Cuộc tấn công của Israel vào Iran hôm 26.10 sử dụng nhiều tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, dẫn đến nhu cầu gia tăng về vũ khí nhanh, chính xác và khiến đối phương khó phòng thủ, theo phân tích của Reuters ngày 10.11.
Việc sử dụng hiệu quả của Israel dự kiến sẽ làm gia tăng nhu cầu về vũ khí này, dù trước đó nhiều nước lớn tập trung nhiều hơn vào tên lửa hành trình và bom lượn.
Vượt nhiều hệ thống phòng thủ
Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết cuộc tấn công trên được tiến hành theo 3 đợt đã làm thiệt hại những nhà máy tên lửa và hệ thống phòng không của Iran. Theo các nhà nghiên cứu, những hình ảnh vệ tinh thể hiện rằng trong số các mục tiêu có những tòa nhà từng được sử dụng trong chương trình hạt nhân của Iran.
Tehran bảo vệ các mục tiêu như vậy bằng rất nhiều hệ thống phòng không, theo chuyên gia Justin Bronk chuyên nghiên cứu công nghệ và sức mạnh không quân tại Viện các Quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
Tên lửa hành trình dễ bị tấn công hơn bởi các hệ thống phòng không tích hợp và dày đặc, khi so với tên lửa đạn đạo. Nhưng tên lửa đạn đạo thường được bắn từ các điểm phóng đã biết và hầu hết không thể thay đổi hướng bay.
Các chuyên gia cho biết tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có độ chính xác, tốc độ cao như Rampage do Công ty Elbit Systems (Israel) và Tập đoàn Công nghệ hàng không Israel phát triển, có thể giải quyết được các vấn đề mà tên lửa đạn đạo trên mặt đất và tên lửa hành trình phóng từ trên không gặp phải.
Chuyên gia Jeffrey Lewis tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California (Mỹ) cho rằng lợi thế chính của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ trên không là tốc độ để vượt qua sự phòng thủ. "Vấn đề tấn công chính xác dường như đã được giải quyết phần lớn", ông nhận định.
Lầu Năm Góc bác bỏ yêu cầu tên lửa của Tổng thống Ukraine Zelensky
Sự quan tâm gia tăng?
Tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, vốn được Iran sử dụng để tấn công Israel 2 lần trong năm nay, rất phổ biến trong kho vũ khí của nhiều quốc gia, tương tự như tên lửa hành trình. Nga và Ukraine cũng sử dụng nhiều tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong khi đó, tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay có điểm phóng lưu động, nên có lợi thế hơn. "Ưu điểm là khi phóng từ trên không, chúng có thể đến từ mọi hướng, làm phức tạp thêm nhiệm vụ phòng thủ", theo chuyên gia Uzi Rubin tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, một trong những kiến trúc sư xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel.
Do tên lửa đạn đạo phóng từ trên không là sự kết hợp của việc điều hướng, đầu đạn và động cơ, nhiều nước có vũ khí chính xác đã sở hữu năng lực để theo đuổi vũ khí này, theo một lãnh đạo doanh nghiệp quốc phòng phát biểu ẩn danh vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.
"Đây là một cách thông minh để sử dụng một bộ công nghệ và các linh kiện phổ biến để biến thành một loại vũ khí mới rất thú vị, mang lại cho chúng nhiều khả năng hơn, và do đó có nhiều lựa chọn hơn, với mức giá hợp lý", theo vị lãnh đạo.
Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay trong Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Israel, Nga và Trung Quốc được biết là đang triển khai vũ khí này.
Dù vậy, vũ khí này cũng không phải bất khả chiến bại trước các hệ thống phòng không. Tại Ukraine, hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 của hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất đã nhiều lần chặn được tên lửa Kinzhal của Nga.
Mỹ chưa mặn mòi?
Mỹ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo bội siêu thanh phóng từ trên không, là mẫu AGM-183 của hãng Lockheed Martin, nhưng chưa nhận được tài trợ cho tài khóa 2025. Do có kho tên lửa hành trình và các loại vũ khí tấn công tầm xa khác nên Washington dường như không mấy quan tâm đến tên lửa trên. Một quan chức Không quân Mỹ ẩn danh xác nhận rằng tên lửa đạn đạo phóng từ trên không hiện chưa được lực lượng này sử dụng. Hãng Raytheon của Mỹ cũng thử nghiệm phóng tên lửa SM-6 theo nhiệm vụ không đối đất, dù tên lửa phòng không này vốn được chuyển đổi mục đích thành tên lửa không đối không và đất đối đất, theo một nhà phân tích kỹ thuật quốc phòng Mỹ ẩn danh.
Bình luận (0)