Số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số lấy lại được tiền rất nhỏ
Báo cáo với kênh Chongluadao.vn, một nạn nhân kể lại: "Hôm đó em đang đi học ở trường thì có một cuộc điện thoại lạ từ số 0815744465 gọi đến tự xưng trung úy N.T.H là công an và bảo em có liên quan đến vụ án rửa tiền. Họ bảo em qua công an Hải Phòng để phối hợp điều tra làm rõ mà em đang học ở trường nên không thể di chuyển qua đó được. Rồi họ cho em một hướng khác là gọi điện qua Zoom và người công an khác tự xưng là đại úy L.V.N trao đổi với em qua Zoom, bảo em bật cam lên chia sẻ màn hình, dặn tuyệt đối không để lộ thông tin, nếu không, em sẽ bị bắt ngay lập tức. Rồi họ cho em đọc mấy cái biên bản làm em hoảng sợ.
Sau khi thấy em đồng ý hợp tác, người này nói để chứng minh cho tài khoản em trong sạch thì họ chia sẻ màn hình Zoom hướng dẫn vay tiền trên các app với số tiền 20 triệu đồng và gửi hóa đơn chuyển khoản lên cuộc trò chuyện để chứng minh dòng tiền em là trong sạch, xong lúc sau lại chuyển hướng sang một đồng chí công an khác, hướng dẫn em vay tiền trên ngân hàng C. với số tiền 25 triệu đồng. Sau khi hướng dẫn em vay 25 triệu rồi, đối tượng tiếp tục hỏi em có dùng app ngân hàng nào khác không, đối tượng tiếp tục hướng dẫn em vay thêm 8 triệu ở Shopee, vay xong em tự bị out Zoom luôn không quay được nữa, gọi điện lại cũng không nghe máy nữa".
Trên đây chỉ là một trong vô số trường hợp bị lừa đảo trực tuyến gần nhất.
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia mới đây đã công bố báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024; được thực hiện ở khu vực người dùng cá nhân, theo hình thức trực tuyến, từ ngày 28.11 - 14.12, thu hút 59.000 người tham gia. Theo kết quả khảo sát, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỉ đồng.
Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.
Theo chuyên gia của hiệp hội, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan. Hơn nữa, mỗi vụ lừa đảo được báo cáo sẽ góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các chiêu trò, phương thức hoạt động của các đối tượng, từ đó cảnh báo cộng đồng, ngăn ngừa các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho nhiều người khác.
Cắm sạc, dùng wifi cũng có thể mất thông tin cá nhân
Thông tin gần đây từ Jon Bruner, chuyên gia tại Lumafield, công ty chuyên thực hiện quét CT công nghiệp, đã khiến cộng đồng công nghệ lo ngại. Theo đó, khi phân tích một chiếc cáp USB-C qua quét CT, nhóm nghiên cứu phát hiện bên trong chiếc cáp tưởng chừng vô hại lại chứa hệ thống can thiệp dữ liệu.
Tin tặc đã lén tích hợp một ăng ten wifi và các vi mạch xếp chồng lên nhau trong cáp. Những thành phần này cho phép chúng thực hiện nhiều hành vi như ghi lại thao tác gõ bàn phím, đánh cắp mật khẩu, kết nối từ xa qua wifi, thậm chí chiếm toàn quyền kiểm soát thiết bị. Khi đã kiểm soát được điện thoại, tin tặc có thể nhanh chóng tiếp cận các tài khoản tài chính và đánh cắp tiền trong chớp mắt. Đáng sợ hơn, chiếc cáp độc hại này vẫn hoạt động như một chiếc cáp thông thường, sạc và truyền dữ liệu mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nó nguy hiểm.
Trao đổi với Thanh Niên cụ thể hơn về vấn đề này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, cho hay: Hiện nay, việc cắm sạc ở nơi công cộng là rất nguy hiểm vì có những bộ sạc ẩn chứa thiết bị thu thập dữ liệu, khi điện thoại cắm vào sạc thì sẽ bị thu thập dữ liệu và phần mềm gián điệp cũng âm thầm "đột nhập" rồi ẩn trong máy. Chính vì thế, ngay cả sau khi đã rút sạc khỏi máy, thì máy cũng đã bị can thiệp để thu thập dữ liệu từ xa mà người dùng không hề hay biết.
Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát cảnh báo về nguy cơ thiết bị điện tử bị phần mềm độc hại xâm nhập khi sạc pin ở trạm sạc công cộng. Các trạm sạc USB công cộng như tại trung tâm thương mại và sân bay đang được các đối tượng xấu sử dụng để phát tán phần mềm độc hại và phần mềm giám sát. Bởi dây cáp sử dụng để sạc điện thoại có thể gửi dữ liệu từ điện thoại đến các thiết bị khác. Do đó, chỉ cần một cổng bị xâm nhập, bất kỳ dữ liệu nào cũng có nguy cơ bị hacker thu thập, bao gồm email, tin nhắn văn bản, hình ảnh và danh bạ điện thoại… Vì thế, thiết bị điện tử sau khi sạc pin công cộng có thể bị tấn công qua phần mềm, sau đó lấy đi tên người dùng, mật khẩu và khóa thiết bị. Hacker có thể sử dụng thông tin lấy cắp để truy cập tài khoản trực tuyến của nạn nhân hoặc bán cho kẻ khác. FBI cũng khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng với quà tặng là cáp sạc.
Quy tắc "6 KHÔNG"
1. KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
2. KHÔNG kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
3. KHÔNG truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
4. KHÔNG cán bộ cơ quan nhà nước, bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính... nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền.
5. KHÔNG thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
6. KHÔNG tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao"...
Tuần qua, hệ thống giám sát của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã ghi nhận 5.237 phản ánh trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng điện thoại, internet gửi về. Trong đó, có 285 trường hợp phản ánh được tiếp nhận thông qua hệ thống Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn) và 4.952 trường hợp phản ánh cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo thông qua tổng đài 156/5656.
Bình luận (0)