Vì sao tội phạm rửa tiền xuất hiện nhiều trong các đại án:

Những ai có thể phạm tội rửa tiền?

Ngân Nga
Ngân Nga
19/06/2024 05:52 GMT+7

Chồng mang tiền về cho vợ, con mang tiền về cho mẹ mua bất động sản, kinh doanh... mà biết đây là nguồn tiền bất hợp pháp, thì cả hai đều có thể bị xử lý về tội 'rửa tiền'.

Tại điều 324 bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về tội "rửa tiền", mức án cao nhất là 15 năm tù. Cụ thể, người phạm tội về tiền, tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, thì bị phạt từ 10 - 15 năm tù.

Những ai có thể phạm tội rửa tiền?- Ảnh 1.

Cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức Nguyễn Minh Quân bị xử lý về tội “rửa tiền” hơn 67 tỉ đồng

Nhật Thịnh

Những dấu hiệu nhận biết tội "rửa tiền"

Vấn đề đặt ra là những ai có thể bị xử lý tội "rửa tiền"? Theo luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), BLHS có 2 điều quy định chế tài đối với hành vi liên quan đến tài sản mà hành vi trước là tội phạm và là tiền đề cho hành vi tiếp theo.

Cụ thể, điều 323 BLHS quy định hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Riêng đối với tiền, đây là loại tài sản đặc biệt nên việc tiêu thụ, hoặc sử dụng số tiền do phạm tội, hoặc biết người khác phạm tội mà có thì bị xử lý hình sự về tội "rửa tiền" theo điều 324 BLHS.

Đặc trưng của tội danh này là có hành vi phạm tội chiếm đoạt được tiền trước đó, người phạm tội bị xử lý theo pháp luật. Số tiền chiếm đoạt được sau đó đưa cho người khác mà họ biết được số tiền này do phạm tội mà có, nhằm mục đích mang đi cất giấu, hoặc sử dụng vào mục đích khác như mua bán tài sản, đầu tư kinh doanh…

Thời gian qua, cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố và xử lý nhiều vụ án về hành vi rửa tiền, điển hình như vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), vụ án cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức Nguyễn Minh Quân, vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba…

Giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan và đồng phạm rửa tiền ra sao?

"Không riêng gì các vụ án về kinh tế, mà bất kể hành vi phạm tội nào mà có được tiền, sau đó dùng tiền đó mua bất động sản, đầu tư vào các lĩnh vực khác, hoặc đưa cho người khác để giao dịch, mà người nhận tiền biết được số tiền này do phạm tội mà có, thì cả người đưa và người nhận tiền này cùng phạm tội "rửa tiền", LS Hoan nói.

LS Hoan lấy ví dụ trong gia đình, người chồng - vốn là công chức - bỗng một ngày mang về cho vợ một số tiền lớn để mua bất động sản. Người vợ biết tiền này có được là do nhận hối lộ… mà vẫn sử dụng thì cả hai vợ chồng đều có thể bị xử lý về tội "rửa tiền".

Đối tượng bị xử lý tội "rửa tiền" quá rộng?

Theo LS Nguyễn Thành Công (Công ty luật TNHH Đông Phương Luật), các loại tội về kinh tế, trật tự xã hội cho đến ma túy mà tạo ra được tiền, tài sản từ phạm tội đều là tội phạm nguồn để phát sinh thêm tội "rửa tiền". Bởi khi sử dụng số tiền do phạm tội mà có được biến thành tài sản, hoặc đưa cho người khác theo hình thức tặng, cho, mua tài sản.

LS Thành Công nhận xét thêm: "Gần như mọi tội phạm tạo ra tiền, tài sản mà có hành vi nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản thì dễ phạm tội "rửa tiền" do chính đối tượng phạm tội mà có. Hay chỉ là có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có, cũng dễ bị xử lý tội này".

LS Thành Công lấy ví dụ người trốn thuế rồi dùng tiền đó mua tài sản, đầu tư, thậm chí tặng cho, làm từ thiện là có khả năng bị xử lý thêm tội "rửa tiền". Hay người vợ không biết gì, thấy cục tiền chồng đem về, không hỏi nguồn gốc mà dùng vào việc mua bán hay đầu tư, tặng cho, làm từ thiện thì cũng có thể phạm tội "rửa tiền".

Theo khoản 2 điều 3 Nghị quyết 03 năm 2019 của TAND tối cao: "Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "rửa tiền" có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn".

Có thể thấy, điểm đặc biệt của tội "rửa tiền" là đối tượng bị xử lý rất rộng. Chủ thể bị xử lý tội "rửa tiền" ngoài đối tượng là tội phạm trực tiếp thực hiện tội phạm nguồn thì còn có cá nhân, pháp nhân chỉ cần "biết hay có cơ sở để biết" đối với tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có và dùng để tiến hành các hoạt động kinh doanh.

"Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng gần như bất cứ tội danh nào "tạo" ra được tài sản, tiền đều trở thành tội phạm nguồn cho tội "rửa tiền". Theo tôi, nhà làm luật cần xem xét lại vì mục đích của chiếm đoạt là để sử dụng số tiền ấy. Chứ có ai chiếm đoạt xong thì cột dây lại để nguyên trong tủ, hay chôn dưới đất đâu", LS Thành Công nói.

Do đó, LS cho rằng cần có hướng dẫn lại về tội này theo hướng giới hạn phạm vi một số tội phạm nguồn nhất định thì mới phát sinh ra tội "rửa tiền", chứ không để rộng rãi cho mọi tội phạm như hiện nay. Hay đơn giản là giữ gần nguyên tội danh rửa tiền ở điều 251 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 và tinh thần xử lý tội danh "rửa tiền" như trước đây cũng đã đủ.

Th.S Trần Minh Hiệp, Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM), nhận xét: "Để đảm bảo tính công bằng và không bỏ lọt tội phạm, cần nâng số tiền trong giả định tội danh "rửa tiền". Với những hành vi rửa tiền có giá trị thấp thì người phạm tội thường đã bị xử lý hình sự với tội phạm chính như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, tham ô, tham nhũng… rồi nên không cần thiết phải xử lý thêm hành vi rửa tiền", Th.S Hiệp phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.