 3 - 6 tháng mới có thể giao việc chính thức. “Phần lớn sinh viên chỉ được đào tạo lý thuyết là chính, thực hành về chuyên môn rất ít. Và các bạn rất thiếu và yếu về các kỹ năng mềm như: tư duy làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày thuyết phục và đặc biệt là yếu ngoại ngữ. Riêng ngoại ngữ doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư thêm 1 - 2 năm các bạn mới có thể giao tiếp làm việc được với đối tác nói tiếng Anh, còn với đối tác đến từ Nhật thì phải đầu tư lâu hơn”, ông Minh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh cũng nhấn mạnh: “Những ngành sản xuất đã định hình nhiều năm như sản xuất đồ gia dụng thì các kỹ sư VN đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng đối với một số ngành mới như sản xuất điện thoại thông minh thì kỹ sư VN cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định”.

Ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận: “Thiết bị, máy móc phục vụ cho dạy học trong các ngành kỹ thuật - công nghệ rất tốn kém. Vì vậy công nghệ dạy học trong các trường chưa theo kịp với xu hướng chung của thế giới, phần lớn những sinh viên sau khi ra trường cần phải qua một quá trình đào tạo tại doanh nghiệp mới có khả năng làm việc”. Theo ông Tuấn, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành cơ khí tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như đào tạo nhân sự đáp ứng cả 2 tiêu chí: chất lượng và số lượng.

Không nên quá mơ mộng

“Sinh viên ngành kỹ thuật ra trường rất dễ xin việc. Tuy nhiên, mức lương khởi đầu thường không cao, trong khi môi trường làm việc và yêu cầu công việc vất vả hơn với các ngành nghề khác. Vì vậy, trước khi dự thi các ngành này học sinh cần xác định đúng đắn và khi tìm việc không nên quá mơ mộng”.

 Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)

 Dễ nghỉ việc

Rất thiếu nhân sự các ngành kỹ thuật như kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y. Nhiều sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm thực tế chưa có nhưng yêu cầu mức lương rất cao. Họ chỉ làm việc một thời gian ngắn rồi nghỉ việc, chúng tôi lại lặn lội đi tìm người mới”.

Ông Hồ Đăng Khoa (Giám đốc Công ty TNHH thuốc thú y thủy sản Cao Long)

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.