Những áp lực nào sinh viên thường gặp khi học tập ở các thành phố lớn?

01/07/2022 15:35 GMT+7

Vừa học vừa thực hành, điểm số, kế hoạch chi tiêu, học bổng, đi làm thêm… là những lý do khiến sinh viên gặp phải những áp lực tâm lý trong cuộc sống xa nhà.

Áp lực của sinh viên từ việc học, cuộc sống

Mới đây, thông tin một nam sinh viên đang ở trọ tại làng ĐH Thủ Đức được phát hiện tử vong trong phòng trọ thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo thông tin ban đầu, sau nhiều ngày không liên lạc được, người thân tới phòng trọ tại khu vực chợ Nhân Văn (thuộc Đại học quốc gia TPHCM, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An) để tìm kiếm và phát hiện nam sinh đã chết trên giường ngủ, miệng sùi bọt mép.

Trên bàn có một lá thư tuyệt mệnh, với nội dung gửi xin lỗi ba mẹ vì "con đã bỏ thi, bỏ báo cáo thực tập, còn nợ 4 môn", bị dằn vặt trong thời gian qua và đã nhiều lần tìm cách tự kết thúc.

Sinh viên luôn bị áp lực giữa việc làm thêm và việc học

N.t

Cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân cái chết của nam sinh. Tuy nhiên, một số sinh viên và chuyên gia tâm lý không loại trừ khả năng nam sinh này cũng như nhiều sinh viên khác đang gặp phải áp lực lớn trong cuộc sống.

"Bản thân tôi cũng như các sinh viên khác đang đối mặt với hai áp lực trong cuộc sống, cụ thể là làm sao để không bỏ lỡ cơ hội làm việc và làm sao để phụ giúp được gia đình", Đỗ Thị Ngọc Anh, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ.

Theo Ngọc Anh, trong năm học cuối trước kỳ thực tập, áp lực lớn nhất là hoàn thành chương trình học. “Không ít bạn đã phải đánh đổi khá nhiều, chọn đi làm thì đành nghỉ học và ngược lại. Bản thân tôi chọn việc học nên cũng có áp lực vì không có thời gian làm thêm bên ngoài”, Ngọc Anh nói.

Tuy nhiên, gia đình kỳ vọng Ngọc Anh có việc làm thêm để có thể phụ giúp gia đình về kinh tế. "Do đó, áp lực làm thế nào để học cho xứng đáng với sự đầu tư của gia đình vừa chọn được công việc phù hợp với đam mê vừa làm ra được nhiều tiền cho gia đình yên tâm... là một 'phương trình' khó cân bằng đối với tôi", nữ sinh chia sẻ.

Dù vậy, Ngọc Anh bày tỏ: “May mắn là tôi luôn hướng đến sự cân bằng nên dù gọi là áp lực nhưng tôi vẫn cố tìm cách giải quyết và bình tĩnh đón nhận. Nhưng theo quan sát của tôi thì không phải ai cũng may mắn có đủ điều kiện để bình tĩnh như vậy. Các bạn xung quanh từng kể với tôi rằng cũng có bạn phải đi điều trị tâm lý hay thậm chí là nghĩ đến cái chết”.

Chuyên gia tâm lý cho rằng sinh viên nên tìm những nơi đáng tin cậy để chia sẻ, giải tỏa tâm lý

Dạ thảo

Còn Đặng Ngọc Mai, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cô cũng thường gặp áp lực từ việc học, kế đến là tài chính chi tiêu. "Lịch học của tôi khá dày, bài tập thầy cô giao liên tục nên phải xoay xở để hoàn thành và nộp bài đúng thời gian. Chưa kể, tôi phải cố đảm bảo chất lượng bài để đạt điểm tốt và có học bổng”, Mai nói.

Dù được cha mẹ ở nhà gửi tiền hàng tháng nhưng Mai cũng cảm thấy áp lực vì mức sống quá cao ở thành phố. Nữ sinh viên chia sẻ đôi khi cô có "những suy nghĩ mông lung, thiếu định hướng xem bản thân cần gì, mình là ai và làm gì để tìm động lực tồn tại trong môi trường giảng đường".

Không khó để tìm người tư vấn tâm lý

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà, giảng viên ĐH Mở TP.HCM, cho rằng sinh viên thời nay đang đối phải mặt với nhiều áp lực hơn so với trước đây.

Theo cô Trà, áp lực lớn từ môi trường học tập bởi sinh viên vừa học trực tiếp, trực tuyến vừa bài tập nhóm, cá nhân, các kỳ thi, kiểm tra; phải tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường, nếu không tham gia sẽ không được điểm cộng về rèn luyện.

Bên cạnh đó, các trường ĐH luôn khuyến khích sinh viên đi thực hành, kiến tập thực tế để có kinh nghiệm thực tế dù chưa phải năm cuối. "Sinh viên còn phải đi làm thêm kiếm tiền. Ngoài ra, các bạn còn phải đối mặt áp lực từ cuộc sống như tiền chi tiêu, tình yêu. Do đó, không ít sinh viên rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu", thạc sĩ Trà chia sẻ.

Các trường ĐH cần phải có phòng tư vấn tâm lý

Dạ thảo

Tuy nhiên, vẫn có nhiều kênh tư vấn để sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận, chẳng hạn các trung tâm tư vấn tâm lý bên trong lẫn bên ngoài các trường ĐH và không gian mạng cũng cung cấp nhiều thông tin về tâm lý.

Chuyên gia Thanh Trà khuyên sinh viên nếu cảm thấy bất ổn về tâm lý, nhận thức, hành vi so với bản thân trước đây thì nên đến các trung tâm, phòng tư vấn ở trường để tham vấn. "Các chuyên gia sẽ giúp sinh viên nhận diện được vấn đề của mình. Sinh viên cũng có thể đến gặp những người đáng tin cậy, bạn thân tìm lời khuyên và chia sẻ để giải tỏa áp lực... Cái khó hiện nay là sinh viên không nhận diện được vấn đề tâm lý của mình hoặc nhận diện được nhưng lại ngại liên hệ với các trung tâm tư vấn", cô Trà lưu ý.

Chuyên gia tâm lý đồng thời khuyên sinh viên: “Nếu cảm thấy áp lực thì bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, đừng chạy trốn, lẫn qua việc khác, khi đó không giải quyết được nguồn cơn. Sau này chỉ cần một chút khó khăn khác thì nó sẽ cộng hưởng và sẽ bùng nổ theo hướng tiêu cực".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.