Loạn thần, muốn tự tử…
Sinh con hơn hai tháng nay, cô bé Y. (13 tuổi, ngụ tại TP.HCM) phải đến nương náu tại một phòng trọ chật chội của người bác ruột. Theo sự sắp đặt tạm thời của người thân, Y. đã đi học trở lại trong một ngôi trường mới. Nghi phạm khiến Y. bất đắc dĩ phải làm mẹ ở độ tuổi 12 chính là cha dượng.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới liên hệ được bác ruột của Y. - người phát hiện vụ việc, đưa đơn tố cáo đồng thời đang cưu mang Y. Chị tâm sự rằng đồng lương công nhân còm cõi của chị không thể gánh gồng nuôi mãi mẹ con Y. và gia đình riêng của chị. Mới đây, chị phải chạy vạy gần 11 triệu đồng để làm xét nghiệm ADN cho đứa bé sơ sinh. Đã thế, chủ phòng trọ hăm he đuổi gia đình chị ra đường vì không chấp nhận sự quấy khóc của đứa trẻ đáng thương. Sau hơn 4 tháng nộp đơn tố cáo, gia đình chị luôn sống trong sự căng thẳng, khủng hoảng về mặt kinh tế cũng như tinh thần nên chỉ biết trông chờ ngày tòa án giải quyết vụ án.
|
|
Cuối tháng 12.2012, Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM tiếp nhận trường hợp nữ sinh 13 tuổi tên T. bị anh họ hiếp dâm và đã có thai 3 tháng. Nhà trường làm đơn đề nghị giám định sức khỏe tâm thần cho T., bởi em có những biểu hiện đáng lo ngại. Theo cô giáo chủ nhiệm, T. tự phê vào sổ liên lạc, lên lớp không chịu học, ngơ ngác, dễ bực tức, có lần còn viết thư tuyệt mệnh. Khi ở nhà, T. không nói gì, hay bỏ đi qua đêm. Hồ sơ giám định của T. ghi nhận: “Khí sắc trầm cảm, thờ ơ ngoại cảnh, ngôn ngữ yếu. Bị rối loạn tâm thần từ mức độ trung bình đến nặng. Đương sự cần được điều trị và theo dõi tại cơ sở chuyên khoa tâm thần và điều trị tích cực từ gia đình, từ nhà trường để đề phòng đương sự có hành vi nguy hiểm”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.HCM, khuyến cáo: “Trẻ em trong những vụ xâm hại tình dục, đặc biệt nạn nhân bị người thân cưỡng hiếp thường phải gánh chịu những “di chứng” trước mắt cũng như lâu dài”. Theo bác sĩ Quang, nhiều nạn nhân bị rối loạn căng thẳng, rối loạn sau sang chấn (xảy ra sau một cú sốc khủng khiếp), gây ám ảnh hằn sâu rất khó quên. Nếu được an ủi, can thiệp kịp thời từ nhiều phía, đặc biệt là từ chuyên gia tâm lý cũng như tâm thần, nạn nhân có thể hồi phục phần nào. Tuy nhiên, có những trường hợp rối loạn tồn tại kéo dài có thể dẫn đến loạn thần. Nạn nhân có xu hướng tự tử hoặc bị biến đổi nhân cách, mắc các bệnh tâm thần như bị rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn ám ảnh. Đáng lưu ý, có những ca tưởng như “không có gì”, tức là không có những biểu hiện đáng lo ngại, nhưng đến tuổi trưởng thành lại hồi tưởng sự việc đau lòng, rồi vật vã, gặp những cơn ác mộng…
Dễ sa vào tệ nạn
|
Đã và đang tiếp tục tham gia xét xử nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em, bà Lê Thị Xuân Lang, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, phụ trách tổ tư vấn pháp luật Cơ quan thường trực phía nam của Hội, phân tích những tổn hại mà nạn nhân các vụ xâm hại trẻ em thường phải gánh chịu. Bà cho biết: “Về thể chất, các em có thể bị những vết trầy trụa hay bị rách màng trinh, bị bệnh hoặc bị lây bệnh. Về mặt tinh thần, đó là sự hoảng loạn, sợ hãi và ghê tởm. Nếu không kịp thời hỗ trợ, các em sẽ bị trầm cảm, co rút lại, có xu hướng sợ đàn ông, tỏ ra bất cần đời, thậm chí có thể sa vào những tệ nạn xã hội”.
Có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận và chăm sóc trẻ bị xâm hại tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước, bà Nguyễn Kim Thiện, Chủ nhiệm Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM), chia sẻ: “Sau khi xảy ra sự việc, tâm lý các em phức tạp khó lường. Có em rất hung hãn, nổi loạn. Có em hay chui xó xỉnh nào đó để ngồi. Có em hoang tưởng dựng chuyện này chuyện kia...”.
Bà Đỗ Thị Bạch Phát, một giáo dục viên lâu năm tại TP.HCM, cho hay phần lớn trẻ đường phố trước khi đến với những cơ sở xã hội thường là nạn nhân của 3 thứ xâm hại cộng lại: bị bạo hành, bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục. “Có những ca chúng tôi đành bó tay vì chặng đường đời mà các em đã trải qua quá khủng khiếp, quá bầm dập. Tâm hồn các em đầy thương tích nên chúng tôi không biết làm sao để lấy lại lòng tin cho các em. Có những em bị lạm dụng tình dục quá sớm, đã trở thành nô lệ tình dục” - bà Phát day dứt.
Theo bà Phát, với những “tâm hồn đầy thương tích” như vậy, các em rất cần được trị liệu. Thế nhưng trên thực tế, khi những chấn thương chưa được điều trị, tâm lý còn bất ổn, các em đã được cho đi học chữ, học nghề nên càng dễ bị gãy đổ. Bà Phát thẳng thắn nhìn nhận: “Bản thân tôi dù học ngành công tác xã hội nhưng trong trường chỉ dạy kiến thức chung chung. Còn những bác sĩ, nhà tâm lý trị liệu chuyên sâu rất khó kiếm ra. Mặt khác, việc điều trị lâu dài cho các em cần một khoản kinh phí lớn. Trong khi đó, tiền ăn hằng ngày cho các em còn chưa đủ, huống chi nói đến việc điều trị “xa xỉ” như vậy. Vì vậy, những chứng bệnh của trẻ cứ bị găm, ghim mãi trong lòng, có dịp là bộc phát dữ dội”.
Can thiệp cho trẻ có nguy cơ bị xâm hại Trong hai năm 2011-2012, Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM phối hợp tổ chức Dynamo International triển khai dự án “Phòng chống, can thiệp cho trẻ, thanh thiếu niên đường phố có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành” tại TP.HCM và một số tỉnh miền Trung, ĐBSCL. Trong thời gian đó, các nhóm giáo dục viên đã hỗ trợ, can thiệp cho 369 trẻ là nạn nhân hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành. |
Như Lịch
>> Nhức nhối nạn xâm hại trẻ em
>> Nhức nhối nạn xâm hại trẻ em
>> Một quân nhân Ả Rập Xê Út bị cáo buộc hiếp dâm trẻ em
>> Lãnh 12 năm tù vì hiếp dâm trẻ em
>> Tuyên án tử hình kẻ giết người, hiếp dâm trẻ em
Bình luận (0)