Xăng tăng giá kỷ lục, bạn sẽ sống sao?

15/06/2022 19:25 GMT+7

Nhiều bạn trẻ chọn cách sống tiết kiệm, không bước chân ra đường, đổi phương tiện đi lại hoặc mặc kệ 'sống chung với lũ' khi xăng tăng giá đỉnh điểm.

Lo lắng nhiều thứ vì xăng tăng giá

Sáng nay, Vũ Hải Đăng (27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) giật mình khi vào trạm đổ đầy bình xăng. Dù biết xăng tăng giá nhưng anh vẫn ngạc nhiên bởi vì số tiền đổ đầy bình xăng đã tăng nhiều lần so với 2 ngày trước. Đăng cho biết, thông thường anh chỉ đổ 100.000 đồng là đầy bình xăng và đi được trong 2 ngày, nhưng hôm nay đã tăng lên đến 120.000 đồng. Con số dư 20.000 đồng đó bằng ổ bánh mì dành cho bữa sáng của anh. Như vậy, thời gian tới mỗi tháng anh phải bỏ ra thêm hơn 300.000 đồng chỉ vì xăng tăng giá.

Poll TNO
Bạn thích ứng ra sao khi giá xăng tăng

Anh lo ngại giá xăng tăng sẽ làm giá thực phẩm, tã, sữa và một số mặt hàng khác cũng tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày. “Tô bún bò tôi thường ăn cũng tăng thêm 5.000 đồng, ly cà phê uống cũng tăng lên gần 5.000 đồng. Vật giá tăng theo giá xăng tăng, trong khi thu nhập vẫn dậm chân tại chỗ”, Đăng nói.

Nhiều bạn trẻ sống xa nhà gặp nhiều khó khăn khi giá xăng tăng

Dạ Thảo

Tương tự, Phạm Nguyên Thảo (25 tuổi, ngụ đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Xung quanh mình, ai cũng lo lắng vì giá xăng tăng, kể cả bố mẹ ở quê. Những bữa ăn của tôi cũng bắt đầu eo hẹp do ảnh hưởng bởi giá xăng”.

Cụ thể, hôm qua, Thảo mới trải nghiệm thực tế ngày xăng tăng giá. Nếu như trước kia chỉ cần cầm 10.000 đồng là đã mua được 1 bó rau (cải/rau ngót/rau mồng tơi), ăn được 3 bữa thì với từng đó chỉ mua ăn được 2 bữa. Với Thảo, đây không phải lần đầu cô chịu ảnh hưởng vì xăng tăng.

Còn Trịnh Thanh Thúy (25 tuổi, làm marketing online, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết gần đây nhất là giá vé xe khách về quê từ TP.HCM - Gia Lai tăng lên 300.000 đồng/người thay vì 220.000-250.000 đồng như trước. Phí vận chuyển của các đơn vị cũng đã tăng lên nhanh chóng. Một số quán ăn cũng tăng tiền vì nguồn nguyên liệu tăng giá. Từ đó, Thúy lo ngại đường về quê sẽ trở nên “xa hơn” vì giá vé xe khách sẽ tăng trong vài ngày tới.

Bất lực và chấp nhận "sống chung với lũ"

Trịnh Thanh Thúy cho rằng cô may mắn khi những đợt xăng tăng giá trước đây không gây ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống. Cụ thể, cô làm việc trực tuyến tại nhà nên tiết kiệm được khoản tiền đi lại đáng kể. Bên cạnh đó, Thúy di chuyển bằng xe đạp nên có thể bớt một phần tiền xăng mỗi ngày.

“Việc ít đi lại đã giúp tôi không phải đau đầu khi xăng tăng giá. Thêm nữa, xe máy của tôi thuộc dòng tiết kiệm xăng, đổ một bình đầy 70.000 đồng có thể di chuyển với mức độ vừa phải từ 3 - 4 ngày. Nếu đi ngắn, xung quanh nhà tôi sẽ đi xe đạp, còn đi xa tôi sẽ đi xe máy. Tôi sẽ vẫn giữ mức độ chi tiêu như cũ, không mua sắm khi không cần thiết”, Thúy chia sẻ.

Cô nói tiếp: “Một số người cho rằng nếu giá xăng tăng tới mức 32.000 đồng/lít thì họ sẽ bỏ xe máy đi bộ. Nhưng đến giờ, khi giá xăng ở mức 32.000 đồng mọi người vẫn đi xe máy đều đều. Giá xăng có ảnh hưởng đến đời sống nhưng tôi cảm thấy không quá lo lắng bởi vì có lo lắng thì cũng không thể làm giá xăng giảm xuống. Giờ đây, tôi chỉ biết 'sống chung với lũ', linh hoạt sống theo tình hình mới”.

Một số người trẻ chọn đi lại bằng phương tiện xe đạp thay thế để tiết kiệm xăng

Dạ Thảo

Còn Nguyên Thảo cho rằng cô từng chứng kiến nhiều lần giá xăng tăng kéo theo vật giá leo thang nên lần này lo ngại sinh hoạt phí ở TP.HCM sẽ tăng hơn trước.

Về chi tiêu, Thảo chia sẻ cô sẽ không có thay đổi nhiều vì đã tiêu xài khá hợp lý, không phung phí. Tuy nhiên, nếu giá xăng cứ tăng liên tục thì cô không biết phải sẽ cân đối chi tiêu và phải làm thêm như thế nào mới đáp ứng được cuộc sống. Do đó, Thảo nói: "Tôi chỉ biết phó mặc cho cuộc sống lên xuống theo giá xăng mà thôi".

Vũ Hải Đăng tiếp lời đây không phải lần tính toán tiết kiệm trong năm khi xăng tăng. Anh gọi đây là "tiết kiệm kép" sau nhiều lần giá xăng được điều chỉnh. Những lần xăng tăng giá trước, Đăng đã cắt lại các khoản vui chơi để tiền lo cho gia đình, ngưng cà phê sáng, giảm bữa ăn vặt và ít la cà bên ngoài. Đến lần này, anh cũng lại bất lực với việc xăng tăng giá như vậy.

“Tôi luôn theo dõi giá xăng thường xuyên. Những người trẻ sống theo lương như tôi chỉ biết tiết kiệm hơn với vòng xoáy giá cả chứ biết làm được gì. Chọn phương tiện đi lại khác thì không thể, chỗ ở thì càng lại không. Giờ đây tôi chỉ phụ thuộc vào khoản tiết kiệm ăn uống hay mua sắm mỗi tháng mà thôi”, Đăng chia sẻ khi xăng tăng giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.