Những ai cần cảnh giác với bệnh viêm thận?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
06/07/2024 08:07 GMT+7

Viêm thận là tình trạng thận bị sưng do một số nguyên nhân như nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch hay tác dụng phụ của thuốc. Những người có nguy cơ cao cần nhận biết sớm dấu hiệu của viêm thận để sớm được can thiệp.

Thận có chức năng loại bỏ nước dư thừa, kiểm soát chất điện giải, đưa chất thải ra khỏi cơ thể và duy trì cân bằng chất lỏng. Khi thận bị viêm, cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng tiêu cực, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Những ai cần cảnh giác với bệnh viêm thận?- Ảnh 1.

Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không điều trị có thể khiến nhiễm trùng lan đến thận

PEXELS

Những người có nguy cơ cao bị viêm thận gồm:

Rối loạn tự miễn

Với bệnh tự miễn, hệ miễn dịch vì một nguyên nhân nào đó sẽ tấn công vào thận. Các bệnh tự miễn ảnh hưởng đến thận là lupus và bệnh thận IgA. Hệ quả là làm thận bị viêm và tổn thương.

Người dễ bị nhiễm trùng

Có một loại viêm thận gọi là viêm cầu thận. Nguyên nhân do thận bị vi khuẩn tấn công, chẳng hạn như vi khuẩn Streptococcus. Nhiễm trùng đường tiết niệu tiến triển cũng có thể gây nhiễm trùng lan đến thận.

Bệnh mạn tính

Các bệnh mạn tính như huyết áp cao và tiểu đường về lâu dài có thể gây tổn thương thận. Hệ quả là làm tăng nguy cơ viêm thận và suy giảm chức năng thận.

Thuốc và độc tố

Tác dụng phụ của một số loại thuốc hay tiếp xúc với độc tố, chẳng hạn như kim loại nặng, có thể gây tổn thương cho thận và gây viêm thận.

Viêm thận khi xảy ra sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sưng phù, buồn nôn, đau lưng và đổi màu nước tiểu. Trong đó, sưng phù ở tay, chân, mặt và triệu chứng rất thường gặp của các vấn đề liên quan đến thận. Nguyên nhân là do chức năng cân bằng chất lỏng của thận bị suy giảm.

Viêm thận cũng gây các triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn, ói mửa, đặc biệt khi bệnh nặng. Ngoài ra, 2 bên lưng dưới, ngay vị trí của thận, cũng sẽ bị đau và khó chịu.

Nước tiểu người bị viêm thận cũng sẽ sậm màu hoặc có máu. Đồng thời, cơ thể họ sẽ cảm thấy yếu ớt, kiệt sức do khả năng đào thải chất độc và duy trì điện giải của cơ thể bị giảm sút.

Để điều trị viêm thận, tùy nguyên nhân bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hay thuốc chống viêm. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ cần phẫu thuật. Nếu chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng thì người bệnh sẽ được chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống theo hướng giảm muối, protein, kiểm soát huyết áp, duy trì cân nặng khỏe mạnh và thường xuyên tập thể dục. Những biện pháp này có thể giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương thận trong tương lai, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.