Cục máu đông hình thành bất thường trong cơ thể là tình trạng đe dọa tính mạng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính mỗi năm có khoảng 900.000 người nước này được chẩn đoán cục máu đông.
Cục máu đông ở cánh tay sẽ làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi |
SHUTTERSTOCK |
Cục máu đông có thể hình thành mà không có bất kỳ chấn thương nào bên trong động mạch hay tĩnh mạch. Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là cục máu đông trong tĩnh mạch chính. Chúng thường xuất hiện ở tĩnh mạch chân nhưng cũng có khả năng ở cánh tay hay xương chậu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Những người có nguy cơ cao nhất bị cục máu đông ở cánh tay là người từng phẫu thuật cấy ghép hoặc bệnh nhân ung thư. Những người trên 40 tuổi, lối sống ít vận động, có tiền sử bệnh tim hoặc phổi cũng có nguy cơ cao bị cục máu đông ở cánh tay, Hiệp hội Huyết học Mỹ (ASH) cho biết.
Các triệu chứng cục máu đông thường gặp ở cánh tay là sưng, đau, da chuyển sang màu đỏ hoặc xanh. Cục máu đông ở cánh tay nguy hiểm vì chúng có thể di chuyển trong mạch máu và đi vào phổi, dẫn đến thuyên tắc phổi.
Nếu người bệnh nghi ngờ mình bị cục máu đông thì có thể đến bệnh viện kiểm tra bằng chụp CT hay MRI. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cục máu đông mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu bị nhẹ thì bác sĩ sẽ khuyến cáo kê cao tay hoặc dùng băng ép cánh tay để giúp máu lưu thông từ cánh tay trở về tim dễ dàng hơn. Với những ca nghiêm trọng thì bác sĩ có thể kê thuốc làm loãng máu hoặc phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.
Để ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm này, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng và tránh ngồi nhiều, theo Healthline.
Bình luận (0)